Cô giáo hướng dẫn và hai học sinh sáng chế thuyền phun. Ảnh: DUY TÂN |
Đây là sản phẩm do hai em Ngô Nguyễn Hoàng Anh và Võ Thị Xuân Mai, học sinh lớp 9A3 Trường THPT Cây Dương (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), sáng chế.
Để hoàn thiện sản phẩm, hai em đã vận dụng kiến thức được học và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng. Thiết bị được tích hợp sử dụng pin năng lượng mặt trời, bộ sạc trữ điện; 2 ắc quy; bộ phận phun thuốc gồm: ống nhựa hút nước, van điều chỉnh, lược nước, khay chứa thuốc, mô tơ trộn, vòi phun... Nguyên lý hoạt động là sau khi bật công tắc khởi động, bộ thu có nhiệm vụ giải mã tín hiệu (xử lý thông tin) và điều khiển thiết bị, như: phun thuốc, rẽ trái, rẽ phải... Khi mô tơ chạy, nước sẽ dẫn lên 2 ống dẫn. Ống thứ nhất gắn một lưới lọc để nước qua bút đo độ pH, đo nhiệt độ, tiếp tục qua ống đồng để làm mát mô tơ và thải ra ngoài bằng ống cao su. Ống thứ hai cung cấp nước và lấy thuốc trong khay thông qua công tắc điều chỉnh. Thuốc được hút vào mô tơ trộn, sau đó đẩy hỗn hợp ra các vòi và phun ra ao.
Chị Võ Thị Ngọc Nghĩa (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) kể: “Thời gian qua tôi có sử dụng thiết bị phun thuốc điều khiển tự động của các em để chăm sóc cá trong 2 ao nuôi. Thiết bị có 3 vòi phun nên rất tiện dụng, có thể phun đều khắp mặt ao, vừa giảm được công lao động vừa bảo vệ sức khỏe”.
Cô Bùi Thị Ngọc Thúy, giáo viên hướng dẫn cho Xuân Mai và Ngọc Anh, nhận xét: “Mặc dù mới học lớp 9 nhưng các em có sự sáng tạo rất cao khi nghiên cứu và lắp ráp thiết bị. Hơn nữa, giá thành của sản phẩm cũng khá hợp lý, với khoảng 2,5 triệu đồng/thuyền thì phù hợp túi tiền của người nông dân”.
Thiết bị đã giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang năm 2018. Hiện sản phẩm được thử nghiệm tại một số ao nuôi cá ở địa phương và được đánh giá cao. Thời gian tới, Xuân Mai và Ngọc Anh dự định cải tiến thành máy phun thuốc cho ruộng, rẫy để giúp người nông dân giảm nhẹ công chăm sóc và giảm chi phí sản xuất.
Theo TN