Sáng 7.6, tại Trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực thanh niên, sinh viên tiếp cận việc làm trong bối cảnh hậu Covid-19”, do Trung tâm tư vấn LMF (trực thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) phối hợp Viện tư vấn và phát triển kinh tế xã hội nông thôn - miền núi và Trường ĐH Thuỷ Lợi tổ chức.
Chương trình có sự góp mặt của các chuyên gia: anh Trần Linh Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn LMF; ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn - miền núi; ông Trần Tiến Đạt, Tổng giám đốc Học viện thông tin quốc tế hàng không Skylead; ông Phan Bá Mạnh, Tổng giám đốc Kbus; ông Nguyễn Hà Duy, Tổng giám đốc Học viện giọng nói và kỹ năng Thalic Voice.
Đại biểu tham gia buổi tọa đàm. VŨ THƠ |
Khởi nghiệp sẽ là môn học bắt buộc
Chia sẻ tại chương trình, anh Trần Linh Sơn cho biết vấn đề việc làm hậu Covid-19 đang là mối quan tâm hiện nay của rất nhiều công ty, tổ chức và người lao động. Theo dự đoán trong 10 năm tới, việc làm trong một số ngành nghề có thể sẽ tăng lên đáng kể, nhưng các kỹ năng mà người lao động cần có cũng sẽ khác nhiều trong 10 năm tới.
Do vậy, để giúp nâng cao hiệu quả công việc, thích ứng với xu hướng việc làm trong tương lai, người lao động cũng cần phải trau dồi các kỹ năng và học tập không ngừng nghỉ mới có thể đáp ứng được sự thay đổi.
Với mong muốn hỗ trợ cho các bạn thanh niên, sinh viên có thêm những kiến thức và kỹ năng để thích ứng trong xu thế mới, tọa đàm đã được tổ chức với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp, việc làm.
“Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn các bạn thanh niên, sinh viên sẽ có cái nhìn mới hơn về xu hướng nghề trong tương lai, từ đó sẽ có những quyết định đúng đắn hơn trong lựa chọn nghề”, anh Sơn chia sẻ.
Các chuyên gia giao lưu với sinh viên tại buổi tọa đàm. NHẬT NAM |
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động khốc liệt tới đời sống, việc làm. “Vậy tương lai nào, cơ hội nào dành cho sinh viên. Làm sao để sinh viên thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai?”, ông Việt trăn trở.
Theo ông Việt, thì Trường ĐH Thủy Lợi đã có nhiều thay đổi trong đào tạo để sinh viên thích ứng nhanh với thị trường lao động. Trường đã quan tâm tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên trong suốt nhiều năm qua và đưa các môn học kỹ năng thành môn học sâu vào chương trình đào tạo, cũng như tăng thời lượng làm đồ án tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Việt cho biết môn học khởi nghiệp sáng tạo sẽ trở thành môn học bắt buộc tại Trường ĐH Thủ Lợi. VŨ THƠ |
“Đặc biệt, trường đã đưa môn khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình đào tạo, là môn bắt buộc với khối ngành kinh tế và công nghệ thông tin. Sắp tới, môn học này sẽ là môn bắt buộc với tất cả các ngành vì đây là môn học rất quan trọng. Mục tiêu học không phải để xin việc mà học để khởi nghiệp, để tạo việc làm cho người khác”, ông Việt nhấn mạnh.
Làm thế nào để qua “vòng gửi xe”?
Trò chuyện tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và đưa ra những kinh nghiệm hữu ích cho sinh viên khi tìm việc làm. Ông Đào Ngọc Linh (Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn - miền núi) đã cung cấp những kỹ năng làm hồ sơ xin việc.
Ông Đào Ngọc Linh cung cấp thông tin tại tọa đàm. VŨ THƠ |
Theo ông Ninh, thì đây là “vòng gửi xe” nên hồ sơ xin việc cần phải chuẩn bị tốt để qua được vòng này, thì mới có cơ hội vào các vòng tiếp theo. Trong đó, ông Ninh cho rằng đầu tiên phải có Thư ứng tuyển, thay cho Đơn xin việc. “Tôi không muốn dùng đơn xin việc vì đây là quan hệ tương tác hai bên cần nhau, chứ không phải là xin và cho. Các bạn cần việc nhưng các nhà tuyển dụng cũng cần các bạn vì họ cần người làm”, ông Ninh bày tỏ quan điểm.
Đồng thời, ông Ninh đã bật mí những kỹ năng thể hiện để hồ sơ không bị gạt sang một bên. “Viết thư ứng tuyển đừng viết dài, nhà tuyển dụng không có thời gian xem “tiểu thuyết” dài 3 trang đây, nên rất dễ bị gạt sang một bên. Độ dài không quá 1 trang A4, khoảng 350 từ. Nội dung cần viết: Tại sao mình biết thông tin tuyển dụng, biết từ đâu. Rồi viết “quảng cáo” về mình, là ai, như thế có thành tích gì... phải hấp dẫn thì mới “bán” được mình”, ông Ninh ví von.
Đáng lưu ý, ông Ninh cho biết khi viết lý lịch (CV) không nên mua hồ sơ in sẵn với những thông tin lý lịch 3 đời vì nhà tuyển dụng không mấy quan tâm, mà cần tạo riêng CV cho mình. CV cần thể hiện các thông tin về bản thân trong đó phần kinh nghiệm công việc là phần quan trọng nhất, để hấp dẫn nhà tuyển dụng, nhưng CV cũng không được dài quá 3 trang…
Cũng chia sẻ những kinh nghiệm tìm việc làm và khởi nghiệp, ông Trần Tiến Đạt (Tổng giám đốc Học viện thông tin quốc tế hàng không Skyleadcho) cho rằng dù công việc và nghề nghiệp có thay đổi như thế nào thì vẫn có những giá trị bất biến mà người tuyển dụng luôn cần, đó là sự chuyên nghiệp của người lao động.
Ông Trần Tiến Đạt chia sẻ kinh nghiệm khi khởi nghiệp và xin việc. VŨ THƠ |
Trong đó, ông Đạt cho rằng 3 yêu tố mà người lao động cần có là sự chính trực (biết nhận trách nhiệm); sự cam kết (hàn thành công việc hoàn hảo nhất); sự kiên nhẫn (không tự mãn với bản thân, luôn kiên trì học hỏi).
Ông Đạt đã kể lại thời sinh viên của mình với hết học kỳ 1 đã không phải xin tiền bố mẹ mà còn mang về mỗi học kỳ 1 chỉ vàng, nhưng cũng đã trải qua nhiều thất bại như thi 10 lần mới qua 1 môn học, 8 năm mới tốt nghiệp...
“Tôi đã từng tự mãn với bản thân và 10 năm không ngóc đầu lên được. Đừng chủ quan với những thứ mình đang có, bởi xã hội luôn cần sự thay đổi. Khởi nghiệp thành công cần nhiều yếu tố nhưng thiếu tính kiên nhẫn, chuẩn bị chưa đủ nhưng đã “up” thì thất bại”, ông Đạt khuyên.
Theo TN