Giao lưu trực tyến với CLB Smiles - mãi mãi những nụ cười

(CTG) Sinh năm 1986, Hiện đang là kỹ thuật viên của Công ty nhựa Hoàng Ngân, nhưng giấc mơ tình nguyện thì vẫn như vẫn như còn đậm duyên nợ đến bây giờ, là Chủ nhiệm CLB ngay từ những ngày đầu thành lập, Nguyễn Văn Phấn vẫn ao ước đem được nhiều hơn những giấc mơ, những nụ cười tới trẻ em lang thang và khó khăn trên mọi miền đất nước.

Chia sẻ với những người làm chương trình, bạn Phấn nói: “Đi tình nguyện, mình có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, và gần đây nhất là chương trình Đền Hùng xanh, bốn ngày với hơn một trăm thành viên, sáng ăn bánh mỳ, trưa ăn mỳ tôm, tối ăn bánh mỳ, ngày vẫn đi nhặt rác vô tư. Đó là bài học về sự đoàn kết, lòng nhiệt huyết và tinh thần trẻ trong mỗi bạn thành viên”

Được thành lập từ ngày 14 tháng 08 năm 2007 tại trường cao đẳng Hóa chất tại Tiên Kiên Lâm Thao Phú Thọ, với các thành viên chủ yếu là sinh viên trường cao đẳng hóa chất và một số thành viên tại Hà Nội. Sau gần hai năm hoạt động dấu chân của CLB Smiles đã in dấu trên nhiều chặng đường, từ một nhóm nhỏ Hện tại Smiles đã có đại diện tại 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh.

Dù hôm nay là ngày nghỉ, nhưng các bạn Nguyễn Văn Phấn, Chủ nhiệm CLB Smiles;  Bùi Văn Nam, Uỷ viên BCH CLB, Đại diện CLB Smiles Phú Thọ; Lê Xuân Hiển, Ủy viên BCH, Đại diện CLB Smiles tại Hà Nội; Bạn Nguyễn Thị Hồng Hải, Ủy viên BCH, Trưởng ban đối ngoại Smiles Hà Nội đã có mặt tại Văn phòng Cổng Thánh Gióng từ 13h hơn để sẵn sàng trả lời các câu hỏi giao lưu từ bạn đọc. 

Đúng 14h, Chương trình giao lưu bắt đầu:

Chị Trần Minh Huyền, Phó trưởng ban biên tập (áo xanh) tặng hoa cho Đại diện CLB Smiles tham gia giao lưu.

 Nguyễn Trung Thành, 22 tuổi, Hà Nội: Từ ý tưởng nào mà các bạn thành lập Câu lạc bộ tình nguyện Smiles?

Bạn Phấn: Đây là câu hỏi mình đã được hỏi rất nhiều lần, ý tưởng để thành lập một câu lạc bộ xuất hiện từ khi mình lên làm bí thư Liên chi đoàn, ủy viên đoàn trường, Liên chi Hội trưởng hội sinh viên của khoa tại trường CĐ Hóa chất năm 2006. Trước những câu hỏi của ĐVTN sao trường mình không có tình nguyện hè ở xa? Bạn biết đấy đặc thù trường mình là về hóa chất lên tổ chức tình nguyện hè là hơi khó. 

Năm 2007 mình tham gia chương trình Mùa đông ấm và ý tưởng thành lập một câu lạc bộ tình nguyện càng bùng cháy trong mình, mình quyết tâm thành lập câu lạc bộ với số lượng thành viên ban đầu chủ yếu là cán bộ lớp, cán bộ đoàn tại trường, và một số người bạn mình ở Hà Nội. 

Ban đầu CLB mình mang tên là màu áo tình nguyện sau đó theo đề nghị của bạn Lê Thị Huyền cựu trưởng ban đại diện tại Hà Nội chúng mình đổi tên thành Smiles với mong muốn mang những nụ cười đến cho xã hội.

Trần Quý Đức, 24 tuổi: Khi mới thành lập các bạn gặp khó khăn gì khi tiến hành tổ chức các hoạt động của mình?

Bạn Nguyễn Văn Phấn (áo trắng) đang trả lời câu hỏi của độc giả

Bạn Hiển: Như các bạn đã biết, kinh phí là vấn đề nan giải nhất của các hoạt động tình nguyện nói chung và Câu lạc bộ của tụi mình cũng vậy, thường thì Câu lạc bộ mình vận động bằng nội lực. Cái khó không phải Câu lạc bộ mình không tìm được nhà tài trợ mà cái khó đó là Giấy giới thiệu. Khi có Giấy giới thiệu mình sẽ dễ dàng tiếp cận và trình bày về chương trình của Câu lạc bộ mình đến các đơn vị tài trợ. 

