Event sinh viên ồ ạt lên mạng

Những năm trước, SV khóa dưới thường tiếc hùi hụi khi được các anh chị khóa trước kể lại các sự kiện "vui nổ trời" đã trở thành giai thoại. Còn giờ đây, thế hệ SV mới đã biến những khoảnh khắc thăng hoa của mình trở thành bất tử trên mạng Internet.

Đa dạng sinh hoạt ngoại khóa

Vào những dịp gần cuối năm, khi chưa phải lo lắng đến kỳ thi, sinh viên các trường lại rộ lên phong trào sinh hoạt đoàn đội với những cuộc thi không ai giống ai, vui là chính, giao lưu là... chủ đạo.

Khởi động sớm nhất cho các hoạt động ngoại khóa năm nay là "Beauty & Charm 2007" của những “mầm non năng động” trường ĐH Ngoại Thương.

Từ ý tưởng đến kịch bản dàn dựng, tổ chức đạo diễn, dân vận... đều do một tay hội sinh viên trường vẻn vẹn chưa đến chục người, thế nhưng cuộc thi không kém phần hấp dẫn với đủ cả bốn phần thi: Trang phục Áo Dài; Trang phục Dạ Hội, Năng khiếu và Ứng xử. Tiếp đến là “Nét đẹp sư phạm” lần thứ 14 do Đại hội Đoàn TNCS TP.HCM tổ chức để lập thành tích chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tôn vinh vẻ đẹp nhân cách, vẻ đẹp hình thể của nữ giáo sinh sư phạm.

Trường ĐH Bách khoa, nơi tưởng như khô cằn không có "hoa đẹp", lại tưng bừng muôn sắc với cuộc thi “Sinh viên thanh lịch - Chong chóng bay lên” với khẩu hiệu: Chong chóng thả mình bay lên với khát vọng vươn tới những tầm cao mới và tiêu chí thể hiện sự hiểu biết cũng như khám phá và phát huy những thế mạnh tiềm ẩn của bản thân.

Trường ĐH Thương Mại với Miss Thương Mại – Vẻ đẹp Thăng hoa; Trường ĐH Quốc Gia với cuộc thi Sắc Màu Ngoại Ngữ - Hội Trại Đại Học 2007, Câu lạc bộ Giai điệu sinh viên "Rhythm of Students" phát động phong trào ca hát gắn kết sinh viên yêu âm nhạc toàn Hà Nội...

Hoàng Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Ngoại thương - nhận xét: "Điểm dễ nhận thấy và rất đáng mừng qua các cuộc thi này đó là một cộng đồng sinh viên năng động, trưởng thành hơn với nhận thức ngày càng sâu sắc về một lối sống hướng ngoại lành mạnh, ý thức xã hội đoàn kết tiến bộ".

Tiếp sức bằng mạng cộng đồng

Quang Minh, một sinh viên năm thứ ba bầy tỏ: “Duyên dáng Ngoại thương hai năm mới tổ chức một lần, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Như vậy cả quãng đời sinh viên bọn em chỉ được tham dự một lần, ai may mắn thì được hai lần. Ra trường rồi chắc chỉ còn biết vào Tamtay để ôn lại kỷ niệm”.

Các event sinh viên năm nay được đăng tải trên trên nhiều mạng xã hội, nhưng tập trung nhất là trong cộng đồng mạng của sinh viên TamTay.vn, đơn vị bảo trợ thông tin của các cuộc thi trên.

Hoàng Ngọc Thuận cho biết: "Khi đưa ảnh, clip và blog của cuộc thi "Duyên dáng ngoại thương 2007" lên trang web tamtay.vn vào cuối tháng 10, ban tổ chức không ngờ lại nhận được sự quan tâm và chú ý nhiều đến vậy. Trong vòng hai tuần, mỗi thí sinh nhận được hàng chục ngàn lượt xem và hàng ngàn lượt bình chọn, những comment cổ vũ, góp ý từ khắp nơi trong và ngoài nước. Thời gian diễn ra cuộc bình chọn qua mạng cả trường vui như hội, hồi hộp theo dõi sự thay đổi lên xuống thứ hạng".

Ông Trần Sơn, giám đốc mạng xã hội tamtay.vn chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các bạn học sinh sinh viên có được một môi trường học tập chuyên nghiệp, một sân chơi lành mạnh, cơ hội tiếp cận với những cái mới theo hướng chọn lọc nhất.

Một mạng xã hội nơi mọi người trau dồi kiến thức, lưu giữ, chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc, tình cảm gắn bó trong suốt cuộc đời học sinh sinh viên qua những bức ảnh, đoạn phim, hay những dòng viết trên blog. Tìm lại bạn cũ, kết thêm bạn mới, tạo nhóm theo sở thích, thói quen.... một cách mềm dẻo và rất riêng tư. Đây cũng là điều mà các mạng xã hội nước ngoài như myspace, facebook, blog360 không thể tạo ra ở Việt Nam”.

Event sinh viên thời... xã hội hóa

Hoạt động sinh viên năm nay diễn ra khá rầm rộ nhưng cũng như mọi năm, hầu hết là "tự biên tự diễn". Khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ đã có sự đầu tư từ phía doanh nghiệp, còn phía nhà trường thì ủng hộ bằng tinh thần là chính.

Nhận xét về thực tế này, Lan Anh, một cựu sinh viên Học viên báo chí và Tuyên truyền tâm sự: “Cơ sở hạ tầng về CNTT của phần lớn các trường đại học cao đẳng đều quá đơn sơ và không theo kịp nhu cầu "nghiện net" của chúng em. Ở các nước khi nhập trường, mỗi sinh viên được cấp email riêng của trường còn ở ta thì chỉ một số ít giáo viên được cấp, phần đông thì chủ yếu dùng email miễn phí như google hay yahoo. Nhiều trường đại học trang web rất đơn giản và ít được cập nhật, nhiều trường lớn ở Hà nội như ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại ngữ... thậm chí còn chưa lập được diễn đàn trên mạng cho sinh viên”.

Nhìn từ góc độ nhà đầu tư, Ông Trần Sơn chia sẻ: “Các trường cũng có khó khăn riêng vì nếu trang web làm quá sơ sài thì sinh viên không quan tâm, còn nếu làm tốt thì cần chi phí xây dựng và duy trì lớn, đội ngũ quản trị có tay nghề cao. Tổng chi phí cả thiết bị, đường truyền, trả lương nhân viên để duy trì một trang web “đàng hoàng” lên đến cả tỷ đồng mỗi năm, điều rất ít trường có thể làm được”. Vì thế, theo ông Sơn, việc doanh nghiệp san sẻ gánh nặng với nhà trường là việc nên làm và rất phù hợp với xu thế xã hội hóa giáo dục hiện nay.

Theo VTC