Vốn quen tham gia các hoạt động thể dục-thể thao, các hoạt động ngoại khóa từ bậc tiểu học nên cậu bé đã phần nào thất vọng khi suốt thời gian từ khai giảng tới nay, nhà trường hầu như không tổ chức các hoạt động gì khác cho học sinh ngoài việc học và ôn luyện học sinh giỏi! Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3 vừa qua, trong khi nhiều trường bạn tưng bừng tổ chức các hoạt động thể thao, ngoại khóa bổ ích, thiết thực thì trường “chất lượng cao” của cậu bé vẫn “im hơi lặng tiếng” khiến cháu than thở với bố rằng: “Tại sao trường chất lượng cao mà chỉ thấy học và học, không có một hoạt động nào khác hả bố?”.
Bạn tôi giật mình khi nghe con nói. Quả thật, trường chất lượng cao đâu phải chỉ có mỗi việc học mà rất cần các hoạt động ngoại khóa, các trận đấu bóng đá, cầu lông... các sân chơi bổ ích cho học sinh để các em được vui chơi, rèn luyện, có cơ hội phát triển toàn diện.
Ảnh minh họa. |
Tập trung vào việc dạy học, đào tạo ra nhiều học sinh giỏi các môn văn hóa, giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ vào các trường THPT chuyên cao... là mục tiêu quan trọng của các trường THCS chất lượng cao, nhưng rõ ràng đó chưa phải tất cả. Mục tiêu của giáo dục phổ thông đã được nêu rõ trong Luật Giáo dục năm 2019 là “nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo”. Nếu như ở trường, học sinh chỉ suốt ngày quay cuồng với những môn học văn hóa, những buổi ôn luyện học sinh giỏi căng thẳng mà thiếu vắng các hoạt động vui chơi, thể dục-thể thao, các hoạt động ngoại khóa... thì sẽ không thể thực hiện được mục tiêu này và người chịu thiệt thòi nhất chính là các em học sinh-thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Mỗi trường chất lượng cao phải là một hình mẫu không chỉ về thành tích giáo dục-đào tạo mà còn phải đi đầu về các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, các hoạt động ngoại khóa bổ ích... để học sinh được vui chơi giải trí, phát huy năng lực, sở trường, phát triển toàn diện, rèn luyện đức-trí-thể-mỹ”. Muốn thế, trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường cùng các tổ chức đoàn, đội, đồng thời cần sự phối hợp tích cực, đồng hành hiệu quả của các bậc phụ huynh.
Theo QDND |