![]() |
Cũng có thể do vừa sinh ra con người ta đã khóc và khóc cho đến khi nào biết cười điều đó dưa đến nhận định rằng chúng ta khổ nhiều hơn sướng, bằng chứng ấy cũng có thể vận vào sự giàu nghèo được bởi người ta chỉ thống kê, lập danh mục, đưa tên tuổi điển hình và nêu số lượng người giàu trên thế giới, còn người nghèo thì có ai biết đấy vào đâu mà có đếm cũng không thể chính xác được. Không ai muốn, nhưng cái nghèo cứ đến lừ lừ như ông từ vào đền cùng rất nhiều nguyên nhân gây đói nghèo: khách quan là vì thiên tai, khí hậu, đất xấu, thất bát, tai nạn, ốm đau, bệnh tật và có những sự nghèo chẳng biết kêu ai ngoài ông trời... nhưng cũng có kẻ tự làm nghèo mình bằng sự dốt nát, lười biếng, rượu chè, hút chích, cờ bạc rồi đổ tại số đen! Tuy nghèo, nhưng phẩm cách phân chia khác hẳn: cứ theo bản năng thì đói ăn vụng, túng làm càn nhưng còn nhiều gia cảnh bất chấp bần hàn, giấy rách vẫn giữ lấy lề, cố gắng đói cho sạch, rách cho thơm, sống vật lộn bươn chải với đời để hy vọng tươi sáng sẽ trở thành hiện thực như chuyện Chử Đồng Tử gặp được Tiên Đung. Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh Dịch lý, đặt sự giàu nghèo trong vòng luân chuyến ta sẽ thấy: Nghèo sinh ra cần kiệm, Cần kiệm sinh ra giàu sang, Giàu sang sinh ra kiêu sa, Kiêu sa sinh ra nghèo hèn. Như vậy phải luôn nhớ: Giàu không tiết kiệm khó liền tay, khó không tiết kiệm khó ăn mày. Có biết thế chưa chắc đã xử thế bởi ít ai lúc có tiền nghĩ đến ngày không có tiền, đa số chỉ đến khi không còn tiền mới nghĩ lại ngày đã có tiền, có lẽ vì thế câu lên voi xuống chó luôn có ý nghĩa chăng?
Nghiền ngẫm sự giàu nghèo của một đời người đã phức tạp thế, sự phồn thịnh của cả một quốc gia càng khó khăn hơn vì dân có giàu thì nước mới mạnh được. Về chuyện này, sách Luận ngữ viết: “Người dân làm ăn có đầy đủ thì sự chi dùng trong nước mới đầy đủ, dân còn thiếu thốn thì nước lấy đâu cho đủ được”. Mạnh Tử nghĩ xa hơn về đạo đức xã hội: "Người dân có của để sinh sống mới hay giữ được tấm lòng lành, ví bằng nghèo khó, quanh năm lo cái sống không xong còn nghĩ gì đến lễ với nghĩa mà chỉ xoay sang càn rỡ, làm bậy". Tăng Tử lại phân tích: "Muốn cho trong nước được nhiều của cải thì phải có phương pháp: số người làm việc sinh lợi ngày càng nhiều, số người ăn xài phung phí càng ngày càng ít. Nhưng kẻ làm ra của phải chuyên chú siêng năng, kẻ tiêu dùng phải thư thả từ từ, như vậy tài sản đất nước sẽ dồi dào".
Cuộc đời vốn trắng đen, phải trái, đúng sai, trong đục với bao thị phi, nên sư tổ Trương Tam Phong khai sáng phái Võ Đang nói rất đúng: Làm gì cõng được miễn không thẹn với lòng mình là thanh thản! Vậy cần gì phải trau chuốt quá kỹ đôi chữ sang hèn làm chi cho mệt nên người giàu thường nghèo tri thức văn hóa và ngược lại. Và nói cho cùng giàu nghèo gì cũng dưới ba tấc đất, xấu đẹp mấy cũng đến nhắm mắt xuôi tay, cốt yếu nhất phải sống cho ra sống để: “Giàu sang không đánh mất được tâm tính. Nghèo nàn không đổi được khí tiết, Uy quyền bạo lực không làm mình nhụt chí. Như thế mới đáng bậc trượng phu.
Theo Chúng ta