“Chỉ cần thấy tân sinh viên an toàn là chúng tôi vui”
6 giờ, tình nguyện viên (TNV) khoác lên mình chiếc áo xanh tiếp sức quen thuộc, ngồi vào bàn hỗ trợ tại điểm trả khách của 2 bến xe để khi SV cần, có người giúp sức. Xe khách vừa cập bến, các TNV nhanh nhảu tiếp cận, tay đưa tờ thông tin về chương trình hỗ trợ, nhẹ nhàng mở lời: “Mình là SV tình nguyện, bạn cần giúp đỡ gì không?”.
“Phụ huynh và SV dè chừng dù chúng tôi đều mang đồng phục tình nguyện, thông tin về chương trình cũng in ra đặt ở bến xe. Nhưng cũng không sao, nơi đất khách quê người, cẩn trọng là điều cần thiết”, TNV Khương Hoàng Ngọc, SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, kể.
TNV hỗ trợ tìm xe buýt, nhà trọ hay chỉ đường cho SV và phụ huynh
Bản thân hiểu được khó khăn khi đến nơi lạ, nhất là bến xe nên Ngọc nhiệt tình giúp sức để SV tìm được nơi an toàn, tin cậy mà gửi gắm thắc mắc, cũng là cách để phụ huynh an tâm khi đưa con vào thành phố học tập. Vậy nên, Ngọc vẫn túc trực từ ngày 13.2 đến nay.
15 TNV trực ca sáng hoặc chiều, mỗi người một nhiệm vụ. Người điều phối, người giúp khuân đồ, hỗ trợ tìm xe buýt… phối hợp nhịp nhàng từ khi phụ huynh và SV vừa xuống xe khách đến khi nhìn họ an toàn tìm được nơi cần đến.
“Hôm trước, một tân SV nhà ở Đồng Nai vào TP.HCM nhập học. Vừa xuống bến thì nhận được thông báo sẽ học trực tuyến tiếp, SV này có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền bắt xe về. Một TNV lập tức lấy xe máy chở SV về nhà, đoạn đường đi và về hơn 2 giờ”, Ngọc kể.
Giữa trưa nắng, TNV vẫn nhiệt huyết đến quên mình, tranh thủ nghỉ ngơi khi xe chưa đến, chia nhóm đi ăn để chắc chắn điểm trực luôn có người. Thậm chí, nhiều TNV ngồi tỉ tê với phụ huynh và SV để trấn an tâm lý họ khi lần đầu đặt chân vào thành phố.
Nguyễn Minh Sang, SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng có mặt tại Bến xe Miền Đông từ ngày 13.2 để hỗ trợ mọi người từ 6 - 18 giờ. Hoạt bát và luôn tràn đầy năng lượng, chàng trai 19 tuổi tay cầm tờ thông tin, loanh quanh bến trả khách để chắc rằng không bỏ sót người cần hỗ trợ nào.
“Nhìn phụ huynh và SV tay xách đồ đạc, bưng bê thùng to thùng nhỏ loay hoay không biết đi đâu thương lắm. Tôi cũng từng như vậy khi vào TP.HCM học tập nên muốn góp sức nhỏ của mình cho người cần”, Sang tâm sự.
“Con đến từ trường nào?” là câu hỏi thăm mà Sang thường nhận được khi hỗ trợ phụ huynh. Ngoài ra, những câu hỏi về tuyến xe buýt, đường đi, nhà trọ… cũng là thắc mắc của SV và phụ huynh.
“Nhiều phụ huynh lớn tuổi không rành công nghệ, chúng tôi sẽ giúp tra cứu thông tin trên điện thoại và hướng dẫn họ di chuyển. Có người mang theo nhiều đồ đạc, cả nhóm chia nhau mỗi người một túi, xách “góp vui” chứ sức trai một mình bê hết cũng được, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả vui lắm, còn mệt thì không”, Sang kể.
Theo TN