Chính vì vậy, tìm được đơn vị bảo trợ là vấn đề rất cần thiết đối với các Câu lạc bộ chứ không riêng gì CLB Smiles. 
 

Phuonghong@yahoo.Com và Nguyễn Vũ Quý, 22 tuổi, Nam Định: Hiện nay CLB của các bạn có bao nhiêu hội viên, ai là người lớn nhất và thành viên nào là bé nhất ở đâu? 

Bạn Phấn: Hiện nay Câu lạc bộ mình có tổng cộng gần 200 thành viên tại 6 ban đại diện gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nam Định và đang vận động thành lập ban đại diện Câu lạc bộ tại Đà Nẵng. : Khó khăn nhất của hội mình là hoạt động tự phát, không có sự bảo trợ, lại ở vùng sâu nên rất khó triển khai hoạt động, các thành viên thì chưa từng tham gia các hoạt động về tình nguyện. Bây giờ, các thành viên CLB mình đã hoạt động chuyên nghiệp hơn rất nhiều bởi mọi người đã được tham gia rất nhiều chương trình tình nguyện. 

Bạn Nam: Đối với Ban đại diện tại Phú Thọ, do lợi thế trước kia CLB được thành lập tại trường Cao đẳng hóa chất nên số lượng thành viên tại Phú Thọ rất đông đảo với tổng số lượng là 87 thành viên phân bổ tại các trường như: Trường Cao đẳng hóa chất : 43 thành viên, trường Cao đẳng dược Phú Thọ : 30 thành viên và  trường Đại học Lương Thế Vinh Nam Định cơ sở tại Phú Thọ  là 14 thành viên. Trong đó người lớn tuổi nhất là bạn Nguyễn Văn Cường sinh năm 1985, bạn nhỏ tuổi nhất là bạn Phạm Văn Đạt sinh năm 1993.

 

 Bạn Hải Nguyễn Hồng Hải (áo trắng) đang đọc câu hỏi giao lưu

Phuongvy@yahoo.com : Để tuyển thành viên các bạn tiến hành như thế nào?

Bạn Hải: Để tuyển thành viên chúng mình dựa vào internet, qua các hoạt động và qua bạn bè….mỗi hoạt động tuỳ từng chương trình, bên mình huy động khoảng từ 50 đến 300 tình nguyện viên.

mauaoxanh@yahoo.com: Mình đã tìm hiểu về CLB của bạn, mình thấy ý tưởng về liên kết các CLB, nhóm tình nguyện thành một cộng đồng là một ý tưởng rất hay, bạn có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?

Bạn Phấn: Có chứ, mình đã từng xây dựng một đề án thành lập Hội liên hiệp tình nguyện Việt nam trong vòng 3 năm. Hiện tại mình xây dựng web http://tinhnguyen.com.vn bằng số tiền do chính mình bỏ ra nhằm mục đích đó. Và mình sẽ phát triển Câu lạc bộ của mình trong cả nước trong thời gian 2 năm tới nhằm mục đích đó. Được biết Cổng xây dựng 
Làng Gióng là nơi tập hợp các Câu lạc bộ trong toàn quốc trên mạng Internet và offline để đoàn kết, cùng nhau phát triển. Mình thấy rất thiết thực và đã đăng ký tham gia. Mình sẽ đóng góp những ý tưởng và kinh nghiệm của mình vào Làng Gióng. Mình hy vọng Làng Gióng sẽ là điểm đến của các CLB như CLB của mình. Và hy vọng trong thời gian tới, các thành viên của Làng Gióng sẽ hợp sức cùng nhau tổ chức các hoạt động có ích cho xã hội và cộng đồng.

Nguyễn Văn Hải, 20 tuổi, Đại học Ngoại Thương: Mình không phải thành viên của nhóm nhưng tớ thích chương trình hoạt động sắp tới? Tớ có thể tham gia được không và có phải đóng góp những gì? 

Bạn Phấn: Ok. Bọn mình sẵn sàng đón tiếp bạn, bạn chỉ cần đóng góp công sức của mình là được rồi. Nếu có điều kiện thêm chút "money" càng tốt, hiiiiii

Bạn Bùi Văn Nam (áo xanh) đang trả lời câu hỏi giao lưu

Khánh Huyền, 23 tuổi: Hiện tại mình đang ở Phú Thọ, mình thấy các hoạt động của Smiles rất hay, mình muốn tham gia, mình sẽ liên hệ với ai?

