Con số trên được ông Ginta Yamaguchi (giám đốc HILL Việt Nam) chia sẻ. Một vài "lát cắt" đã được Trung tâm nghiên cứu HILL ASEAN (Nhật Bản) chỉ ra trong một khảo sát công bố đầu tháng 10-2019.
“Tôi bị ràng buộc với nhà tài trợ lẫn chính mình là luôn phải đăng những tấm hình tươi sáng, tích cực, dẫu cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. V.P., một bạn trẻ là KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội)
Khát khao tạo sự khác biệt
Thực chất selfie (tạm hiểu: tự chụp hình chính mình và thường bằng điện thoại di động, hiện có thêm thuật ngữ wefie dùng diễn tả một nhóm người tự chụp chính họ) đã xuất hiện từ rất lâu và không còn đơn thuần là hoạt động lưu lại khoảnh khắc nào đó của bản thân.
Theo khảo sát của HILL ASEAN, selfie ở nhiều đối tượng thường xoay quanh các lý do chính: thu hút sự chú ý của người khác, để đạt được một mục đích nhất định, để thể hiện mình và được người khác cảm nhận bản thân theo cách nào đó.
Khảo sát được thực hiện trên 323 người ở TP.HCM và Hà Nội với ba đối tượng chính gồm giới trẻ (15-18 tuổi), phụ nữ có con (25-35 tuổi) và nam giới có thu nhập cao (35-49 tuổi với thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng) đã chỉ ra hầu hết các tấm ảnh selfie đều gặp nhau ở điểm chung là các yếu tố (tạm dịch): "động lực thúc đẩy" và "sự kết hợp".
Động lực thúc đẩy thể hiện bằng việc tại sao họ lại đăng ảnh selfie và đăng với mục đích gì, trong khi đó sự kết hợp là việc họ chụp với ai, ở đâu, biểu cảm khuôn mặt và phong cách, mất bao lâu để có một tấm ảnh đẹp...
Selfie để khác biệt hay tìm đồng cảm?
Nhiều bạn trẻ tiết lộ động lực đầu tiên và quan trọng nhất khiến họ selfie là "thể hiện vẻ đẹp và sự khác biệt của bản thân", bên cạnh đó là yếu tố "cảm thấy tự tin hơn và mong mỏi thu hút được nhiều sự chú ý từ người khác".
Có thể nói với một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt, việc nhận được sự yêu mến từ bên ngoài là một khao khát rất lớn, điều này dẫn đến việc họ thường có khuynh hướng thích đăng hình selfie, dù thừa nhận việc chụp những khoảnh khắc vui vẻ, tụ hợp cùng bạn bè cũng rất ý nghĩa, thú vị.
Giới trẻ Việt cũng có xu hướng tạo ra những sự khác biệt khi selfie bằng cách tạo ra những gương mặt "quái", "điên rồ" hay các trend (xu hướng) đang thịnh hành. Họ cũng thường chọn chụp hình tại các địa điểm nổi tiếng hoặc phổ biến trong cộng đồng đang sống vì theo họ, điều đó giúp bản thân "cool" (ngầu) hơn với bạn bè đồng trang lứa.
Trần Ngọc Thúy (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết bạn không ngạc nhiên với kết quả khảo sát trên. Tuy nhiên, Thúy bổ sung: "Sẽ khá khó để biết một người nào đó thật sự đang nghĩ gì khi chỉ thông qua các dòng tâm trạng hoặc những tấm hình selfie, vì cá nhân tôi nhận thấy bản thân thường hơi "làm quá" cảm xúc của mình lên trên mạng xã hội. Chẳng hạn, khi hơi buồn thì tôi sẽ đăng hình nỗi buồn thật long lanh, còn khi chỉ hơi vui mà chúng tôi vẫn cố gắng tỏ ra rất hạnh phúc".