Bà con ở xã Ia Krăi đã rất quen với hình ảnh nữ cán bộ trẻ tuổi giản dị, thân thiện, thường xuyên về thôn bản, xóm làng chuyện trò. Cứ thấy Byich họ lại gọi rộn ràng “cô Bích”, “cô Bích kìa…” (cách gọi thân thiện của bà con với Byich - PV). Từ đó, Bích trở thành tên gọi hàng ngày của Byich. Các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook của cô cũng đổi thành Rơ Châm Bích.
Bị mắng vì ngăn tảo hôn
Rơ Châm Byich chia sẻ, với bà con đồng bào dân tộc, mình phải thực sự hòa đồng, gần gũi, bà con mới sẵn sàng chia sẻ. Vì thế, để không tạo khoảng cách với bà con, mỗi lần về cơ sở chị ăn mặc giản dị, không sơ mi công sở, quần áo trang trọng. “Nếu mình trao đổi theo kiểu mệnh lệnh, văn bản, chỉ đạo, bà con khó trải lòng. Vì thế, tôi thường tám chuyện để bà con vui vẻ nói ra hết, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và triển khai chương trình, hoạt động phù hợp, sát với thực tiễn”, Bí thư Đoàn xã Ia Krăi nói.
![]() |
Chị Rơ Châm Byich (thứ 3, từ phải qua) cùng đoàn viên, thanh niên tặng quà em Rơ Châm Thoa |
Do ban ngày người dân đi làm nương rẫy, nên chị thường phải tranh thủ thời gian buổi tối, cuối tuần để đến từng hộ dân. Xã Ia Krăi có 15 thôn, làng nằm rải xa nhau, đi lại rất khó khăn nhưng nữ cán bộ Đoàn Rơ Châm Byich không nề hà đến từng thôn, vào từng nhà.
Tảo hôn là một trong những vấn đề nhức nhối ở Ia Krăi. Nhiều em học sinh 15-16 tuổi bỏ học giữa chừng lấy chồng, cưới vợ. Thời gian vừa qua, chính quyền xã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này, lập các tổ công tác đi về thôn bản tuyên truyền, vận động.
Năm 2023, chị Byich thành lập CLB Tiền hôn nhân tại làng Tung Breng tổ chức các buổi tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản cho các thanh niên tại các làng đặc biệt khó khăn; vận động, tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời một số đôi có dấu hiệu tảo hôn.
Để ngăn chặn tảo hôn, nữ cán bộ Đoàn Rơ Châm Byich kiên trì, bền bỉ, thậm chí “chai mặt” để vận động thuyết phục, không ít lần bị… ăn mắng. “Có lần thuyết phục gia đình nọ đừng cho con lấy chồng sớm, tôi bị mẹ cô bé mắng: Con tôi, tôi muốn làm gì kệ tôi, chị có nuôi được chén cơm, chén gạo nào mà đi góp ý. Tôi là người nóng tính nhưng trước những tình huống như vậy luôn kiềm chế, im lặng, ra về đợi khi họ nguôi rồi hôm khác quay lại vận động tiếp. Kiên trì với phương châm mưa dầm thấm lâu, tôi đã vận động được nhiều người đổi ý”, Byich chia sẻ.
Một trường hợp nữ sinh lớp 12 ở làng Tung Breng xinh xắn, học giỏi nhưng bố mẹ lại muốn con bỏ học để cưới chồng vì có chàng trai trong làng theo đuổi, khiến Byich tốn rất nhiều công sức. Rất nhiều lần đến nhà vận động không lay chuyển, chị tìm cách thuyết phục riêng mẹ, rồi vận động riêng bố. Không chỉ ở nhà, cứ gặp ngoài đường là chị bắt chuyện tỉ tê, dự đám tiệc cũng lân la tâm sự. Cuối cùng, gia đình cô gái nhất trí không ép con cưới chồng nữa.
![]() |
Bí thư Đoàn xã Rơ Châm Byich thường xuyên đến với bà con “tám” chuyện để nắm bắt tâm tư |
“Sau đó mẹ cô bé gặp tôi nói: Chị hối hận rồi, may không cho con gái lấy chồng sớm. Sau này chị mới biết cậu bé kia lười lắm, chẳng làm việc gì cả... Biết ơn em nhiều lắm”, chị Byich kể.
Tiếp sức cho học sinh nghèo
Byich là người dân tộc thiểu số. Chị tự nhận những ngày đảm nhận vai trò cán bộ Đoàn chưa được nhạy bén thông tin, cũng như cách xử lý tình huống, giải quyết vấn đề. Để hoàn thiện mình, chị follow (theo dõi) nhiều fanpage của các tổ chức Đoàn, Hội, học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, Byich đúc rút triển khai mô hình phù hợp ở địa phương.
