Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau - Bài 3: Nữ 'thủ lĩnh' truyền cảm hứng về sự dấn thân

(CTG) Mỗi lần tổ chức chương trình ở vùng sâu, vùng xa về, chị Lô Thị Lan, Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An), đều day dứt, trăn trở. Đó là lý do suốt 8 năm làm cán bộ Đoàn, chị Lan ít khi ở văn phòng mà chủ yếu đi về cơ sở, hòa vào cuộc sống của bà con nhân dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi để triển khai những chương trình thiết thực, ý nghĩa.

Hòa vào cuộc sống người dân

Ngày vía Thần Tài 2025, chị Lô Thị Lan - Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám chọn mang những món quà đến cho bà con nhân dân, trẻ em ở bản Na Ngân, xã Nga My - nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc chọn tổ chức chương trình Xuân yêu thương ngay từ những ngày đầu năm mới 2025, tại bản vùng sâu, vùng xa Na Ngân đúng ngày vía Thần Tài, nữ cán bộ Đoàn mong rằng sẽ mang đến tài lộc, may mắn theo như quan niệm dân gian để người dân nơi đây bớt khổ.

Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau - Bài 3: Nữ 'thủ lĩnh' truyền cảm hứng về sự dấn thân ảnh 1

Chị Lô Thị Lan - Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám cùng với những đứa trẻ ở bản Na Ngân, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

 

Với mong muốn đó, sớm tinh mơ ngày 7/2 (Mùng 10 tháng Giêng), khoác lên mình chiếc áo xanh thanh niên quen thuộc, đi đôi dép rọ, Lan cùng anh em cán bộ Đoàn thị trấn Thạch Giám và các đơn vị liên quan mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc, quà cáp hăm hở ngược núi rừng về với bà con nhân dân. Bản Na Ngân cách trung tâm xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) gần 30 km, chỉ có con đường đất độc đạo chạy dọc sườn núi Pù Hiêng, xuyên vào vùng lõi đại ngàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Nơi đây, hiện có hơn 150 hộ, trong đó có 94 hộ nghèo cùng sinh sống, với 100% là đồng bào dân tộc Thái.

“Những việc làm nhỏ bé, niềm vui giản đơn đó là động lực thôi thúc tôi luôn nhiệt huyết, xông xáo, vượt qua khó khăn để làm việc không biết mệt mỏi, không tính toán thiệt hơn”.

Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám Lô Thị Lan

Đến trung tâm xã Nga My, đoàn công tác chở nhau bằng xe máy, trên con đường đất cheo leo, hiểm trở, một bên là vách núi, bên vực sâu, cùng cơn mưa phùn và cái rét cắt da thịt. Hơn 2 giờ đồng hồ đoàn mới đến được bản. Ngày vía Thần Tài, bản Na Ngân chưa khi nào vui đến vậy. Người lớn được tặng quà, trường học được trao tặng trang thiết bị, học sinh được chơi trò chơi, ăn bánh kẹo, bim bim, uống trà sữa - thứ nước những đứa trẻ nơi đây lần đầu được thưởng thức. “Giản dị thế thôi, nhưng đứa trẻ nào cũng cười tít mắt, xua tan giá lạnh, quên đi sự thiếu thốn thường nhật”, Lan nói.

“Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám Lô Thị Lan rất giàu năng lượng, nhiệt huyết. Dù ở mặt trận khó khăn, xa xôi, hẻo lánh nào, công việc mới mẻ nào, Lan đều xông pha đảm nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, truyền cảm hứng về sự dấn thân, cống hiến với tinh thần lo trước thanh niên, vui sau thanh niên, gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau”.

Chị Nguyễn Thị Thúy - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An

“Trên đường về nghe anh Vi Văn May, Chủ tịch UBMTTQ xã Nga My kể thêm về những khó khăn, thiếu thốn của bản Na Ngân, tôi đã khóc rất nhiều, thấy thương lắm. Còn rất nhiều bản làng nơi quê hương Tương Dương, vùng rẻo cao có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, cần cộng đồng xã hội cùng chung tay sẻ chia”, Lan nói.

Không riêng gì Na Ngân, mỗi lần tổ chức chương trình ở vùng sâu, vùng xa về, Bí thư Đoàn thị trấn Thạch Giám Lô Thị Lan đều mang sự day dứt, trăn trở. Đó cũng là lý do suốt 8 năm làm cán bộ Đoàn ở Thạch Giám, Lan ít khi ở văn phòng mà chủ yếu đi về cơ sở, hòa vào cuộc sống của bà con nhân dân, đoàn viên thanh thiếu nhi.

Làm đường trong một ngày

 
Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau - Bài 3: Nữ 'thủ lĩnh' truyền cảm hứng về sự dấn thân ảnh 2

Lô Thị Lan (bên phải) hỗ trợ bà con bản Sơn Hà, xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, khắc phục hậu quả lũ quét.

