Doanh nghiệp “Khởi nghiệp xã hội” – tạo ra giá trị kép

Doanh nghiệp xã hội nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội nói riêng còn là khái niệm mới ở Việt Nam

“Start up” – “Khởi nghiệp” là một từ được nhắc nhiều trong cộng đồng, xã hội, đặc biệt là thanh niên. Nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ. Tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) còn được gọi là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp hay tinh thần kinh doanh, là một thuật ngữ xuất hiện khá lâu trên thế giới. Theo một số nhà nghiên cứu, những doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải là những con người mà bản thân họ có hoài bão vượt lên số phận, chấp nhận mạo hiểm với tinh thần sáng tạo và đổi mới; đồng thời, sẵn sàng nhận lấy rủi ro, dũng cảm gánh chịu những tai họa nghiêm trọng về vật chất và tinh thần khi làm ăn thua lỗ.

Trở thành doanh nhân thành đạt đang là ước muốn, mục tiêu phấn đấu của rất nhiều bạn trẻ. Khát khao lập thân, lập nghiệp làm giàu bằng sức lực, tri thức đã và đang thôi thúc nhiều thanh niên hành động và khởi nghiệp.


Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, báo cáo với Thủ tướng kết quả hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ảnh Báo Thanh niên

Trong ba thập niên trở lại đây, doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã phát triển mạnh ra khỏi biên giới các quốc gia và trở thành một vận động xã hội có quy mô và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

DNXH là một khái niệm vẫn còn rất mới ở Việt Nam, mặc dù ở thời điểm năm 2014 trên cả nước đã có ít nhất gần 200 tổ chức được cho là đang hoạt động đúng theo mô hình DNXH. DNXH là mô hình kết hợp hài hòa cả hình thức và nội dung của hai loại hình tổ chức Doanh nghiệp truyền thống và NGO, lấy kinh doanh làm lĩnh vực hoạt động chính, nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể. Rõ ràng, mô hình DNXH tham gia tích cực hơn vào việc hiện các mục tiêu xã hội. Đã đến lúc, mô hình kinh doanh mới mẻ này cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) ...

DNXH đang tạo ra những ảnh hưởng lớn trong mọi mặt của đời sống con người. Hướng tới lợi ích cho cộng đồng, với những đặc trưng riêng so với các ngành khác như du lịch thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em tàn tật, dạy các kỹ năng cho người khó khăn… Hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, được thành lập với mục tiêu để giải quyết một vấn đề xã hội mà doanh nghiệp theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.

DNXH được dự đoán là hướng đi mới cho các bạn sinh viên, thanh niên muốn đóng góp cho cộng đồng. Việt Nam là nước đang có dân số trẻ, nên việc đóng góp giúp đỡ cộng đồng đang khó khăn là một việc làm có ý nghĩa. Chính vì thế mô hình khởi nghiệp xã hội ra đời!

Ước tính mỗi năm có khoảng 18 triệu người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ và những người yếu thế khác cần sự trợ giúp của xã hội. Với điều kiện thực tế này, Chính phủ cần huy động nhiều nguồn lực mới có thể hoàn thành mục tiêu dân sinh đề ra. Tuy nhiên, trong bài viết “Cần hiểu đúng về DNXH” trên Doanh nhân Sài Gòn Online ngày 6/10/2016 nói rằng: theo báo cáo thì Chỉ số kinh doanh toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor 2015), Việt Nam có 1,12% người trưởng thành bắt đầu khởi nghiệp và tham gia vào các hoạt động xã hội, trong đó tỷ lệ khởi nghiệp chuyên về DNXH năm 2015 chỉ đạt 0,45%. Tỷ lệ người trưởng thành đang lãnh đạo, điều hành các hoạt động xã hội ở Việt Nam ở mức 0,65% so với trung bình 3,7% trên thế giới. Điều này cho thấy các hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn chưa phát triển.