“Bà con dân tộc ở đây phần đa chưa quan tâm đến việc học của con. Với họ, con cái đi học cũng được, không đi học cũng được, thậm chí nhiều gia đình bố mẹ đi lên rẫy cả ngày, không quan tâm con có đi học hay không. Điều này khiến tôi rất day dứt, lo các em sẽ bỏ học, thương những em nhỏ ở nhà cả ngày bơ vơ”, Byich chia sẻ.
Từ trăn trở đó, chị thành lập CLB Tình nguyện Xanh yêu thương, tập hợp cán bộ, hội viên, thanh niên chung tình yêu với thiện nguyện, phát huy năng khiếu, sở trường, kỹ năng để làm ra các sản phẩm bán gây quỹ cho người nghèo. Từ những chương trình bán hoa, bán móc khóa, bán bao lì xì… CLB đã gây quỹ tổ chức 30 chương trình lớn, nhỏ; đặc biệt, xây dựng trao tặng 5 khu vui chơi tại 5 điểm trường ở các làng Kăm, làng Ó, làng Myah, làng Bi De, làng Bi Ia Nách trên địa bàn xã nhằm tạo sân chơi cho các em thiếu nhi được vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh.
Sợ con em trên địa bàn bỏ học giữa chừng, Byich làm việc thường xuyên với ban giám hiệu các trường, trưởng thôn, bí thư chi bộ, nắm bắt tình hình. Em nào có dấu hiệu bỏ học, Byich tuyên truyền, vận động, thuyết phục rồi tìm cách giúp các em viết tiếp ước mơ đến trường. Byich kể, có những em học sinh hoàn cảnh rất éo le khiến chị cứ đau đáu mãi. Như trường hợp em Rơ Châm Thoa, học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai), gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mất sớm, mẹ ốm đau liên miên. Thoa phải bỏ học từ lớp 2.
“Khi gặp Thoa, tôi thấy em là một cô bé thông minh, sáng dạ, nếu bỏ học sớm thế này thì tiếc cho tương lai của em quá. Thế là tôi đi tìm mạnh thường quân hỗ trợ. May mắn có người cam kết đồng hành, hỗ trợ em ấy học đến hết năm lớp 12”, Byich kể.
“Làm thủ lĩnh Đoàn ở xã vùng sâu, vùng xa, tôi luôn gương mẫu, đi trước, lo trước thanh niên. Bất cứ chương trình, hoạt động nào, tôi cũng là người có mặt đầu tiên và là người ra về cuối cùng. Tôi muốn truyền lửa nhiệt huyết cho các bạn trẻ, đồng hành trong mọi hoạt động để các bạn cùng phát triển, cống hiến cho làng bản, quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn”.
Chị Rơ Châm Byich - Bí thư Đoàn xã Ia Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai
Nay, Thoa là học sinh lớp 4. Mỗi năm, Bí thư Đoàn xã Rơ Châm Byich đến thăm, tặng quà cho em Thoa 3 lần, gồm dịp đầu năm học mới, tổng kết năm học và Tết Nguyên đán. Byich đích thân đi vận động, xin từng quyển vở, đồ dùng học tập, bộ quần áo mới, cùng nhu yếu phẩm để trao tặng cô học trò nhỏ sáng dạ.
Cống hiến không biết mệt mỏi
Tốt nghiệp Trường ĐH Đà Lạt, Rơ Châm Byich trở về quê công tác, được phân công làm Phó Bí thư Đoàn xã, rồi Chủ tịch Hội Nông dân của xã. Từ tháng 4/2020, chị làm Bí thư Đoàn xã kiêm Chủ tịch Hội LHTN xã Ia Krăi. Đây là một xã thuộc huyện biên giới huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, giáp biên với Campuchia, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Từ những ngày làm công tác Đoàn, Hội, chị Byich gần dân nhiều hơn, đặc biệt là đối tượng thanh niên và các em nhỏ. Chị luôn tìm cách tiếp cận họ, trò chuyện, chia sẻ để đề ra các chương trình, hoạt động phù hợp nhất với từng đối tượng. Chị vắng nhà nhiều hơn, đến nỗi chồng của chị phải thốt lên: “Sao làm cán bộ Đoàn xã thôi mà em bận đến vậy!”. Nhưng chị Byich luôn được chồng ủng hộ hết mực, sẵn sàng làm hậu phương cho vợ đi sớm, về muộn, hay công tác xa nhà.
Byich được sinh ra, lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông bà nội, ngoại đều tham gia hoạt động cách mạng. Truyền thống đó đã bồi đắp cho Byich lòng yêu nước, tinh thần dấn thân, cống hiến, sẻ chia. Nhờ đó, khi bén duyên với công tác Đoàn, chị như được “chạm phải mạch”, miệt mài làm việc, cống hiến không biết mệt mỏi với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Theo TP