Hành trình về với miền Trung
Cả một dải miền Trung lũ chồng lên lũ, khiến cho hàng trăm người chết và mất tích, hàng ngàn tỷ đồng trôi theo lũ, nhà cửa đổ sập, giao thông nhiều nơi bị chia cắt…Chưa bao giờ người dân nơi đây chứng kiến trận lũ lụt kinh hoàng đến thế.
Kịp thời chia sẻ với người dân vùng lũ, Đoàn công tác của Hội LHTN Việt Nam, Ban Thanh niên Quân đội và Ban Từ thiện – Xã hội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến các địa phương thăm hỏi và cứu trợ bà con nhân dân.
![]() Vượt đập tràn, mang hàng cứu trợ cho nhân dân xã Ân Phú và Đức Giang (huyện Vũ Quang) |
Hà Tĩnh sáng ngày 23/10. Đoàn công tác đến cứu trợ bà con nhân dân xã Ân Phú và Đức Giang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Mặc dù mưa lũ đã qua được gần 1 tuần, nhưng đường đi vào các địa phương vẫn còn bị ngập. Hai bên đường, dấu vết của trận lũ lụt vẫn còn hằn in trên các bụi cây, bùn đất nhão nhoét. Đập tràn ranh giới giữa huyện Hương Sơn và Vũ Quang nước chảy cuồn cuộn. Đoàn công tác phải mang hàng cứu trợ lội qua dòng nước lũ vào xã Ân Phú. Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban Thanh niên Quân đội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: Để hàng cứu trợ đến tay bà con nhân dân sớm nhất, Ban Thanh niên Quân đội đã điều động xe tải chở hàng từ Hà Nội vào và lập “tổng hành dinh” tại Nghệ An sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Vượt qua chặng đường khó khăn vào đến trụ sở UBND xã Đức Ân, hàng trăm người dân mệt mỏi, bơ phờ đang chờ đợi, nỗi mệt nhọc đều tan biến. Ông Trần Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết: Xã có 487/512 hộ bị ngập nặng, trong đó có 350 hộ bị mất hết tài sản. Khi lũ về, bà con chỉ còn biết chạy lên núi vì nước lên nhanh quá. Xã đã chủ động trích nguồn kinh phí mua 100 thùng mì tôm cùng với 400 thùng mì tôm của huyện kịp thời cứu đói đối với các hộ, các gia đình không còn lương thực. Tuy nhiên cái ăn chỉ đủ trong vài ngày, còn các cháu vẫn chưa thể đến trường…Còn xã Đức Giang có tới 580/825 hộ bị ngập, trong đó có 450 hộ bị ngập nặng mất hết tài sản. Ông Nguyễn Minh Vinh, Chủ tịch xã Đức Giang cho biết: Hiện tại, xã vẫn còn 20 hộ ở thôn Bằng Giang và Cẩm Trung bị ngập.
![]() Chuyển hàng cứu trợ cho bà con nhân dân xã Ân Phú |
Đoàn công tác đã chuyển đến bà con nhân dân xã Ân Phú và Đức Giang 400 phần quà gồm chăn ấm, rau xanh cùng 240 thùng bánh mì và 100 thùng mì tôm. Hiểu rõ mong muốn của bà con nhân dân địa phương không có rau xanh, Đoàn công tác đã vận chuyển 4 tấn củ, quả từ Hà Nội vào cứu trợ bằng xe của lực lượng Quân đội.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác tiếp tục cứu trợ 2 xã Sơn Thủy và Sơn Mai 400 phần quà gồm chăn ấm, 4 tấn củ quả và nhu yếu phẩm gồm đường , bột canh và dầu ăn, 80 thùng bánh mì và 100 thùng mì tôm cho xã Xuân Long. Tại xã Sơn Thủy, Đoàn công tác đã đến viếng và thăm hỏi gia đình em Đoàn Hiệp Đồng (15 tuổi), ở thôn Cao Sơn. Trên đường đi học, em không may bị chết đuối. Thay mặt Đoàn công tác, anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam động viên gia đình vượt qua mất mát, khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống.
|
Quảng Bình ngày 24/10. Từ sáng sớm, Đoàn công tác đã cử người đón những chuyến xe của lực lượng Công an chở hàng cứu trợ từ Hà Nội vào. Tạm biệt Hà Tĩnh, Đoàn công tác lên đường đến với bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình. 3 giờ chiều, Đoàn công tác có mặt tại trụ sở UBND xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hàng trăm người dân với phiếu lĩnh hàng cứu trợ trên tay đã tập trung đứng đợi. Đoàn viên, thanh niên địa phương cùng với thành viên trong Đoàn công tác nhanh chóng chuyển hàng xuống để phát cho bà con. Anh Lê Quốc Dũng, Bí thư Đoàn xã cho biết: Lũ chồng lên lũ, toàn xã có 8 thôn với gần 2.000 hộ có 1.800 hộ bị ngập nặng mất trắng. Các em giờ không có sách vở học, đồ dùng sinh hoạt không có”. Đoàn công tác đã chuyển 300 suất quà gồm chăn ấm, củ quả với trị giá 400.000đồng/suất cho bà con nhân dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Thiều ở thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh hồ hởi: Nhà tui ngập hết, heo gà chết hết. Được cứu trợ cũng đỡ đi phần nào. Bây trừ chỉ mong nhanh chóng ổn định cuộc sống.
