Hai sinh viên chế tạo thiết bị luyện tập phục hồi khớp khuỷu tay

(CTG) Với mong muốn giúp các bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe thông qua thực hành vật lý trị liệu, hai sinh viên đã lên ý tưởng và chế tạo thành công thiết bị luyện tập phục hồi chức năng khớp khuỷu tay thụ động.

Với sáng kiến này, Vũ Thọ và Ngô Hoàng Lâm đã đạt giải ba Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24”.

Ý tưởng đột phá

Trong thời gian thực tập tại Viện Vật lý y sinh học (Q.1, TP.HCM) vào đầu tháng 3.2022, Vũ Thọ và Ngô Hoàng Lâm, sinh viên lớp kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận thấy tại viện có nhiều bệnh nhân gặp chấn thương về tay nhưng số lượng máy tập vật lý trị liệu lại khá hạn chế, nên cả hai bắt đầu lên ý tưởng chế tạo sản phẩm này.

Hai sinh viên chế tạo thiết bị luyện tập phục hồi khớp khuỷu tay  - ảnh 1

Vũ Thọ hướng dẫn vận hành thiết bị tập luyện. THƯỢNG HẢI

“Tụi mình thấy nhiều thiết bị hỗ trợ vật lý trị liệu đa số là ngoại nhập…, tuy có độ hoàn thiện và công nghệ hoàn chỉnh nhưng giá rất cao mà số lượng lại không đủ phục vụ bệnh nhân. Bên cạnh đó, mỗi khi các thiết bị hư hỏng phải gửi về nơi sản xuất để bảo dưỡng nên gặp nhiều bất cập”, Vũ Thọ cho hay.

Mình mong muốn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm như thế này để có thể đóng góp thêm cho ngành y, vì sức khỏe rất quan trọng. Mình sẽ cố gắng đóng góp hết sức để giúp các bệnh nhân được tiếp cận với những thiết bị y tế có giá thành rẻ mà hiệu quả.

NGÔ HOÀNG LÂM, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Từ những vấn đề đó, Thọ và Lâm đặt ra mục tiêu nghiên cứu chế tạo thiết bị có giá thành phải rẻ hơn, dễ sử dụng hơn và đặc biệt phải tích hợp các phần mềm giúp bác sĩ có thể theo dõi và hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.

Hoàng Lâm chia sẻ: “Trong quá trình thực tập, tụi mình thấy một bác sĩ có quá nhiều bệnh nhân, họ không thể cứ chạy đi chạy lại từng giường bệnh để hỗ trợ hiệu quả được; nên để giảm thiểu áp lực cho bác sĩ, mình sẽ khắc phục bằng cách cho thiết bị kết nối internet và bác sĩ có thể theo dõi được nhiều bệnh nhân luyện tập cùng lúc qua màn hình điện thoại, máy tính”.

Sau hơn 3 tháng nghiên cứu, hai sinh viên đã chế tạo thành công thiết bị luyện tập phục hồi chức năng khớp khuỷu tay thụ động với cơ chế chuyển động của hai động cơ điện gắn với giá đỡ. Khi vận hành, bệnh nhân đặt cánh tay cố định lên giá đỡ, máy sẽ kiểm tra góc duỗi tay và góc gập với thông số được hiển thị trên màn hình điện thoại, sau đó chỉ cần nhấn nút là máy sẽ tự tập luyện tay cho bệnh nhân.

“Ưu điểm của thiết bị này là rất dễ sử dụng, bệnh nhân và bác sĩ có thể tùy chỉnh tốc độ và theo dõi các thông số rất đơn giản. Thông qua ứng dụng điện thoại hỗ trợ được bọn mình lập trình, máy có thể được kết nối với nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính… tiện cho bác sĩ trong việc theo dõi và xác định được tình hình tập luyện từ xa mà không cần gặp trực tiếp bệnh nhân”, Vũ Thọ phân tích.

Ngoài ra, thiết bị còn có một nút bấm khẩn cấp phòng trường hợp trong quá trình tập luyện bệnh nhân bị đau hay có vấn đề cần cảnh báo thì hệ thống sẽ cho máy tạm dừng và gửi thông báo đến bác sĩ để hỗ trợ kịp thời.

Hai sinh viên chế tạo thiết bị luyện tập phục hồi khớp khuỷu tay  - ảnh 2

Vũ Thọ và Ngô Hoàng Lâm, hai sinh viên chế tạo thiết bị tập luyện phục hồi chức năng khớp khuỷu tay thụ động. THƯỢNG HẢI

Các công ty thiết bị y tế liên hệ hợp tác

Để hoàn thiện sản phẩm, hai sinh viên đã mất nhiều thời gian nghĩ ra ý tưởng và phải đối mặt rất nhiều khó khăn như: vẽ bảng thiết kế, tìm nguồn mua vật tư, vận dụng kiến thức y sinh và kỹ thuật lập trình. Đồng thời tìm hiểu, quan sát kỹ các thiết bị ngoại nhập tại nơi thực tập đến từng… cái bánh răng, để chế tạo ra được thiết bị ưng ý.

“Tụi mình đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu những điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm khác. Thật sự mình không đếm được bao nhiêu lần thử nghiệm vì sau khi cố gắng làm xong phần cứng lại chuyển qua tập trung cho phần mềm; mỗi lần viết một đoạn lập trình là cho chạy thử nghiệm ngay rồi chỉnh sửa. Có lúc bị rơi vào thế bí mà không thể giải quyết được, mình muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ các thầy, các anh tại Viện Vật lý y sinh học hỗ trợ nên giảm bớt được căng thẳng”, Vũ Thọ bộc bạch.

Ông Đặng Vũ Hoàng, Phó trưởng ngành vật lý y sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Sáng kiến này trước mắt đã đạt yêu cầu tối thiểu của một công cụ hỗ trợ vật lý trị liệu như: động cơ, bộ lập trình điều khiển và góc tập được thiết kế khá phù hợp với thực tiễn điều trị; trong tương lai nếu cải tiến hoàn chỉnh có thể đưa ra thị trường”.

Hiện tại đã có nhiều công ty trong lĩnh vực thiết bị y tế liên hệ Thọ và Lâm để mở rộng, phát triển sản phẩm. Cả hai hy vọng trong tương lai thiết bị có thể cải thiện thêm về chất lượng và hướng tới việc trở thành một thiết bị đa năng có thể giúp bệnh nhân tập nhiều khớp khác nhau. Ngoài ra, sẽ tích hợp thêm hệ thống kết nối với bệnh viện như nhận thông tin bệnh nhân, hồ sơ bệnh án, nhật ký luyện tập… giúp quá trình phục hồi của người bệnh tốt hơn.

“Mình mong muốn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm như thế này để có thể đóng góp thêm cho ngành y, vì sức khỏe rất quan trọng. Mình sẽ cố gắng đóng góp hết sức để giúp các bệnh nhân được tiếp cận với những thiết bị y tế có giá thành rẻ mà hiệu quả”, Hoàng Lâm khẳng định.

Theo TN