Đối thoại những người thợ trẻ với lãnh đạo bộ ngành

(CTG) Nằm trong chương trình “Tuyên dương Người thợ trẻ giỏi” lần thứ nhất do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Dạy nghề Việt Nam phối hợp tổ chức. Chiều ngày 27/3/2009, tại khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội) diễn đàn “Đối thoại giữa lãnh đạo bộ, ngành với người thợ trẻ giỏi” đã diễn ra.

Đến dự có ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư TƯ Đoàn, bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, ông Võ Minh Hiệp - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Đặng Quang Điều -  Phó trưởng ban Kinh tế - Chính sách thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành và 91 người thợ trẻ giỏi trên toàn quốc.

Ông Võ Minh Hiệp, Nguyễn Thị Hằng, Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Ông Đặng Quang Điều (Từ trái qua phải) : người lao động có văn hóa nghề, trước hết phải là người có lý tưởng, kỳ vọng vào nghề nghiệp


Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo đã trả lời các câu hỏi một cách thẳng thắn và gần gũi. Trước câu hỏi về quan điểm của mình trong vấn đề văn hóa nghề, bà Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: "Có thể nói, văn hóa nghề là một quá trình xuyên suốt, là trọng tâm số một trong đào tạo nghề. Theo chúng tôi, một người lao động có văn hóa nghề, trước hết phải là người có lý tưởng, kỳ vọng vào nghề nghiệp. Như vậy, không chỉ có sinh viên, học sinh mà cả Đảng và Nhà nước cũng rất kỳ vọng. Điều thứ hai là kiến thức và kỹ năng nghề cần phải giỏi, có tính sáng tạo, không bằng lòng với chính bản thân mình. Thứ ba là các em phải biết làm việc độc lập, đồng thời làm việc theo tổ, nhóm. Cuối cùng là tham gia nhiệt tình các hoạt động Đoàn thể, xã hội ở trong doanh nghiệp hoặc có thể là ở ngay khu vực mình sinh sống, từ đó sẽ giúp xây dựng mối quan hệ xã hội trong doanh nghiệp".  Bà cũng cho biết thêm: muốn tạo việc làm bền vững, trong thời kỳ kinh tế đang gặp khó khăn thì sinh viên, học sinh nên tranh thủ tích lũy kiến thức, tập trung đào tạo nâng cao. Chờ khi kinh tế phục hồi thì những người thợ trẻ, giỏi, có kiến thức, văn hóa chắc chắn sẽ có công việc tốt. 

Cùng liên quan đến vấn đề văn hóa nghề, ông Đặng Quang Điều bổ sung: “Vừa qua, chúng tôi thống kê được có gần 3.000 cuộc đình công, nhưng trong đó không có cuộc đình công nào tuân theo đúng các trình tự, thủ tục pháp luật cả. Điều đó cho thấy công nhân Việt Nam chưa có văn hóa nghề cao". Ông bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, Đoàn TNCS HCM với vai trò là tổ chức của thanh niên sẽ có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục người lao động trẻ về văn hóa nghề từ khi còn ở trong nhà trường. 

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 8.000 người lao động vừa mới mất việc do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, 80% trong số đó là thanh niên. Vì thế, ngay từ đầu tháng 2, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã có công văn yêu cầu khẩn trương trợ giúp những đối tượng này.         
    
Trong buổi đối thoại, các bạn thợ trẻ cũng được biết thêm về các chính sách vay vốn ngân hàng và cách thức tiếp cận cho học sinh, sinh viên. Theo đó, trong năm 2008 vừa qua, Ngân hàng Chính sách Việt Nam đã kết hợp với Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội cho vay trên 9.000 tỷ đồng đối với 1,2 triệu học sinh ở tất cả các trường  với mức vay 820.000 đồng/tháng, 8 triệu đồng/ năm, lãi suất 0,5%/năm và thời gian vay kéo dài. Riêng với học viên học nghề, do thời gian học ngắn nên thời hạn vay tăng lên gấp đôi, cộng thêm thời gian chờ có việc làm. 

 Cũng tại đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã lưu ý các học sinh, sinh viên -  nhất là các em học sinh THPT phải có phương hướng chọn nghề cho phù hợp với bản thân và xã hội, tránh chọn nghề theo trào lưu. Trong năm 2009, theo chủ trương xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", Đoàn sẽ đứng ra tổ chức các chương trình "Hành trình đến với nhà máy, xí nghiệp" cho các học sinh có định hướng nghề rõ ràng hơn, hy vọng đến năm 2010 sẽ có quyết định phân luồng giáo dục.

 Minh Trang – Hoài Đảm