Cán bộ Huyện đoàn Lang Chánh (Thanh Hóa) tham quan mô hình sản xuất ống hút bằng nứa tép ở xã Tân Phúc.
Tự tin vượt khó khăn
Theo con đường trải đá dăm trộn lẫn đất pheralit vàng đỏ chạy xuyên qua những thảm rừng luồng, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất than hoạt tính của hai thanh niên Lê Đức Thiếp và Lê Đức Bình ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Vinh, sau hai năm làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, Lê Đức Thiếp quyết định về quê lập nghiệp. Huyện Lang Chánh có hơn 11 nghìn ha luồng, nhưng chủ yếu chỉ khai thác theo phương thức bán cây cho nên giá trị thu nhập thấp.
Trên địa bàn huyện cũng có một số cơ sở chế biến đũa, bột giấy nhưng chỉ là quy mô nhỏ, với công nghệ lạc hậu, trong sản xuất thường lãng phí nguyên liệu, gây ô nhiễm nguồn nước. Lê Đức Thiếp đến tỉnh Hòa Bình học quy trình kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm của ông Nguyễn Thanh Hải, người Việt Nam đầu tiên sản xuất, xuất khẩu than hoạt tính ra nước ngoài. Sau khi thuê được hơn năm nghìn m2 đất giữa thung lũng hẹp, anh Thiếp xây nhà xưởng, lò đốt; bỏ ra 130 triệu đồng mua luồng để sản xuất than hoạt tính.
Một năm trôi qua như thoáng chốc, chuyện khởi nghiệp gặp thất bại liên tiếp, anh đành bán hết thành phẩm cho nhà máy phân bón. Cuối cùng, anh Thiếp phải “cầu cứu” nhân viên của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) và ông Nguyễn Thanh Hải trực tiếp đến xưởng hướng dẫn, hỗ trợ làm chủ công nghệ, kỹ thuật sản xuất than hoạt tính. Đồng hành trong khâu hỗ trợ quảng bá, kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, còn có cậu em trai là Lê Đức Bình. Nhờ đó, anh nhanh chóng làm chủ công nghệ, kỹ thuật sản xuất, tìm được các đối tác, xuất khẩu than hoạt tính sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài sản xuất than hoạt tính, những tháng đầu năm nay, hai anh em Thiếp và Bình còn cải tiến máy chế biến lâm sản, tổ chức sản xuất ống hút nước uống bằng nứa tép để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số quốc gia châu Á. Cơ sở sản xuất của hai anh em Thiếp, Bình hiện tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức lương bình quân hằng tháng khoảng 4,5 triệu đồng/người và khoảng 15 lao động thời vụ với mức thu nhập 180 nghìn đồng/ngày công.
Anh Thiếp nhẩm tính: “Mỗi tấn luồng nguyên liệu, tôi mua vào với giá 1,2 triệu đồng, chế biến được 200 kg than hoạt tính với doanh thu 44 triệu đồng. Ngoài ra, mắt luồng thải loại ở các cơ sở sản xuất đũa có thể tận dụng để chế biến than hoạt tính, làm ống hút thay thế ống hút nhựa, vừa tiết kiệm, vừa nâng cao giá trị lâm sản và bảo vệ môi trường”. Không chỉ sản xuất tốt, hai anh em Thiếp, Bình còn hướng dẫn quy trình, kinh nghiệm sản xuất cho nhiều thanh niên khác trên địa bàn tỉnh, hình thành mạng lưới khởi nghiệp với các sản phẩm từ cây luồng, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường.