Phận nữ nhi nhưng Lan luôn sẵn sàng lên đường bất cứ hoàn cảnh nào. Có lần nhận được công văn của Huyện Đoàn Tương Dương điều động đoàn viên, thanh niên đi hỗ trợ bản Piêng Ồ, xã Xiêng My, xây dựng đường giao thông nông thôn, Lan cùng 10 bạn trẻ chở nhau bằng xe máy xuất phát lúc 4 rưỡi sáng, hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến bản. Mỗi người ăn vội 1 cái bánh mỳ rồi bắt tay vào làm nhiệm vụ. Người đo, người kê ván, người vác xi măng, người trộn hồ. Lan tham gia làm từ vác xi măng, đến xách nước để trộn bê tông. Trong ngày, cả nhóm hoàn thành tuyến đường dài 500m trong niềm vui vỡ òa.

Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra rất nhiều trường hợp đuối nước thương tâm. Đoàn Thanh niên, trực tiếp Bí thư Lô Thị Lan đã tham mưu với UBND Thị trấn Thạch Giám tổ chức mở lớp dạy bơi và kỹ năng phòng tránh đuối nước miễn phí cho thanh thiếu nhi. Đây là lớp học đầu tiên, quy mô lớn được tổ chức trên toàn huyện Tương Dương, sau đó được nhân rộng ra, góp phần giảm thiểu đuối nước trẻ em mỗi dịp hè về. Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Lan đã triển khai mô hình “Đội phản ứng nhanh” nhằm “đi từng bản, đến từng nhà” tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch bệnh…

Dấu ấn của nữ thủ lĩnh Đoàn vùng cao còn được thể hiện đậm nét thông qua hàng loạt chương trình như Mùa đông ấm, Xuân tình nguyện, Tháng thanh niên, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Chủ nhật xanh, lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho đoàn viên thanh thiếu nhi, cắt tóc tri ân, bữa cơm yêu thương...

Nói được, làm được…

Giới thiệu về mình, Lan dí dỏm: “Tôi khỏe lắm! Đi miết không thấy mệt”. Cô khoe, việc nặng nhọc gì cũng làm được hết, từ mang vác, trộn hồ bê tông, giúp dân dựng nhà, cày cấy, vẽ tranh tường, đến múa hát, tổ chức trò chơi… “Là cán bộ Đoàn không chỉ dừng lại ở việc phát động không thôi, bất kỳ chương trình nào tôi cũng xắn tay vào làm trực tiếp, thậm chí làm trước, làm mẫu cho anh em học tập. Cán bộ Đoàn phải nói được, làm được, anh em mới nghe mình”, Lan chia sẻ.

Lan là người dân tộc Thái, sinh ra trong gia đình có bố mẹ là nông dân, nuôi 5 chị em học đại học. Có lúc kinh tế quá khó khăn, bố mẹ phải nói với Lan nghỉ học, về nhà đi làm phụ giúp nuôi các anh chị và em út đi học. Trong số 5 anh, chị em, Lan là người có sức khỏe nhất, đi làm rẫy, nương, chăn trâu chăn bò… đều biết việc hơn. Tuy nhiên, cô đã không bỏ học.

Để chia sẻ gánh nặng với bố mẹ, Lan đi làm thêm tự trang trải chi phí suốt 4 năm đại học. Dù vậy, nữ sinh Lô Thị Lan hồi đó rất tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, làm Phó chủ nhiệm CLB hiến máu tình nguyện của trường. Thời sinh viên sôi nổi, Lan đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như Sao Tháng Giêng, Sinh viên 5 tốt cấp thành phố và được kết nạp Đảng tại trường.

Tốt nghiệp, năm 2015, Lan trở về địa phương làm cán bộ 30a theo chương trình Trí thức trẻ về công tác tại các vùng khó khăn. Từ năm 2018, Lan bén duyên với công tác Đoàn, trở thành Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Thạch Giám đến nay.

Thấm thía những vất vả, khó khăn mà bản thân từng trải qua nên khi đảm trách vai trò Bí thư Đoàn thị trấn của một huyện nghèo vùng núi ở Nghệ An, Lan luôn đầy lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đất nghèo khó. Chính lòng trắc ẩn, luôn muốn sẻ chia, lan tỏa yêu thương của Lan đã giúp đỡ nhiều mảnh đời vượt qua hoàn cảnh éo le.

Điển hình như em Ven Thị Yến Chi, dân tộc Khơ Mú, sống tại bản Côi, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương không may bị tai nạn rơi xuống suối bị chấn thương sọ não. Gia đình khó khăn, không đủ chi phí cho em phẫu thuật. Bí thư Đoàn Lô Thị Lan lên mạng xã hội viết bài kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ. Lan phát động chương trình đoàn viên, thanh niên bán nước mía góp quỹ tiếp sức em Chi. Những việc làm ấm áp đó nhanh chóng lan tỏa yêu thương trong cộng đồng. Bí thư Huyện ủy Tương Dương quyết định trích 1 tháng lương ủng hộ em Chi.

Với tổng số tiền 50 triệu đồng từ kêu gọi ủng hộ, bán nước mía của tổ chức Đoàn, em Chi đã có cơ hội phẫu thuật, vượt qua nguy hiểm.

Theo TP