Khởi nghiệp xã hội (social entrepreneurship) là việc áp dụng các phương thức sáng tạo, theo định hướng thị trường nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xã hội và môi trường, từ đó tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống và cung cấp giải pháp bền vững. Tuy nhiên, trong hành trình khởi nghiệp đầy thách thức, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp chưa thành công với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó việc thiếu sự trợ sức trong quá trình khởi nghiệp là nguyên nhân quan trọng.

Đối với Thanh niên, Sinh viên thì tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam luôn giữ vai trò dẫn dắt, định hướng; là người bạn đồng hành cho các hoạt động của thanh niên. Với lợi thế mạng lưới rộng lớn, có kỹ năng tốt, nhiệt huyết, Đoàn-Hội giữ vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, kết nối, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để thanh niên phát triển sự nghiệp như kết nối các nguồn vốn từ các cá nhân, doanh nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, sự kiện nhằm tăng kiến thức và kỹ năng của thanh niên trong quá trình định hướng và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp.

Theo đó, nhằm hỗ trợ thanh niên khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Trung ương  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, giai đoạn 2016 – 2021 với 03 đối tượng trọng tâm: sinh viên, thanh niên nông thôn, doanh nhân trẻ. Với mong muốn và kêu gọi mỗi thanh  niên Việt Nam hãy suy nghĩ, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và chủ động chuẩn bị hành trang cho quá trình khởi nghiệp. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã ra mắt Hội đồng chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp gồm 21 thành viên. Trong đó, thành viên Hội đồng là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, trí thức có nhiều uy tín và kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, điều hành nền kinh tế của đất nước; các doanh nhân thành đạt là các chuyên gia được đào tạo trong và ngoài nước.
Năm 2016, Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp và đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp. Đây chính là động lực quan trọng, thúc đẩy tinh thân khởi nghiệp, thổi bùng khát vọng làm giàu chính đáng, chủ động tham gia phát triển kinh tế của thanh niên Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019 đã ban hành Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2015 – 2019 nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như truyền thông, đào tạo, tập huấn, kết nối nguồn lực, … cho thanh niên theo các khu vực, địa bàn khác nhau.

Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xã hội đã bắt đầu tăng lên, các điển hình số DNXH đã tạo dựng được thương hiệu cũng bắt đầu được biết, có thể kể đến một vài mô hình đã thành công như:
Vexere.vn ra đời từ sự đồng cảm với việc người dân khó khăn khi xếp hàng mua vé tàu, xe vào những thời gian cao điểm như dịp lễ, tết. Qua 4 năm nung nấu ý tưởng và thực hiện khát vọng cách mạng hóa dịch vụ giao thông vận tải tại Việt Nam.
CED là doanh nghiệp hoạt động về nâng cao năng lực hỗ trợ cho người khiếm thính qua việc cung cấp dịch vụ kiến thức và hỗ trợ việc làm… nghiên cứu chính sách, công nghệ để vận động tuyên truyền, tư vấn để giúp người khiếm thính hòa nhập cộng đồng.
 
Zó Project là dự án theo đuổi mục tiêu trở thành một DNXH hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề giấy thủ công truyền thống của Việt Nam. Zó Project hướng tới gìn giữ và phát huy kỹ thuật làm giấy cổ xưa của dân dộc, song, có cải thiện quy trình làm giấy theo hướng bền vững về môi trường, tạo thêm giá trị cho giấy thủ công của Việt Nam bằng các sản phẩm thủ công có giá trị kinh tế cao.
 