Sinh ra, lớn lên ở xã Trung Thành và xã Trung Ý (huyện Nông Cống), người theo học sư phạm, người nỗ lực học tập, rèn luyện, trở thành kỹ sư xây dựng nhưng Lê Trường Tùng và Hoàng Ngọc Hà cùng sớm có khát vọng khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng thiết bị giáo dục, đầu tư xây dựng và phát triển thương mại. Khắc phục những khó khăn trên bước đường lập nghiệp, gần đây hai thanh niên góp vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, thành lập Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành. Cùng với việc thuê 5.000 m2 xây dựng cơ sở sản xuất, nhà điều hành, mua sắm dây chuyền chế biến dứa đóng hộp; doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng dứa, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 4 ha đất của nông dân để trồng ngô ngọt. Hiện cơ sở sản xuất tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động, đạt thu nhập hơn 3 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng và 160 lao động thời vụ đạt thu nhập bình quân gần 200 nghìn đồng/ngày công.
Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách tích tụ đất đai cùng chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chế biến ngô, cà chua, dưa bao tử, chế biến dứa gai xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi giá trị, Lê Trường Tùng và Hoàng Ngọc Hà tiếp tục đầu tư dây chuyền chế biến sâu nông sản tự động đồng bộ. Với 17 ha trồng dứa, ngô không đủ sản lượng nguyên liệu cho cơ sở chế biến dứa xuất khẩu cho nên doanh nghiệp mở rộng thị trường thu mua, bao tiêu dứa cho nông dân; tiếp tục hợp tác với nông dân trồng ngô ngọt, dưa bao tử, cà chua, dứa nguyên liệu, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Gắn bó với đất làng
Cách đây hơn 10 năm, ở thôn Đào Xá, xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động (Hưng Yên), có một thanh niên đã tự tay chặt bỏ những gốc nhãn lồng xum xuê trong vườn nhà để gieo trồng thanh long ruột đỏ. Ở thời điểm những năm 2008-2009, cây thanh long nói chung hay thanh long ruột đỏ nói riêng hầu như chưa xuất hiện tại thị trường miền bắc. Chẳng vậy mà, hành động lạ lùng của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phóng đã khiến bà con làng xóm vô cùng ngạc nhiên, có người còn bĩu môi chê anh là “dở người”.
“Vạn sự khởi đầu nan”, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên ở Hưng Yên của anh Phóng gặp khó khăn chồng chất. Mỗi lần chọn giống thanh long, anh phải lặn lội đến các nhà vườn ở khắp các tỉnh miền nam. Nhưng vì các loại giống thanh long ngày đó vẫn chưa hợp khí hậu miền bắc, cho nên vườn cây của anh thường xuyên thất bát, mất mùa. Lần đầu khởi nghiệp, anh trồng khoảng 100 trụ thanh long, nhưng cuối vụ thì chỉ có vài trụ cho ra quả. Chỉ tính riêng khoản chi phí mua giống cũng đã mất từ 60 đến 70 triệu đồng. Số vốn liếng tích cóp bao lâu nay mất trắng. Vậy nhưng, thất bại ngay lần “thử sức” đầu tiên này không làm anh Phóng nản chí. Trái lại, chàng trai khi ấy mới 25 tuổi vẫn quyết định thế chấp nhà, vay vốn ngân hàng để làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm “xương máu”, anh chia vườn trồng nhiều loại giống thanh long khác nhau và kết hợp thêm mô hình chăn nuôi ba ba nước ngọt. Năm ấy, thành công bước đầu đã đến khi đàn ba ba nước ngọt của vợ chồng anh Phóng nở đều, nhiều trụ thanh long ruột đỏ cũng ra quả xum xuê.
Sự nhạy bén và khả năng nhìn xa trông rộng đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Phóng nghiên cứu thêm nhiều giống thanh long mới. Anh đã tự tay cải tạo được một giống thanh long ruột đỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác miền bắc nói chung và Hưng Yên nói riêng. Không những vậy, trong trại thanh long của anh còn đi tiên phong ở các tỉnh miền bắc về chuyển đổi từ cách trồng trụ truyền thống sang mô hình trồng giàn với năng suất vượt trội, thời gian thu hoạch giảm từ một năm xuống còn tám tháng. Những khoản nợ ngân hàng dần được trả hết, anh lại bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo hệ thống trộn, tưới phân bón tự động dùng năng lượng mặt trời; trồng xen kẽ thêm nhiều loại cây ăn quả mới, có tiềm năng như mít thái, mãng cầu xiêm, bơ bút...
