Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau - Bài cuối: Dẫn dắt thanh niên lập nghiệp

(CTG) Với sự táo bạo, năng động của tuổi trẻ, anh Sùng A Sa - Bí thư Đoàn xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), đã triển khai các mô hình kinh tế, thúc đẩy thanh niên dân tộc thiểu số tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần đổi thay vùng đất khó.

Tạo sức sống mới cho các hoạt động

Xã vùng cao Tả Phìn có 6 thôn bản, 10 chi đoàn, với tổng số gần 1.100 đoàn viên, thanh niên. Trong đó, trên 97% thanh niên dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Dao, không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu đi làm thuê ở xa.

Anh Sùng A Sa kể, ban đầu anh tham gia hoạt động Đoàn, Hội đơn giản chỉ vì thấy vui vui, lâu dần trở thành niềm yêu thích. “Khi đã yêu thích rồi, tôi không chỉ muốn là người tham gia, mà còn muốn trở thành người tổ chức các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội”, anh Sa nói.

Để trang bị kỹ năng, kiến thức về công tác Đoàn, Hội, anh Sa quyết định lựa chọn con đường đi học tiếp đại học. Dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đi lại nhưng anh vẫn quyết tâm học liên thông từ trung cấp lên đại học. Anh quan niệm, muốn tổ chức được một phong trào, hoạt động nào đó, tiến xa hơn là làm cán bộ Đoàn, ngoài đam mê, nhiệt huyết, điều quan trọng là phải có trình độ, hiểu biết để dẫn dắt thanh niên. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn làm tốt vai trò của một người tổ chức, thuyết phục được các bạn thanh niên thì trước hết mình phải làm tốt, phải tiên phong, gương mẫu, nói được làm được”, anh Sa chia sẻ.

Tốt nghiệp năm 2020, anh Sa trở về quê làm Bí thư Chi đoàn thôn. Đến năm 2022, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Lúc mới nhận công tác, anh gặp nhiều khó khăn vì đoàn viên, thanh niên đa số là người dân tộc thiểu số, đi làm ăn xa, một bộ phận chưa thật sự quan tâm các hoạt động Đoàn, Hội. Có lần, Đoàn xã tổ chức ra quân tình nguyện Ngày Chủ nhật xanh, cả xã chỉ có vỏn vẹn 11 đoàn viên, thanh niên tham gia. “Tôi thầm nhủ, nếu cứ duy trì hoạt động như này thì khó thu hút thanh niên, phải thay đổi để các bạn trẻ tự nguyện đến với Đoàn một cách vui vẻ, trách nhiệm nhất”, anh Sa nói.

Anh Sa về từng thôn, bản nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Anh trực tiếp dự sinh hoạt chi đoàn của từng thôn bản, hướng dẫn anh em tổ chức công tác đoàn thể một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, anh triển khai mẫu hoạt động ở từng thôn để tạo sức sống mới cho các hoạt động. Nhờ sự nỗ lực đó, hoạt động Đoàn, Hội ở Tả Phìn dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trong chương trình Ngày Chủ nhật xanh sau đó, toàn xã đã có hơn 40 bạn trẻ tham gia nhiệt tình dọn dẹp vệ sinh môi trường. Điều quan trọng là ý thức tự giác được nâng lên, các bạn tham gia một cách nghiêm túc, không đối phó, hình thức.

Trồng hoa làm giàu, gây quỹ

“Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với thanh niên, tôi nhận thấy, muốn tập hợp được thanh niên phải tạo sân chơi cho các bạn, và giải quyết được nhu cầu thiết thực là hướng nghiệp, phát triển mô hình kinh tế, du lịch cộng đồng”, Sùng A Sa chia sẻ.

Để thanh niên tin tưởng, làm theo, anh Sa tiên phong, gương mẫu đi đầu triển khai mô hình kinh tế trồng hoa địa lan. Năm 2017, với số vốn 90 triệu đồng, anh bắt tay triển khai mô hình, mua cây giống, tìm hiểu tài liệu và trực tiếp đi các xã khác học hỏi cách thức trồng, chăm sóc cây địa lan. Sau 2 năm, anh thu hồi vốn, từ cuối năm 2020 bắt đầu có lãi. Hiện, vườn địa lan của anh có 500 cây, trở thành mô hình kiểu mẫu cho đoàn viên, thanh niên và người dân trong xã tham quan, học hỏi. Anh đi vào từng thôn bản hướng dẫn, truyền đạt cặn kẽ từng bước trồng, chăm sóc và tiêu thụ cây địa lan; đồng thời, kết nối nguồn vốn vay cho bạn trẻ trong xã mạnh dạn triển khai mô hình trồng hoa địa lan.

