Đến tham dự và phát biểu khai mạc Vòng bán kết, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho rằng, khởi nghiệp thường không đi theo con đường thẳng mà luôn gập ghềnh, nhưng với quan điểm tích cực thì chúng ta phải quyết tâm đi đến cùng, xem những thất bại ban đầu đó là những thử thách, những kinh nghiệm để bước đi cao hơn, xa hơn; chỉ cần có đam mê, có niềm tin thì chúng ta sẽ làm được.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - PCT UBND tỉnh Đồng Tháp, tham quan gian hàng trưng bày của các thí sinh
Ông Phạm Thiện Nghĩa chúc tất cả thí sinh bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả tốt nhất trong cuộc thi này; đồng thời lưu ý, với những ý tưởng, dự án hiện tại, mỗi thí sinh cần nghiên cứu sâu hơn nữa để sản phẩm khởi nghiệp ngày càng tốt hơn; phải chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, VietGAP, GlobalGAP v.v. để dễ dàng trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Được phát động từ tháng 7/2020, Ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020 đã nhận được 163 hồ sơ đăng kí tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhiều gấp đôi so với số dự án đăng ký năm 2019.
Em Lê Ngọc Hân, học sinh lớp 10CB2 THCS-THPT Phú Thành A, thí sinh nhỏ tuổi nhất lọt vòng vào bán kết, trình bày dự án
Qua vòng sơ khảo, 59 dự án được Ban giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng, có tính sáng tạo, đổi mới trong khởi nghiệp, có nhiều tiềm năng phát triển, tính khả thi cao, mang lại ý nghĩa xã hội, đa dạng về lĩnh vực (du lịch, dịch vụ, công nghệ, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…) lọt vào vòng bán kết. Nổi bật có 35/59 dự án lọt vào vòng bán kết có sản phẩm đầu ra liên quan đến sản phẩm về thực phẩm. Đáng chú ý, tại vòng bán kết lần này có 17 ý tưởng, dự án ở các tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng… tham gia tranh tài.
Cuộc thi năm nay có đối tượng dự thi phong phú hơn so với mọi năm với đa dạng đối tượng, thành phần từ thanh niên, phụ nữ, nông dân, giáo viên và đặc biệt là học sinh, sinh viên tham gia thi khởi nghiệp.
Em Lê Ngọc Hân, học sinh lớp 10CB2 THCS-THPT Phú Thành A, thí sinh nhỏ tuổi nhất lọt vòng vào bán kết, cho biết: “Ý tưởng của em là Bánh nướng từ bột hạt sen Đồng Tháp. Hôm nay em đến với cuộc thi trong tâm thế rất tự tin và sẵn sàng chia sẻ những điều mà mình biết đến ban giám khảo. Sau khi tham gia vòng bán kết, nhận được sự đóng góp ý kiến của Ban giám khảo, em đã có thêm một số điều chỉnh để hoàn thiện ý tưởng của mình. Và em mong những bạn trẻ giống em cũng sẽ có thể tham gia những cuộc thi tương tự như thế này để được nung nấu những ý tưởng khởi nghiệp của mình”.
Thí sinh Lê Thiên Phú (Long An) trình bày dự án Máy rửa tay tự động
Chị Trần Thụy Hải Ly – Thành phố Sa Đéc với dự án SNACK Vỏ bưởi sấy Phúc Đạt, chia sẻ: “Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020 là một sân chơi hết sức ý nghĩa đối với những người mới bắt đầu khởi nghiệp như tôi. Nó góp phần gắn kết giữa các cơ sở kinh doanh với nhau và với những doanh nghiệp lớn, tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp”.
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, 16 dự án, ý tưởng xuất sắc nhất đã được chọn vào vòng chung kết. Tiêu biểu trong đó có 03 dự án của thí sinh đến từ: Vĩnh Long, Long An, An Giang. Dự kiến, Vòng chung kết và trao giải cuộc thi diễn ra vào ngày 13/10/2020 trong Ngày hội Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020.
Các thí sinh đạt giải tại cuộc thi này có thể được xem xét, tham gia chương trình Tuyển chọn dự án để đầu tư, thúc đẩy phát triển do Hội đồng tư vấn khởi nghiệp Tỉnh xem xét, đề xuất cho vay vốn để phát triển dự án từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
16 thí sinh có dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết
Bên cạnh đó, các dự án xuất sắc được vào vòng bán kết, chung kết được kết nối, giới thiệu tham gia các chương trình huấn luyện đào tạo phát triển, định hướng hoàn thiện dự án của Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI-CT).
Cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020 nhằm tìm kiếm, lựa chọn các ý tưởng sáng tạo và dự án có tính mới, khả thi để tư vấn hỗ trợ, ươm tạo và triển khai thành công; cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong thanh niên và các tầng lớp nhân dân từng bước góp phần xây dựng chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành chương trình hành động quốc gia, góp phần đưa Đồng Tháp trở thành một địa phương khởi nghiệp.
16 dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc lọt vào Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020 1. L’Indochine House – Nhà của những Ước mơ – Tác giả Lê Minh Sơn (709 ấp Tân Thuận, Tân Phú Trung, Châu Thành, Đồng Tháp) 2. Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong Farmstay – Tác giả Hồ Ngọc Trâm (Khóm 2, TT Tràm Chim, Tam Nông) 3. Máy phun thuốc điều khiển từ xa – Tác giả Võ Hào Em (Phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 4. Mật thốt nốt Palmania – Tác giả Chau Ngọc Dịu (25 Võ Thị Sáu, Tri Tôn, An Giang) 5. FarmStay Ao Nhà – Tác giả Tô Thị Kim Thi (Thiên Hộ Dương, Phường An Thạnh, TX Hồng Ngự, ĐT) 6. Phát triển dòng sản phẩm tiện lợi từ "Khô Cá" – Tác giả Dương Thị Hồng Chuyên (Ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) 7. Máy rửa tay diệt khuẩn thông minh – Tác giả Nhóm H2DT (Long An) 8. Sản xuất chế phẩm sinh học cải tạo đất vườn cây ăn trái lâu năm từ lục bình (Eichhornia crassipes) và một số phế phẩm nông nghiệp tại địa phương – Tác giả Lê Kim Yến (Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) 9. VACOD Nông Trại Nhà Của Tui – Tác giả Nguyễn Ngọc Khánh (Ấp Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) 10. Sản xuất khô cá đồng thiên nhiên – Tác giả Phan Văn Chao (Ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) 11. Dự án tranh lá Sen – Tác giả Nguyễn Hoài Bảo (Phường 1, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) 12. Sản xuất và kinh doanh khô cá cơm rim nước mắm – Tác giả Nguyễn Kim Thoa (xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) 13. Khung sinh kế bền vững từ sản xuất và kinh doanh sản phẩm dệt nhuộm truyền thống bằng chất liệu thuần tự nhiên – Tác giả Huỳnh Ngọc Như (xã Long Khánh A, Hồng Ngự, Đồng Tháp) 14. Sữa hạt sen sữa bắp ba tre – Tác giả Nguyễn Thúy Kiều (số 151, ấp A, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) 15. Trang trại nông nghiệp sinh thái Endota – Tác giả Võ Duy Khánh (Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) 16. Sữa Chua Gạo Thảo Dược – Tác giả Phan Thị Ánh Thi (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) |