Hiện tại, trang trại thanh long ruột đỏ của anh Phóng có năng suất 50 đến 60 tấn/năm, cho doanh thu khoảng hơn 1,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương. Anh đã vận động một số thanh niên trong thôn thành lập Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ và thương mại Học Phát với sản phẩm mũi nhọn là thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, cung ứng trang thiết bị cho hàng chục nhà vườn, trang trại tại Hưng Yên và các tỉnh lân cận, tạo thành một hệ thống nuôi trồng thanh long khép kín.Trao đổi với chúng tôi, “nhà nghiên cứu chân đất” Nguyễn Văn Phóng cho biết đang theo đuổi ý tưởng xây dựng một khu vườn thanh long ruột đỏ kiểu mẫu, phát triển mô hình du lịch vườn cây ăn quả vốn rất được ưa chuộng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Lâm Đồng, khi nhắc đến câu chuyện khởi nghiệp, nhiều người nhớ ngay cái tên quen thuộc Phan Thanh Sang (35 tuổi), chủ trang trại hoa lan YSA Orchid. Là người con sinh ra ở xứ nghìn hoa Đà Lạt, trong gia đình nhà nông, từ nhỏ Phan Thanh Sang đã dành cho hoa một tình yêu lớn. “Cách đây hơn 20 năm, ngay ở xứ hoa này chưa có ai trồng phong lan thương phẩm. Nhờ xác định ngay từ đầu, mình đã chọn loài hoa này để lập nghiệp”, Sang tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp ngành nông lâm, Trường đại học Đà Lạt, Sang đã dành dụm xây dựng được một vườn lan nhỏ tại nhà, đặt nền móng ban đầu cho quá trình khởi nghiệp. Phan Thanh Sang cho biết: “Khi khởi nghiệp, khâu đầu tiên phải nghĩ đến là ý tưởng, sau đó là nguồn vốn. Mình phải có định hướng, kế hoạch rõ ràng từ đầu và quan trọng là làm sao để nhiều người đặt niềm tin, hỗ trợ”. Từ cơ ngơi khiêm tốn những ngày đầu lập nghiệp, giờ đây Phan Thanh Sang đã có ba trang trại trồng lan công nghệ cao tại Đà Lạt, huyện Đơn Dương và tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích hơn 10 ha, doanh thu 60 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 80 lao động. “Mình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng phòng thí nghiệm bài bản chuyên lai tạo, nghiên cứu và bảo tồn các giống hoa lan quý. Sau khi phát triển ổn định tại thị trường trong nước, YSA Orchid sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là các bạn trẻ”, Sang chia sẻ.
Hiện Phan Thanh Sang đang là Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Lâm Đồng, anh luôn đau đáu tìm cách cùng với tổ chức, địa phương hỗ trợ cho các thanh niên trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình. Trong không gian ngập tràn sắc hoa của YSA Orchid, Sang dành một không gian để lập “vườn ươm khởi nghiệp” giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Lâm Đồng, cùng các thông tin cụ thể để tạo cơ hội hợp tác, quảng bá. Theo Phan Thanh Sang, sau khi ý tưởng khởi nghiệp đã thành hiện thực, nên chú trọng xây dựng thương hiệu, đó là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Theo T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trên cả nước, còn rất nhiều tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, lập nhiều thành tích xuất sắc, sẵn sàng gắn bó với mảnh đất quê hương cho dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí là thất bại. Và họ đã thành công. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải thanh niên nông thôn nào cũng có thể thu được kết quả như vậy bởi bản thân và gia đình thiếu rất nhiều “hành trang” để lập nghiệp.
Theo ND
.