Doanh nhân Việt: Cái bất biến giữa thế sự chuyển xoay

(CTG) Đi cùng cách mạng, lớn lên cùng dân tộc, họ tự làm nên vị thế riêng, dấu ấn riêng trong dòng chảy lịch sử không chỉ bởi cái chí hơn người, biết vượt lên hoàn cảnh, để làm giàu mà quan trọng hơn là ở cái tâm với cộng đồng, ở chữ nhân mà ông bà đã dạy.

Ngày 2-9-1945 đã khắc dấu son đậm nét lên lịch sử dân tộc. Trong những người hân hoan vươn lên làm dân một nước tự do ngày ấy có cả những doanh nhân.

Cái tâm của doanh nhân

Giành lại chính quyền khi ngân sách Nhà nước chỉ còn hơn một triệu đồng bạc Đông Dương, phần lớn rách nát, ngổn ngang bao việc, từ cứu đói, diệt dốt, dựng xây bộ máy chính quyền đến tạo dựng cuộc sống mới cho 26 triệu dân cư trên cái nền xơ xác của nạn đói lịch sử làm hơn 2 triệu người chết...  Chỉ một buổi lễ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố nền độc lập với quốc dân cũng là nỗ lực, công sức của bao người, với quyết tâm khẳng định giá trị tự do của dân tộc.

Bác Hồ và những cộng sự của Người đã nhìn ra nguồn lực lớn nhất, ấy là lòng dân, là khát vọng tự do bừng cháy trong tâm khảm của hàng chục triệu người. Khi giao nhiệm vụ Trưởng Ban tổ chức Ngày Độc lập cho ông Nguyễn Hữu Đang, Bác chỉ nói ngắn gọn: "Việc có khó, mới giao cho chú".

Và vị Trưởng Ban tổ chức đã làm tròn vai trò của mình trong một khoảng thời gian gấp gáp: Đăng báo mời gọi những người có năng lực cùng tham gia, yêu cầu chùa chiền mở cửa, thắp hương trầm suốt ngày đêm để làm nức lòng dân về Ngày Độc lập...

Nguồn tài chính huy động từ Tuần lễ Vàng và đóng góp tự nguyện của những doanh nhân đã đủ sức trang trải cho các công việc của chính quyền non trẻ. Nhiều doanh nhân.

 


Ông bà Trịnh Văn Bô trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ trái quá ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, bà Phạm Thị Ngọc (mẹ ông Trịnh Văn Bô).


Biên niên sử Hoạt động tài chính của Đảng CS Việt Nam (Ban Tài chính quản trị Trung ương biên soạn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000) ghi rõ: "Quỹ của Trung ương Đảng lúc bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương. Vợ chồng đồng chí Đỗ Đình Thiện buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Gai, Hà Nội, qua đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ủng hộ 30.000 đồng Đông Dương". Đầu năm 1945, bà Thiện tiếp tục ủng hộ 100.000 đồng Đông Dương để chuyển cho quỹ Đảng... 

Gia đình ông Trịnh Văn Bô - bà Hoàng Thị Minh Hồ đã nhiều lần ủng hộ cách mạng với tổng giá trị lên tới 5.147 lạng vàng. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình ông bà cũng  là nơi Bác ở và viết bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng khi Người về lại Thủ đô, năm 1945.

Khi được hỏi về những ngày tháng lịch sử ấy, bà Hoàng Thị Minh Hồ tâm sự: "Cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt hơn một tháng, và cả Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào". Bà còn nói thêm: "Người buôn bán là phải cần cù, cẩn thận, tiết kiệm. Khi tiêu tiền cho bản thân thì tôi tiết kiệm từng đồng, từng hào, từng xu, không bao giờ tiêu theo kiểu vứt đồng tiền đi. Thế nhưng làm từ thiện hay ủng hộ cách mạng thì mấy chục lạng vàng một lúc tôi cũng không tiếc".

Còn phải kể đến nhiều những tấm gương doanh nhân nặng lòng với đất nước như thế. Cụ thân sinh ra phu nhân nhà cách mạng Trần Văn Giàu cũng vốn là một cự phú hàng đầu Nam Bộ. Khi tiễn con rể sang Pháp du học, cụ kỳ vọng chàng rể nổi tiếng thông minh phải mang về hai tấm bằng tiến sĩ văn học và luật học.


Bà Minh Hồ với kỷ vật bàn tính tay của tiệm vải Phúc Lợi ngày xưa.


Thế nhưng, người trí thức trẻ Trần Văn Giàu lại tham gia phong trào CS Pháp, đấu tranh cho quyền lợi dân tộc mình nên bị trục xuất về nước với án khổ sai. Tưởng bố vợ sẽ thất vọng vì con rể không theo con đường học vấn sang trọng đã vạch sẵn, thế nhưng khi gặp lại trên bến tàu trước khi Trần Văn Giàu đi thụ án, cụ lại nắm chặt tay con rể: "Con là người yêu nước, gia đình tự hào về con"... 