Bạn Nam: Trước tiên xin chào mừng bạn đến với Smiles, nếu bạn ở Phú Thọ và muốn tham gia các chương trình của CLB bạn có thể liên hệ trực tiếp với mình theo địa chỉ: Bùi Viết Nam – Trường Cao Đẳng hóa chất Lâm thao Phú Thọ, số điện thoại: 0166 597 0086 , hoặc vào trang http://tinhnguyen.com.vn , và gửi mail về Ban đại diện tại Phú Thọ : smilesclub.phutho@gmail.com. Ngoài ra các bạn ở tỉnh thành khác có thể liên hệ với CLB qua các Email tại các tỉnh thành đại diện như: Ở Hà Nội:  smilesclub.hanoi@gmail.com, ở Thái Nguyên: smilesclub.thainguyen@gmail.com, ở Bắc Ninh: smilesclub.bacninh@gmail.com, ở Nam Định : smilesclub.namdinh@gmail.com, hoặc gửi mail về Ban chủ nhiệm:  smiles140886@gmail.com.  CLB Smiles chúng mình rất mong nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn.

Nguyễn Hưng, Cà Mau, 21 tuổi và Nguyễn Lan Hương, 22 tuổi, Đại Học Hà Nội: Như các bạn đã trao đổi, để tổ chức các hoạt động của CLB, việc khó khăn nhất là có đơn vị bảo trợ, hiện tại đơn vị nào đang bảo trợ cho các hoạt động của bạn?

Bạn Hải: Câu lạc bộ Smiles của mình tại địa phương thì có sự bảo trợ của Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, còn các hoạt động toàn quốc thì có sự bảo trợ của Cổng tri thức Thánh Gióng – Hội LHTN Việt Nam.

Chuotconnhome@yahoo.Com, 25 tuổi: Mình vô tình biết Chương trình “Đền Hùng Xanh” mà các bạn vừa thực hiện. Mình thấy đó là một chương trình rất có ý nghĩa hướng về đất tổ, mình muốn hỏi tại sao các bạn lại lấy tên là “Đền Hùng Xanh” và kỷ niệm đáng nhớ nhất của các bạn trong hoạt động đó ?

Bạn Phấn: Chương trình Đền Hùng Xanh được CLB mình tổ chức 2 năm rồi. Để có được thành công như vậy phải nói đến sức mạnh đoàn kết, sức mạnh nội lực của Câu lạc bộ. Bạn có thể tưởng tượng được không: Sáng ăn bánh mì, trưa ăn mì tôm, tối ăn bánh mì, vậy mà ngày đi nhặt rác, tối xem hippop bọn mình vẫn vượt qua được 4 ngày tổ chức, với hơn 100 thành viên, cùng các cộng tác viên. Đó cũng là bài học cho chúng mình ở những chương trình sau. Mình muốn nói sức mạnh nội lực, sự đoàn kết, lòng nhiệt huyết của các thành viên chính là điều làm nên thành công của câu lạc bộ mình.

Bạn Hiển: Vừa rồi bạn Phấn đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiện chương trình “Đền Hùng Xanh”, bây giờ mình xin chia sẻ thêm thông tin về tên gọi của chương trình. Như các bạn đã biết, môi trường là vấn đề mà toàn thế giới quan tâm, thông qua chương trình “Đền Hùng Xanh” Câu lạc bộ mình muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Bạn Hải: Sở dĩ mà chúng tôi lấy tên chương trình "Đền Hùng Xanh" bởi chương trình này chúng tôi tập hợp toàn bộ thành viên CLB từ các tỉnh tham gia chương trình. Hoạt động chính là thu dọn rác thải xung quanh khu vực nhằm giữ gìn môi trường xung quanh xanh - sạch - đẹp. Qua chương trình chúng tôi muốn gửi đến tất cả mọi người thông điệp: hãy giữ gìn vệ sinh xung quanh Đền Hùng cũng như xung quanh cuộc sống.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là trong chương trình Đền Hùng năm 2008. Tôi cũng như các vị khách thập phương hướng về đất Tổ. Tôi tình cờ gặp lại trại của CLB Smiles. Nhìn thấy trong đó là những sinh viên tình nguyện. Hỏi ra tôi được biết đây là chương trình tình nguyện của CLB hướng về đất Tổ. Vậy là tôi gặp trưởng CLB xin tham gia. Anh Phấn đã đồng ý, cho đến nay tôi đã là thành viên chính thức của CLB tại Hà Nội.