Công ty Cổ phần VTVCorp được thành lập vào ngày 01/10/2010 bởi đội ngũ các nhà sáng lập trẻ, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng có cùng chung đam mê và nhiệt huyết với công tác phát triển cộng đồng. Các chương trình và dự án do VTVCorp thực hiện đều trải qua một quá trình nghiên cứu và phản biện khoa học bởi nhiều chuyên gia có uy tín trong cùng lĩnh vực. Các dự án VTVCorp đã, đang và sẽ vận hành trong tương lai đang góp phần phát triển xã hội có thể kể đến như Chiến dịch Quốc gia Hành trình Đỏ hanhtrinhdo.vn, chương trình Khởi nghiệp Việt Nam khoinghiepvietnam.vn, Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam smevietnam.vn, Diễn đàn Bóng đá & Cộng đồng likefootball.vn, Dự án hỗ trợ Người khiếm thị khatvongsang.vn,
  
CPFoods.vn một dạng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch chuẩn 3F kết hợp phát triển bán hàng qua kênh thương mại điện tử và giao hàng tận nơi đến tay người tiêu dùng do Công ty TNHH DSF Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm CTXH Thanh thiếu niên Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam Công ty C.P Việt Nam phối hợp triển khai. Ngoài sứ mệnh mang nguồn thực phẩm sạch chuẩn 3F (Feed – Farm – Food), sạch từ con giống đến nông trại và thực phẩm đến tay người dân, DSF Việt Nam còn phát triển và nhân rộng mô hình thông qua hình thức “nhượng quyền tương trợ” cho thanh niên lập nghiệp và khởi nghiệp. 
 
Porkpork.vn là một chương trình ra đời tháng 4 năm 2017, trong bối cảnh tình hình tiêu thụ heo hết sức căng thẳng. Theo đó, Porkpork hỗ trợ người dân chăn nuôi heo tiêu thụ sản phẩm tồn đọng với mức giá phù hợp, khuyến khích tiếp tục tái đàn, phòng ngừa tình trạng khan hiếm thịt heo trong thời gian tới. Đồng thời, kích thích, trợ giá người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt heo. Chương trình còn tư vấn cho người chăn nuôi heo về cách quy hoạch và phát triển chăn nuôi bền vững trong toàn chuỗi, xây dựng quy chuẩn thịt heo đảm bảo chất lượng, hướng đến chăn nuôi phục vụ xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tháng 10 năm 2017, Porkpork triển khai giai đoạn 3: từ giải cứu đến khởi nghiệp theo mô hình “kinh tế chia sẻ”. Tập trung đưa các sản phẩm thịt heo chất lượng tốt, giá rẻ đến với các công nhân và người lao động nghèo bằng việc kí kết hợp tác với Chuỗi Hệ thống siêu thị Công đoàn. Liên kết với Mạng Khởi nghiệp Việt Nam và CLB Khởi nghiệp Vì cộng đồng (thuộc Trung tâm CTXH Thanh thiếu niên Việt Nam) nhằm khuyến khích đưa mô hình khởi nghiệp từ “kinh tế chia sẻ” của cửa hàng “Porkpork – Thịt heo sạch” đến với các thanh niên/ tiểu thương có tinh thần đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua cách làm của Porkpork, hy vọng sẽ có nhiều mô hình khởi nghiệp chuyên về nông nghiệp xanh, sạch, an toàn vì sức khỏe cộng đồng được ra đời trên tinh thần hỗ trợ và liên kết với người nông dân.

“Kinh tế chia sẻ” đang là xu hướng mới kinh doanh tại Việt Nam trong những năm gần đây. Đây là mô hình kinh tế và các cá nhân hoặc nhóm người có thể cho nhau mượn hay thuê, mướn tài sản của mình để sử dụng. Mục đích là tăng hiệu suất sử dụng của tài sản để tạo ra tiền và giảm khoảng thời gian trống không dùng đến, như Uber hay Grab (kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi) hay Airdnb (kết nối giữa những người cho thuê/ chia sẻ chỗ ở với những người có nhu cầu như khách du lịch).