Để triển khai có hiệu quả nguồn vốn vay, anh cùng các chi hội thường xuyên kiểm tra, giám sát thanh niên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Với những thanh niên gặp khó khăn trong đầu ra sản phẩm, anh hỗ trợ kết nối, giới thiệu đầu mối. Đến nay, thanh niên trên địa bàn đã có những mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp về trồng hoa địa lan, nhất chi mai, đào phai, phát triển du lịch cộng đồng. Các mô hình cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho thanh niên.

Địa danh quen thuộc du lịch cộng đồng

Giờ Tả Phìn trở thành địa danh quen thuộc trong du lịch cộng đồng, là nơi trồng các loại hoa đẹp nổi tiếng như hoa địa lan, nhất chi mai, đào phai, hoa cắt cành… Từ một xã thuần trồng lúa, ngô, giờ Tả Phìn phát triển đa dạng mô hình kinh tế, trong đó có nhiều thanh niên làm chủ, góp phần thay da đổi thịt vùng đất khó.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2022, anh Sùng A Sa vận động Chi đoàn thôn Tả Chải trồng hoa địa lan gây quỹ hoạt động cho chi đoàn. Mới đây, anh triển khai tiếp ở Chi đoàn thôn Lủ Khấu, từ đó, tạo nguồn kinh phí dồi dào cho chi đoàn hoạt động. Anh Sa dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này về tất cả thôn bản của Tả Phìn để các chi đoàn có nguồn kinh phí chủ động trong triển khai hoạt động, phong trào.

Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau - Bài cuối: Dẫn dắt thanh niên lập nghiệp ảnh 1

Bí thư Đoàn xã Sùng A Sa (đội mũ) luôn có mặt giúp dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa bão

“Từ những việc làm cụ thể phát triển kinh tế đã góp phần thúc đẩy công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn xã Tả Phìn khởi sắc, đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia”, anh Sa cho hay.

Lao vào việc khó không nề hà

Không chỉ sáng tạo trong phát triển kinh tế, ở tuổi 31, anh Sùng A Sa được xem là cán bộ trẻ năng nổ của xã. Bất cứ việc mới, việc khó, vất vả đều được lãnh đạo xã tín nhiệm giao phó. Vào mùa mưa bão, anh gần như không có mặt ở nhà, túc trực 24/24 giờ, đi kiểm tra từng thôn bản, quyết liệt di dời người dân ở những nơi nguy hiểm.

Những con đường bị sạt lở, ngăn cách, anh cũng là người đầu tiên xông pha dọn dẹp, khơi thông để giao thông đi lại thông suốt. Nhà dân nào phải di dời, anh cũng xắn tay vào bốc từng bao lúa, tải ngô, dắt từng con trâu, con bò đến nơi tập kết an toàn. Người dân đi tránh trú, anh tập hợp, tổ chức đoàn viên, thanh niên nấu cơm tiếp sức…

“Thanh niên dân tộc còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, vì vậy tôi rất mong lãnh đạo cấp trên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng hành hỗ trợ ưu tiên cho các bạn về học tập, lao động, tìm kiếm việc làm. Trong đó, cần có chính sách đặc thù dành cho thanh niên là dân tộc thiểu số khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Anh Sùng A Sa - Bí thư Đoàn xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai

“Mưa càng to, tôi càng phải đi ra ngoài, soi từng con đường, ngọn đồi, để nắm bắt tình hình sạt lở. Bởi chỉ một chút lơ là, chủ quan cũng có thể gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân”, anh Sa chia sẻ.

 
Gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau - Bài cuối: Dẫn dắt thanh niên lập nghiệp ảnh 2

Anh Sùng A Sa bên chậu địa lan đầy tâm huyết của mình

Đợt cơn bão lịch sử Yagi đổ bộ vào đầu tháng 9/2024, anh Sa đi bộ cả chục cây số để giám sát, không dám ngủ. Trong quá trình tuần tra, anh và mọi người phát hiện ngọn núi gần đội 8, thôn Suối Thầu có vết nứt, nguy cơ sạt lở rất cao. Trước tình hình đó, anh kịp thời báo cáo, tham mưu lãnh đạo xã yêu cầu người dân nhanh chóng di dời khẩn cấp 13 hộ dân, với gần 70 nhân khẩu đến điểm an toàn. May mắn không bị sạt lở, nhưng có vài ngôi nhà bị sập do mưa to, gió lớn kéo dài. Nhờ sự cảnh giác đó, anh cùng mọi người đã góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

“Cứ bà con an toàn, mọi mệt nhọc, vất vả đều tan biến. Niềm vui, món quà lớn nhất là mỗi lần ra đường, về đến thôn bản, người dân nhớ mặt, gọi tên mình, nói lời cám ơn. Đó là động lực lớn nhất để mình xông vào việc khó mà không chút nề hà”, Sùng A Sa chia sẻ thêm.

Theo TP