Giới trẻ Việt Nam trong mắt một thanh niên Mỹ: Kỳ II Lỗ thủng thế hệ

(CTG) Kể từ năm 2005 đến bây giờ thì tôi luôn gọi Hà Nội là “phía tây hoang dã” như thể nước Mỹ mấy trăm năm trước. Khi mà những người trẻ nói chung, đặc biệt 9x nói riêng, không tuân theo quy định pháp luật. Tôi đang nói về thái độ và ý chí của nhiều người trẻ...

Có bao nhiêu người trẻ thích xe đạp độ sành điệu? Ảnh: Internet

Những ai đã đến Việt Nam đều có nhiều nhận xét tốt và ấn tượng với người trẻ, thế hệ sinh ra sau ngày 30/4/1975. Theo tôi, giai đoạn này xuất hiện nhiều cơ hội rất tốt cho người trẻ để họ giúp đỡ cho sự tiến bộ của con người lẫn đất nước Việt Nam.

Trẻ - cơ hội

Mọi người ở Hà Nội còn nhớ cách đây khoảng vài năm khi xuất hiện những thanh niên đạp xe đạp đuôi. Nó không chỉ phản ánh phong cách của thế hệ 9x ở Việt Nam mà còn thể hiện sự đam mê của họ. Điều đó nâng cao hy vọng về sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập của một thế hệ được coi là nguồn lực của quốc gia.

Hình như họ “chơi không sợ mưa rơi” thật, và họ có thái độ tự do hơn, có thể sáng tạo một hoàn cảnh mới thú vị nào đó. Họ sẵn sàng bỏ ra hơn triệu đồng để mua chiếc xe đạp này, kèm theo là những chi phí cao ngất ngưởng đối với lứa tuổi học sinh: nào loa, nào ắc quy, nào điều khiển MP3... rồi thậm chí thay cả “áo” cho những con “ngựa sắt” của mình sao cho thật độc đáo, khác người...

Họ có thể gắn thêm vào xe những bộ đèn lead nhấp nháy chói mắt, hay lông vũ sặc sỡ hoặc vô số những thứ cầu kỳ, hoa lá, màu mè khác kèm theo những âm thanh, bài hát sôi động, gây náo loạn đường phố. Rồi lại cả “biển số xe” nữa chứ! Nào là “PC 14 cơ động”, hay “Thân phận con nhà nghèo”, hoặc “Cún xinh kiêu”...

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy có một lực lượng lớn người trẻ tham gia các trung tâm tiếng Anh. Học tập giỏi đương nhiên là tốt mà quan trọng nhất là sự hòa nhập với toàn cầu, chủ yếu qua ngôn ngữ tiếng Anh.

Trẻ - thái độ, xu hướng

Kể từ năm 2005 đến bây giờ thì tôi luôn gọi Hà Nội là “phía tây hoang dã” như thể nước Mỹ mấy trăm năm trước. Khi mà những người trẻ nói chung, đặc biệt 9x nói riêng, không tuân theo quy định pháp luật.

Tôi đang nói về thái độ và ý chí của nhiều người trẻ. Báo chí ca ngợi thế hệ trẻ biết tự lập sớm. Nhưng trong số đó lại có những anh hùng xa lộ, không mũ bảo hiểm, cân năm cân ba. Mọi người nhìn họ với thái độ lo âu vì sau đó dẫn đến việc họ sẽ chơi bời lang thang rồi làm những điều không tốt, không văn hóa.

Những hiện trạng này liên quan đến những xu hướng sành điệu, khiến họ không còn biết nhiều và thiếu sự tôn trọng những bản sắc văn hóa truyền thống. Nói chung, kiểu sống và phong cách của những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc những người đến từ tỉnh khác đều đang bị ảnh hưởng bởi phương Tây.

Có thể thấy rõ những xu hướng mới mẻ nổi lên nhanh như chớp. Chẳng hạn mùa hè năm 2009, xuất hiện một mốt mới và lan tràn nhanh như việc “đốt tiền âm phủ”.

Nó là quần soóc màu trắng hở hang, khêu gợi lắm. Thật ra họ nghĩ họ mặc như vậy là giống Tây, đúng là ở Tây cũng có những người mặc như thế. Hay như mùa xuân năm ngoái có nhiều cô bé cũng theo một mốt mới là mặc quần mầu tím. Nó có vẻ bình thường mà thật ra rất buồn cười! Vì tất cả đều là sự bắt chước!

Trẻ - lịch sử dân tộc

Vấn đề lớn nhất đối với người trẻ khiến cho tôi lo lắng là những nhận thức về lịch sử của các bạn. Nhìn chung suy nghĩ của giới trẻ về đất nước Việt Nam hạn chế hơn so với thế hệ trước.

Văn hóa nước ngoài, sự sính ngoại và những khuynh hướng từ các nước khác đã và đang dần bao phủ khắp môi trường sống ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Họ có thể dễ dàng ghi nhớ hàng chục tên các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới nhưng lại chỉ dành ra một tí trí nhớ để ghi nhớ tên các anh hùng và sự kiện lịch sử.

Lỗ thủng được rót đầy thế nào?

Khả năng sáng tạo ra một xã hội hiện đại là vô cùng khó vì một khi người dân ít biết về lịch sử thì đương nhiên sự nối tiếp giữa hai khoảng thời gian quá khứ - hiện tại sẽ tạo ra một khoảng trống (lỗ thủng). Khi đề cập tới văn hóa truyền thống của Việt Nam, nhiều bạn trẻ thờ ơ, không hứng thú; ngược lại có rất nhiều người nước ngoài lại quan tâm tìm hiểu.

Buồn thay, giới trẻ ngày nay, đặc biệt ở Hà Nội, đang đi theo những xu hướng mới như chơi nhạc rock, hip-hop hay thậm chí những loại nhạc nhạt nhẽo, ca từ nhảm nhí mà không biết nhiều đến âm nhạc đích thực như những bài hát dân gian, quan họ hay nhạc cổ điển...

Người Việt Nam đang được tiếp xúc và làm quen với những xu hướng mới, cách sống mới của các đất nước khác. Điều này ít nhiều cũng đang tạo ra lỗ thủng trong nhận thức của thế hệ trẻ người Việt. Chẳng hạn phim Hàn Quốc mang đến những câu chuyện tình cảm, lãng mạn một cách không có thực. Hay như những bộ phim phương Tây thể hiện cách giao tiếp bình đẳng giữa các thế hệ...

Và những người trẻ của Việt Nam cũng học tập theo mà không có sự chọn lọc, đánh giá. Liệu những ý nghĩa giáo dục ẩn sâu trong các chương trình truyền hình ấy họ có nhìn ra không hay chỉ nhìn thấy những hình ảnh phù phiếm thuộc bề nổi rồi copy, sao chép lại. “

Lỗ thủng được rót đầy thế nào” vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp rõ ràng. Câu trả lời cần có sự tác động và thái độ của toàn xã hội và quan trọng nhất là thái độ và nhận thức của thế hệ trẻ các bạn.

 Theo Tien phong