Bạn Nam: Mình cũng đã tham gia tổ chức chương trình” Đền Hùng xanh” từ năm 2008. Năm 2009, Ban chủ nhiệm giao cho Ban đại diện tại Phú Thọ tổ chức thực hiện chương trình. Sở dĩ chương trình mang tên “ Đền Hùng xanh” vì đây là một hoạt động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại khu di tích lịch sử Đền Hùng vào những ngày giỗ tổ. Ý tưởng mang tên chương trình “ Đền Hùng xanh” do bạn Nguyễn Văn Phấn – Chủ nhiệm CLB nêu ra.

Kỷ niệm đáng nhớ của mình khi tham gia chương trình này: Năm 2009, Ban đại diện CLB tại Phú Thọ tổ chức chương trình vào những ngày ở Đoàn trường mình có chương trình giao lưu hướng về cuội nguồn với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Là trưởng ban đại diện tại Phú Thọ, đồng thời là ủy viên Ban chấp hành đoàn trường mình phải thực hiện cả hai chương trình. Vào những ngày đó, trời mưa to, mình cùng các thành viên và tình nguyện viên tham gia chương trình phải chống chọi với những cơn mưa tầm tã, vừa rét vừa đói, 20 người chỉ với 4 mẩu bánh mỳ nhưng vẫn tích cực trong các ngày tham gia thu gom rác. Đấy là kỷ niệm đáng nhớ trong suốt thời gian mình tham gia tình nguyện, tuy vất vả nhưng lại rất vui.

 Bạn Lê Xuân HIển (bạn nam) đang 
trả lời câu hỏi giao lưu

Thùy Linh, Học Viện Quan hệ Quốc tế, 24 tuổi, Hà Nội: Hiển àh! có câu này muốn hỏi bạn đây: Đối tượng mà CLB Smiles hướng tới để giúp đỡ và quan tâm là đối tượng nào? Trả lời giúp mình nhé!

Bạn Hiển: Đối tượng mà Câu lạc bộ Smiles quan tâm và hướng tới rất nhiều, nhưng hiện tại Câu lạc bộ Smiles tập trung vào những đối tượng chính như sau:
      + Cộng đồng người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn.
     + Trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Ngoài ra bên mình còn hoạt động về môi trường, các mục tiêu của bên mình hoạt động đều bám sát 8 mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động.

Với những hoạt động nêu trên, Câu lạc bộ mình mong muốn tiếp nhận những bạn thanh niên có tinh thần nhiệt huyết, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; các bạn có thể liên hệ và đăng ký là thành viên của Câu lạc bộ Smiles.

Đức Hiếu, 25 tuổi, Hồ Chí Minh: Có bao giờ gia đình các thành viên trong nhóm Smiles phản đối và cấm đoán các bạn đi hoạt động xã hội không? Và nếu có thì các bạn sẽ thuyết phục với gia đình như thế nào?

Bạn Hải: Có chứ ngay chính mình cũng bị gia đình  phản đối kịch liệt vì thú thật mình cũng không được to béo cho lắm :D
Thường thì hội mình thuyết phục ba mẹ rằng đây là một hoạt động có ích cho xã hội hơn nữa có thể giao lưu học hỏi kết bạn, trau dồi kỹ năng sống cho bản thân. Cũng phải sau một thời gian dài tôi mới thuyết phục được ba mẹ tôi và bây giờ tôi được sự ủng hộ của gia đình.

Nguyễn Phương Thanh, 22 tuổi, Nam Định: Mỗi CLB hoạt động đều có một khẩu hiệu hoạt động, CLB Smiles lấy khẩu hiệu gì cho các họat động của mình? 

Bạn Nam:
Khẩu hiệu của CLB Smiles là: " Tình nguyện vì lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ".
Do hầu hết các thành viên đều là sinh viên của các Trường Đại học, Cao đẳng. Đây là những bạn sinh viên có chung một ý tưởng, chung một mục đích tình nguyện vì cộng đồng, cống hiến sức trẻ vào các phong trào tình nguyện, các hoạt động giúp ích cho xã hội. Bọn mình lấy khẩu hiệu này để thể hiện nhiệt huyết và lý tưởng của các thành viên CLB.