Cái tâm của những doanh nhân nguyện hòa vào dòng chảy của dân tộc, đặt sự nghiệp cách mạng lớn lao lên trên lợi ích cá nhân đã làm rạng danh truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Người làm kinh doanh luôn trân trọng mồ hôi công sức, tiền của làm ra. Nhưng khi cần đóng góp cho đất nước, họ luôn sẵn lòng là những người đi đầu.

Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét, đại ý, đi làm cách mạng, những người xuất thân nông dân như ông không có gì để mất, có chăng, chỉ mất gông cùm nô lệ. Còn những trí thức, doanh nhân, những người xuất thân từ lớp giàu có trong xã hội, họ có thể mất tất cả. Vậy mà họ vẫn dấn thân vì nghĩa lớn của dân tộc. Đó là điều phải ghi nhận về những người biết vươn lên làm giàu nhưng luôn nặng lòng vì nghĩa lớn, những doanh nhân luôn vì cộng đồng, vì dân tộc đã hòa mình vào dòng chảy lịch sử cách mạng lớn lao...

Giá trị bất biến giữa thế sự chuyển xoay

Phẩm chất lớn của doanh nhân là nhạy bén với thời cơ, biến cơ hội thành thực tế, biết làm giàu cho bản thân mình. Nhưng những doanh nhân chân chính cũng là những người ưu thời, mẫn thế, biết lo toan, trăn trở với cộng đồng, biết sẻ chia với những người kém may mắn hơn. Đi cùng cách mạng, lớn lên cùng dân tộc, họ tự làm nên vị thế riêng, dấu ấn riêng trong dòng chảy lịch sử không chỉ bởi cái chí hơn người, biết vượt lên hoàn cảnh, để làm giàu mà quan trọng hơn là ở cái tâm với cộng đồng, ở chữ nhân mà ông bà đã dạy. Đó là giá trị bất biến giữa thế sự chuyển xoay.

Bài học lớn với các doanh nhân hôm nay cũng là bài học về giá trị dân tộc, giá trị cộng đồng. Đất nước đổi mới, nhiều doanh nhân giàu hơn rất nhiều so với thời của ông Trịnh Văn Bô, ông Đỗ Đức Thiện, hay bất cứ doanh nhân nào của 65 năm trước. Đất nước độc lập, cơ chế cởi mở, thông thoáng đã làm nên thế và lực mới cho những doanh nhân Việt Nam thỏa chí làm giàu. Có những doanh nhân sắm chuyên cơ, mua du thuyền giá cả chục, cả trăm tỷ đồng. Có doanh nhân chỉ riêng tài sản trên sàn chứng khoán đã hàng trăm triệu, thậm chí nhiều trăm triệu đô la Mỹ.

Đáng mừng là triết lý kinh doanh của không ít doanh nhân luôn biết đồng hành với dân tộc, coi sự đóng góp với cộng đồng là nghĩa vụ đương nhiên. Nhiều doanh nhân qua những thăng trầm của cuộc sống, tự đúc kết rằng đóng góp cá nhân mình mãi là nhỏ bé so với ơn nghĩa cuộc đời.

 


Giáo sư Trần Văn Giàu


Thế nhưng, cũng phải nói, trong hàng ngũ doanh nhân hôm nay vẫn còn lối làm ăn chụp giựt, chà đạp lên cộng đồng, thói khôn lỏi, chạy cửa trước, cửa sau, "qua cầu rút ván", thiếu đạo lý và tình nghĩa. Nhiều doanh nhân phất lên không phải bằng chữ tín, bằng những sản phẩm rạng danh thương hiệu Việt Nam, mà đơn giản là những kẽ hở cơ chế, mặc cả lợi ích. Cơ chế làm họ lớn lên như những người khổng lồ, thế nhưng, khi đóng góp cho cộng đồng họ căn ke, chặt chẽ, nói lời mà chẳng giữ lời.
Đã có trường hợp, sau cuộc đấu giá từ thiện được truyền hình trực tiếp, "nhà từ thiện" lặn một hơi, bỏ mặc ban tổ chức với món nợ khó đòi. Chưa kể, những doanh nghiệp mặc sức làm giàu trên lưng cộng đồng, xả thải ô nhiễm môi trường như Vedan, Vinamit, những doanh nghiệp đưa thực phẩm ôi thiu, quá đát vào siêu thị như Big C mà báo chí vừa cảnh báo...

Lại càng thấm thía hơn lời của ông bà Trịnh Văn Văn Bô: "Chúng tôi buôn bán, được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới lâu bền". Giá trị lâu bền trong đạo lý kinh doanh, trong trách nhiệm công dân và tình nghĩa con người của những nhà tư sản dân tộc ngày cách mạng còn trứng nước là tài sản lớn, là bài học quý giá cho nhiều doanh nhân hôm nay khi quyết dấn thấn vào nghiệp thương trường.

 Theo Tuần Việt Nam