|
Cũng trong chiều 23/10, Đoàn công tác cùng Báo Thanh niên đến cứu trợ và tặng 500 suất quà, mỗi suất trị giá 200.000 đồng tiền mặt cho các hộ dân thuộc xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh; phối hợp với chùa Kim Phong, núi Thần Đinh thuộc huyện Quảng Ninh tặng 80 suất quà cho 80 hộ dân thuộc thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh gồm đồ dùng sinh hoạt và 100.000 đồng tiền mặt/suất. Do địa hình thôn Rào Đá gần với hồ nên trong 2 đợt lũ vừa qua, nhà dân cả thôn đều ngập gần 3 mét nước. Bà con nhân dân chạy hết cả lên núi được nhà chùa cưu mang giúp đỡ. Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Ban Từ thiện – Xã hội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Nửa tháng nay, chúng tôi đã 2 lần đến các vùng lũ lụt ở miền Trung. Giúp đỡ bà con nhân dân đang gặp khó khăn, tôi luôn sẵn sàng.
|
Trở lại Hà Tĩnh sáng 25/10, Đoàn công tác phối hợp với Công ty CP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô đến Trường Mầm non xã Vĩnh Lộc tặng quà cho các cháu thuộc 15 trường mầm non thuộc huyện Can Lộc. Sân trường ngổn ngang chăn, chiếu và đồ dùng sinh hoạt, học tập của các cháu đang được phơi nắng. Cô giáo Bùi Thị Hương, hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Lộc chia sẻ: Trường có 148 cháu ở lứa tuổi từ 1,5 tuổi đến 5 tuổi. Hôm nay là buổi đầu tiên các cháu đến trường, sau hơn 1 tuần nghỉ học vì lũ lụt. Sau khi trở lại học, các cháu có phần mệt mỏi hơn. Một phần cũng do không khí nhà trường trầm lắng bởi loa đài, âm thanh phục vụ việc múa hát hỏng hết. Điều lo lắng nhất của chúng tôi bây giờ là lo khẩu phần ăn cho các cháu vì giá cả thực phẩm cao, trong khi sức của chúng tôi cũng có hạn.
|
Chia sẻ với những khó khăn với các cô giáo và các cháu ở huyện Can Lộc, anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam động viên các cô giáo vượt qua khó khăn chăm lo cho các cháu thật tốt để bố mẹ các cháu tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt ổn định cuộc sống. Được biết, trong đợt này, Công ty CP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô tặng 10 tấn bánh kẹo, trị giá 600 triệu đồng cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những sản phẩm có lượng dinh dưỡng cao rất tốt cho sự phát triển của các cháu.
Cũng trong buổi sáng 25/10, Đoàn công tác do Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban Thanh niên Quân đội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã đến thăm và tặng quà cho mẹ VNAH Lê Thị Thuận (85 tuổi) ở xã Thuận Thiên, huyện Can Lộc là mẹ Liệt sỹ TNXP Lê Thị Toàn ở thôn Phúc Sơn và mẹ VNAH Trần Thị Đào (91 tuổi) ở xóm Yên.
|
Nghệ An chiều ngày 25/10. Đường vào xã Nam Phúc, Nam Cường huyện Nam Đàn vẫn còn ngập trắng. Ông Phạm Xuân Quang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn cho biết: Toàn huyện có 24 xã, có đến 50% xã bị ngập trắng, trong đó có 5 xã bị cô lập hoàn toàn hàng tuần liền. Do địa hình nằm giữa sông Lam và sông La (sông Cả) nên Nam Cường và Nam Phúc bị ngập nặng nhất. Toàn xã Nam Phúc có 706 nóc nhà bị ngập, còn Nam Cường ngập trắng 1420 nóc nhà, đồ đạc hư hại hết. Đến nay học sinh cấp 1 và mầm non vẫn chưa thể đi học lại vì nước chưa rút hết.
|
Chia sẻ với những khó khăn với bà con nhân dân 2 xã, Đoàn công tác đã tặng 300 suất quà gồm nhu yếu phẩm gồm đường, dầu ăn…và 200.000 đồng tiền mặt/suất cho các hộ gia đình chính sách và các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cụ Trần Thị Chín (86 tuổi) ở xóm 4, xã Nam Cường cho biết: Tui nhờ cháu đưa đến để nhận quà từ sớm. Gạo, thóc hỏng hết chẳng còn chi. Giờ có cái để ăn rồi. Cảm ơn các chú nhiều!