Hải Đức, 19 tuổi, Hà Nội: Hiển ơi, theo các bạn lứa tuổi nào hoạt động tình nguyện là phù hợp nhất; Lứa tuổi nào bắt đầu có dấu hiệu ngọn lửa hoạt động tình nguyện không còn cháy như ban đầu nữa?

Bạn Hiển: Theo mình, lứa tuổi hoạt động tình nguyện phù hợp nhất là khi bạn đang học cấp 3 hoặc bạn là sinh viên. Với những người luôn quan tâm đến các hoạt đồng tình nguyện thì ngọn lửa hoạt động tình nguyện trong họ sẽ không bao giờ là “không còn cháy như ban đầu”. Tuy nhiên, khi họ đã lập gia đình hoặc đi làm thì thời gian dành cho các hoạt động tình nguyện sẽ bị hạn chế hơn. Dù vậy, đó không phải là ngọn lửa tình nguyện trong họ không cháy, mà ngược lại, họ có thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng với những hình thức khác nhau như: không ngừng quan tâm, giúp đỡ các hoạt động tình nguyện hoặc cùng tham gia với tư cách là nhà tài trợ, bảo trợ cho chương trình, ...

Vitcon@yahoo.com: Là bạn gái duy nhất trong buổi giao lưu, mình muốn hỏi bạn, mẫu người bạn thích là như thế nào? Có đòi hỏi phải có“máu tình nguyện” như các bạn nam ở đây không?

Bạn Hải: Hic hic! Bí mật thì bật mí nè:

Thứ nhất là: Đủ chiều cao tiêu chuẩn của con người Việt 1m7 nè (có khiêm tốn không nhỉ?); nặng 65 ký.
Thứ hai đây: vui vẻ, cởi mở, dễ cảm thông cho người khác.
Thứ ba nữa: Hiểu và thông cảm cho tớ nếu tớ lỡ hoạt động tình nguyện mà quên mất ngày cuối tuần;

Bạn ấy phải là "dân tình nguyện" chính gốc.

Cuối cùng đây: Hiểu và và ủng hộ mọi việc làm tình nguyện của tớ và giúp tớ trong việc học tập cũng như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nguyễn Thu Trang, 22 tuổi, Hà Nội: Mỗi thành viên trong CLB đều có cuộc sống riêng và một mái nhà tình nguyện là nơi các bạn sinh hoạt chung? Vậy có bao giờ mái nhà chung này làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các bạn không?

Bạn Hải: Với lòng đam mê  và nhiệt huyết mọi người đều vượt qua những khó khăn về thời gian cũng như công việc. Mỗi người là một nghệ sĩ trong nghệ thuật sắp đặt.

Nguyễn Đức Quý, 21tuổi, Đà Nẵng: Các công việc tình nguyện thể hiện bạn là người rất rộng mở và vị tha. Tuy nhiên, liệu những đóng góp cho cộng đồng này của bạn có được thưởng tương xứng không?

Bạn Nam: Khi tham gia tình nguyện, chưa bao giờ mình nghĩ đến được thưởng cái gì vì đã gọi là tình nguyện thì không đòi hỏi được đáp lại, vì “ tình nguyện” cơ mà  (^ -^) ! Khi tham gia công tác tình nguyện, mình luôn nghĩ sẽ làm được gì để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Hơn nữa tham gia tình nguyện làm cho mình trưởng thành hơn, thêm yêu cuộc sống hơn. Những người tham gia tình nguyện thường mất đi những giá trị hữu hình, nhưng đổi lại sẽ được những giá trị vô hình lớn hơn mà chỉ những người tham gia hoạt động tình nguyện mới hiểu và thấm nhuần được những giá trị đó. Những lợi ích mang lại được cho cộng đồng mới là phần thưởng lớn nhất cho những người hoạt động tình nguyện như mình.

Tomo@yahoo.com: Mình muốn hỏi một chút về riêng tư của 3 anh, xin hỏi đã anh nào có người yêu chưa ạ? Các anh nghĩ sao nếu người yêu anh bắt chọn giữa người yêu và tình nguyện? 

Bạn Phấn: Mình thì đã có gia đình, rất may cho mình vợ mình bây giờ học cùng lớp cao đẳng với mình, cùng tham gia cán bộ đoàn trường và cùng mình vận động thành lập CLB Smiles, nên chưa bao giờ mình phải lựa chọn giữa người yêu và tình nguyện. Hiện nay cô ấy còn cổ vũ rất nhiệt tình chi các hoạt động tình nguyện mà mình tham gia.

