Trên trang thông tin của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh vừa công bố chào đón 96 nhà sáng tạo từ 14 quốc gia, trong đó có 76 thành viên tham gia chương trình khởi nghiệp toàn cầu LIF Global và 20 thành viên gia nhập chương trình nâng cao, tập trung vào mở rộng quy mô quốc tế.
PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021 và TS. Phạm Huy Hiệu - Giảng viên trường Đại học VinUni, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 đã được đánh giá cao nhờ những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ và y tế, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững, hỗ trợ cộng đồng thông qua sáng tạo đổi mới.
Theo đó, hai nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ tham gia các chương trình đào tạo chuyên biệt, cố vấn và xây dựng mạng lưới kết nối quốc tế nhằm đưa những ý tưởng đột phá của mình ra thị trường và tối đa hóa tác động toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số đại diện khác đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và y tế.
|
96 nhà sáng tạo từ 14 quốc gia, trong đó có 76 thành viên tham gia chương trình Leaders in Innovation Fellowships (LIF) của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh 2025. Ảnh: Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh.
Kể từ khi triển khai tới nay, chương trình LIF đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc tạo ra hơn 9.700 việc làm chuyên môn cao, huy động hơn 489 triệu USD vốn đầu tư, và đăng ký hơn 1.700 tài sản trí tuệ. Với sự tham gia của PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng và TS. Phạm Huy Hiệu cùng các nhà khoa học, Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Chương trình này cũng là cơ hội để những nhà lãnh đạo trí thức trẻ Việt Nam thể hiện năng lực và đóng góp thiết thực vào việc giải quyết các thách thức xã hội và kinh tế, đồng thời thúc đẩy tầm nhìn quốc gia hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).
Trước đó, để được tham gia chương trình học bổng dành cho các nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo (LIF), các ứng viên phải có sản phẩm đổi mới đạt trình độ công nghệ từ cấp độ 4 trở lên và phải cung cấp bằng chứng về nguyên mẫu trong đơn đăng ký.
Sản phẩm đổi mới của người nộp đơn có thể thuộc lĩnh vực công nghệ hoặc dịch vụ mới, dựa trên nghiên cứu về kỹ thuật được định nghĩa theo nghĩa rộng nhất để bao hàm nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, đổi mới phải có tiềm năng mang lại lợi ích cho quốc gia của người nộp đơn hoặc các nước đang phát triển khác về mặt cải thiện phúc lợi xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, và phải đóng góp vào một hoặc nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
|