Mô hình “kinh tế chia sẻ” của Porkpork là người nông dân chăn nuôi, người bán hàng và người tiêu dùng sẽ được kết nối chặt chẽ bằng những sản phẩm chất lượng nhưng giá cả rất hợp lý, có lợi cho các bên. Có thể ví von Porkpork sẽ như một “Uber” trong ngành kinh doanh thịt heo. Sử dụng công nghệ 4.0 để người nông dân, người tiêu dùng và cả các đối tác cung cấp cùng tham gia đăng kí. Quyền lợi, trách nhiệm và lợi nhuận của các bên sẽ được tính toán một cách thật kĩ và có thể giám sát nhau rất minh bạch. Hiện nay, mức giá thịt heo sạch giai đoạn này của chuỗi cửa hàng “Porkpork – Thịt heo sạch” sẽ bán ra là từ 49.000 đồng/kg (khi mua từ 1/4 con) và từ 57.000 đ/kg (khi mua lẻ từ 3kg trở lên). Giá cả sẽ được điều chỉnh theo thị trường ở mức hợp lý.

Ở Việt Nam, hơn 3/4 các hoạt động xã hội có sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thực hiện các mục tiêu xã hội. Riêng các DNXH khởi nghiệp vẫn đang lúng túng giữa việc lựa chọn mục tiêu xã hội và mục tiêu tài chính.

Nhìn chung, DNXH ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nhưng tiềm năng phát triển còn rất lớn. DNXH góp phần chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng xã hội với nhà nước bằng các con đường riêng đầy sáng tạo, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, đồng thời giúp bù đắp được một khiếm khuyết khó khắc phục của cơ chế thị trường là vận hành bởi mục tiêu lợi nhuận. Cùng với việc luật hóa những qui định về DNXH và tạo ra những cơ chế, chính sách thuận lợi, mô hình DNXH cho thấy còn nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển trong tương lai, là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ có hoài bão làm giàu và sống có ích. Vì thế cộng đồng cần quan tâm và truyền thông rộng rãi về ý nghĩa, mô hình DNXH để định hướng dư luận xã hội cũng như cho các thanh niên có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp.

Nhưng, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các DNXH, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách khởi nghiệp cho DNXH. Đối với những DNXH đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực, đơn giản các thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp phép thành lập; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho DNXH phát triển. Về vấn đề nguồn vốn, DNXH có thể tìm cách kêu gọi, thu hút vốn vay và có bảo lãnh của các tổ chức từ thiện hoặc chính phủ; phát hành nợ có đặc trưng của vốn chủ sở hữu với việc phát hành nợ cho các nhà đầu tư và nhà đầu tư được nhận lãi dựa vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNXH.

Có thể nói thị trường của DNXH khá nhỏ so với quy mô của thị trường chung. Chỉ khi có yếu tố cực kỳ sáng tạo và được hỗ trợ lớn, quy mô của các kiểu DNXH mới phát triển mạnh. Dù thế nào cũng khó có thể kỳ vọng các DNXH có được thị trường lớn như doanh nghiệp thông thường. Các starup của DNXH này tạo ra giá trị kép nên cách kinh doanh của họ không giống doanh nghiệp thông thường, phương thức quản lý tài chính, nhân sự cũng phải có khác biệt. Nghĩa là họ vừa phải biết kinh doanh, vừa phải tạo ra các giá trị nhân văn nên đòi hỏi kênh hỗ trợ đặc biệt từ các tổ chức bên cạnh sự hỗ trợ chung của nhà nước.
 
Những nỗ lực của Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên và các đối tác: Công ty CP VTVCorp, Mạng Khởi nghiệp Việt Nam, Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa VN (SME Vietnam Network) trong hoạt động hỗ trợ và triển khai mô hình doanh nghiệp xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và tiềm năng của hoạt động khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên trong lĩnh vực xã hội đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn. Đồng thời, chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành của các lực lượng xã hội khác như Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cộng đồng doanh nhân, tổ chức Đoàn, Hội các cấp,… để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp xã hội sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực các tỉnh phía Nam. Qua đó, góp phần triển khai thành công Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Đoàn, Hội nói riêng và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp như quyết tâm của Chính phủ nói chung.

Nguồn: tainangviet.vn

T.LN1