Bạn Nam: Mình đã có một nửa của mình rồi, hiện tại cô ấy đang học tại trường Cao đẳng dược Phú Thọ. Rất may, người yêu mình luôn ủng hộ và cùng mình tham gia vào các phong trào tình nguyện của CLB. Bản thân cô ấy cũng là một thành viên của Hội thanh niên tình nguyện trường Cao đẳng dược Phú Thọ nên hiểu rất rõ về công việc của mình, cô ấy luôn là hậu phương vững chắc giúp mình yên tâm tham gia các công tác tình nguyện.

Bạn Hiển: Theo mình nghĩ, người yêu mình hiểu mình thì sẽ không bao giờ bắt mình phải chọn giữa cô ấy và tình nguyện. Hì, mình hy vọng sẽ tìm được một bạn gái trong lúc mình tham gia các hoạt động tình nguyện, nếu bạn đó mà là thành viên của Smiles  thì càng tốt.

Quách Thị Minh Huệ, 26Tuổi,Số 63, tổ 26B, đường Điện Biên, phường Duyên Hải, TP Lào Cai: Để vận động được các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ các loại quỹ như vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa...Theo bạn làm như thế nào thì đạt được hiệu quả cao nhất?

Bạn Phấn: Theo mình việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ các loại quỹ như vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa....trước hết bạn phải hiểu và trả lời được các câu hỏi như sau: Quy chế tổ chức hoạt động của Quỹ? Ý nghĩa của chương trình vận động? Tổ chức nào là người bảo trợ? Quản lý nguồn quỹ đó, nguồn quỹ đó sẽ được sử dụng như thế nào? Ai sẽ là đối tượng hưởng lợi?...Nói chung bạn phải để họ hiểu số tiền họ ủng hộ sẽ đến được tận tay người mà họ muốn trao, mình chỉ là người giúp họ thực hiện điều đó. Mình cũng tham gia vận động nhiều nguồn quỹ  nên mình thấy đây là một cách khá hiệu quả.

Thanh, 20 tuổi, Hà nội: Quyền lợi khi tham gia các hoạt động đoàn của trường, các hoạt động xã hội.. Bạn có ý tưởng gì về 1 sự gợi mở về QUYỀN LỢI để có thể thu hút được nhiều HỌC SINH, SINH VIÊN THAM GIA ko? Quyền lợi đó theo bạn là gì?

Bạn Phấn: Hi, bạn. Theo mình, quyền lợi khi tham gia hoạt động tình nguyện, hoạt động của Đoàn của trường, các hoạt động xã hội nó rất khó để nhận ra mà nó chỉ giúp mình trưởng thành hơn trong cuộc sống cũng như nhân cách của mình được rèn luyện tốt hơn.Khi vận động các bạn học sinh, sinh viên tham gia CLB mình thường đưa ra quyền lợi như giao lưu học hỏi với các nhóm CLB khác, mở rộng các mối quan hệ, nâng cao các kỹ năng trong cuộc sống và quan trọng nhất là cảm thấy mình sống có ý nghĩa. Tuy nhiên, thường các bạn đã muốn tham gia tình nguyện thì không đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Cobebandiemvn,21Tuổi,Hà Nội: Chào Phấn, mình đuợc biết CLB của bạn đã đuợc thành lập tại 5 tỉnh, có thể cho mình hỏi: Khi tổ chức phong trào tình nguyện tại 5 tỉnh, bạn là Chủ nhiệm CLB bạn sẽ làm thế nào để điều phối tốt chương trình tại 5 tỉnh đó để đạt được hiệu quả cao nhất?

Bạn Phấn: Các chương trình tình nguyện khi triển khai tại các tỉnh, Ban chủ nhiệm CLB sẽ thành lập 1 Ban điều phối tất cả các hoạt động của các tỉnh sẽ chịu sự chỉ đạo của ban điều phối. Mọi công văn giấy tờ ban điều phối sẽ chịu trách nhiệm lo cho các tỉnh, ban đại diện tại các tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch của tỉnh mình và báo cáo thường xuyên về ban điều phối. Đấy là cách điều phối rất hiệu quả bạn ạ.

ĐG: Tớ đang là thành viên của một nhóm khác, vậy tớ có thể tham gia chương trình sắp tới của Smiles được không? Tớ có thể rủ thêm một vài người bạn tham gia cùng được không?