Thắp sáng ngọn lửa tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Trong lũ dữ, sáng lên những thanh niên không quản ngại khó khăn, gian khổ để cứu người. Đó là Trương Vĩnh Thụy, Bí thư Đoàn xã Hưng Long (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) dũng cảm cứu 18 người ở xã Hưng Bình thoát khỏi dòng nước lũ. Thụy kể: Đó là đêm thứ Bảy (16/10). Hôm đó tôi xuống nhà chị gái ở xã Hưng Bình (cách nhà 3 km). Đêm nước lên rất nhanh, chỉ một lúc nước đã lên cao tận nóc nhà, tui đập cửa nhà đi tìm thuyền và chèo đi cứu người. Cứ chỗ nào có chỗ kêu cứu là tui cho thuyền vào cứu. Lúc đó, tui chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ tìm cách làm sao đưa mọi người đến chỗ an toàn.
![]() Anh Trương Vĩnh Thụy, Bí thư Đoàn xã Hưng Long, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh |
Đó là Lê Văn Điệp ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, dùng thuyền du lịch cứu được hơn 180 người thoát khỏi nguy hiểm giữa dòng nước lũ trong khi nhà mình bị lũ cuốn trôi. Những ngày tiếp đó, anh Điệp tiếp tục dùng thuyền chở hàng cứu trợ cho bà con nhân dân. Điệp tâm sự: Cứu được một người phúc đẳng hà sa. Mình thiệt thòi một chút cũng không sao, bởi có nhiều người được sống.
![]() Anh Lê Văn Điệp cùng ĐVTN xã tham gia dọn vệ sinh môi trường ở địa phương |
Đặc biệt, đó là tấm gương vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phương và chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gửi lại con nhỏ cho nhà bà ngoại, 2 vợ chồng đã chèo thuyền hơn 2 km trong lũ dữ đến cứu được hơn 200 người ở thôn Cổ Lạc cùng xã. sáng trở về, thì không thấy nhà đâu. Hiện nay, vợ chồng anh Phương và 3 đứa con đang ở nhờ nhà bà ngoại. “Lúc đó, tui chẳng nghĩ gì đến nguy hiểm. Tiếng khóc, tiếng kêu cứu của người dân thôi thúc tôi phải tìm mọi cách để cứu người”. Phương kể.
![]() Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phương và chị Nguyễn Thị Cúc đang dọn dẹp ngôi nhà đổ nát |
Có mặt ở miền Trung trong những ngày này, mới thấy hết tình cảm, tấm lòng của nhân dân cả nước hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt, đặc biệt là những bạn trẻ. Trên đường vào vùng lũ, chúng tôi được chứng kiến những đoàn xe chở hàng cứu trợ của đoàn viên, thanh niên thuộc các cơ quan, đơn vị và cả những nhóm bạn trẻ về giúp đỡ quê hương vượt qua khó khăn sau lũ lụt.
|
Tại những địa phương bị lũ lụt, hình ảnh đoàn viên thanh niên địa phương cùng cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng Quân đội, Công an tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt, vệ sinh trường học, trạm xá ghi đậm trong lòng bà con nhân dân vùng lũ. Bằng cả tấm lòng với miền Trung ruột thịt, Hội LHTN Việt Nam, Ban Thanh niên Quân đội và Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đi đầu trong việc cứu hộ, cứu trợ bà con nhân dân vùng lũ.
|
Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết: Ngày 30/10 tới, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức Lễ ra quân Chương trình tình nguyện khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung với các hoạt động chính gồm: Hỗ trợ và tiếp sức trẻ em đến trường; tổ chức các đoàn công tác về y tế và sức khỏe khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào, vệ sinh môi trường và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại vùng lũ; tổ chức xây dựng Nhà nhân ái cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị mất nhà do ảnh hưởng của bão lũ. Chương trình sẽ được triển khai từ nay đến hết tháng 12 năm 2010.
Trong chuyến đi, Đoàn công tác đã cứu trợ nhân dân miền Trung bị lũ lụt số quà và tiền mặt trị giá 3,5 tỷ đồng của Hội LHTN Việt Nam, Ban Thanh niên Quân đội, Ban Từ thiện – Xã hội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động quyên góp từ các nguồn Quỹ Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm, Công ty CP Contracxim1, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty CP Chế biến Thực phẩm Kinh đô và một số cơ quan, doanh nghiệp khác. |
CTG