Để hiểu rõ hơn về mô hình “Thủy cung từ rác thải nhựa”, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với Bí thư Đoàn thị trấn Đăk Tô (Kon Tum) Nguyễn Xuân Hoàng - trưởng dự án ý nghĩa này.
Anh có thể chia sẻ đôi nét về mô hình “Thủy cung từ rác thải nhựa” mà Đoàn thị trấn Đăk Tô đã triển khai trong thời gian qua?
Xuất phát từ chương trình “Bớt túi ni-lông, thêm nhiều mầm sống”, các đoàn viên của Đoàn thị trấn Đăk Tô bắt đầu lên ý tưởng về việc xử lý rác thải nhựa trong khu vực. Từ đó, ý tưởng về việc triển khai một mô hình vui chơi cho các em học sinh ra đời. Điều này không chỉ giúp tái sinh vòng đời của rác thải nhựa, mà còn giúp các em ý thức được việc sử dụng, phân loại và tái chế những đồ dùng bỏ đi.
Các đoàn viên phối hợp với học sinh, phụ huynh, giáo viên thu gom các vỏ chai nhựa |
Mô hình được triển khai trong khoảng thời gian nào và hiện tại đang được ứng dụng tại đâu?
Chúng tôi chọn tháng thanh niên để bắt đầu triển khai mô hình. Trong giai đoạn đầu, các đoàn viên phối hợp với học sinh, phụ huynh thu gom các vỏ chai nhựa, bìa carton, nắp chai, lon sữa,... còn sử dụng được để thực hiện khu vực chơi cho trẻ. Sau khi tổng hợp xong rác thải nhựa, các đoàn viên cùng thầy cô có khoảng 1 tuần để lên mô hình, cắt dán, trang trí khu vui chơi cho các em tại trường Mầm non Sao Mai (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô).
|
Thầy cô và các bạn đoàn viên lên mô hình, cắt dán, trang trí cho khu vui chơi |
Trong quá trình triển khai mô hình, Đoàn thị trấn Đăk Tô đối mặt với những khó khăn nào?
Chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía Huyện Đoàn Đăk Tô và Chi đoàn Trường Mầm non Sao Mai. Bên cạnh đó, tinh thần làm việc hăng say của các bạn đoàn viên, thầy cô cũng giúp mô hình được triển khai và hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Về phần khó khăn, chúng tôi phải giải quyết việc thiếu nguyên liệu để làm phần mái cho khu vui chơi. Vì vậy, các bạn đoàn viên đã gom thêm các chai nhựa bên ngoài cộng đồng, các hộ gia đình, vỉa hè để chung tay hoàn thành dự án.
Mô hình "Thủy cung từ rác thải nhựa" được hoàn thành Mô hình “Thủy cung từ rác thải nhựa” đã mang đến điều gì cho các em học sinh và thầy cô tại Trường Mầm non Sao Mai? Bước đầu thực hiện, tôi thấy các em rất thích thú, hào hứng khi chứng kiến một phòng vui chơi, đọc truyện, thư giãn độc đáo từ chai nhựa, bìa carton,... Thầy cô trong trường cũng ủng hộ ý tưởng này khi giáo dục được cho trẻ việc tái chế rác thải nhựa và sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau. Điều này giúp cho trẻ hiểu hơn về khái niệm tái chế rác thải nhựa, không chỉ là những hành động lớn lao mà đơn giản là ứng dụng vào các vật dụng trong không gian vui chơi thường ngày.
Đoàn thị trấn Đăk Tô có mong muốn triển khai thêm các dự án về tái chế rác thải nhựa trong tương lai không? Hiện tại, chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng mô hình “Thủy cung từ rác thải nhựa” thêm nhiều trường học trên thị trấn. Đồng thời, các đoàn viên cũng lên ý tưởng để đa dạng các sản phẩm như thùng rác tái chế, bình hoa từ lốp cao su,... góp phần tái chế thêm rác thải nhựa. Để làm được điều này, đoàn thị trấn đang lên kế hoạch phối hợp với Huyện Đoàn Đăk Tô triển khai phân loại, thu gom rác thải nhựa tại các thôn, xã để chuẩn bị nguyên liệu cho dự án. Tôi mong muốn mô hình này không chỉ dừng lại ở mức phong trào, mà được ứng dụng thực tiễn và trở thành xu hướng trong tương lai. Kết thúc buổi trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được niềm vui khi tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Đồng thời, còn thấy được ý nghĩa từ mỗi hành động nhỏ trong việc tạo nên một môi trường bền vững cho ngày mai. Những “chiến binh xanh” của Đoàn thanh niên Kon Tum đã tạo một hành động nhân văn cho vùng đất cao nguyên này. Theo TP |