Hũ gạo “Làm theo...”

(CTG) Đã thành thói quen, trước khi cho gạo vào nồi, chị Y Hoa ở làng Tê H’ô, xã Văn Lem, huyện Đắk Tô (Kon Tum) lại bớt một nắm nhỏ từ khẩu phần ăn của gia đình cho vào “xô gạo tiết kiệm”.




Trước khi nấu cơm, Y Hoa lại bốc một nắm bỏ vào “xô gạo tiết kiệm”

Số gạo này dành để giúp chị em nghèo đói trong làng có cái ăn trong những ngày giáp hạt. Đây là địa phương đầu tiên ở Kon Tum được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai...

Người đầu tiên trong làng Tê H’ô được nhận “gạo tình thương” là em Y Thung (SN 1992), mồ côi cả cha lẫn mẹ đang phải nghỉ học để làm thuê nuôi hai em nhỏ. Chị Y Lợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Lem cho biết: Gia đình Y Thung là trường hợp khó khăn nhất của làng Tê H’ô nói riêng, xã Văn Lem nói chung. Cách đây bốn năm (năm 2006), anh A Hek lâm bệnh nặng. Mặc dù đã bán hết tài sản của gia đình để chữa chạy cho chồng, nhưng A Hek vẫn bỏ mẹ con Y Mum (mẹ của ba đứa trẻ) ra đi. Nhìn những đứa trẻ sống thiếu vòng tay nâng đỡ của người cha, bản thân mình cũng mất đi “trụ cột” trong gia đình, Y Mum cũng dần bị bệnh nặng và qua đời năm 2008. Nhìn ba đứa trẻ côi cút tự lo cho cuộc sống của bản thân mình, tài sản của các em là ngôi nhà lợp ngói vách đất; 3 sào ruộng và 1,2 sào rẫy... ai cũng thấy động lòng. Sự thiếu thốn, nghèo khổ của Y Thung đã được chị em phụ nữ ở làng Tê H’ô chia sẻ kịp thời từ những “hạt gạo nghĩa tình”. Kể lại lần đầu tiên được nhận “gạo tình thương”, xúc động trước tấm lòng của chị em trong thôn dành cho mình, Y Thung nghẹn ngào: “Em cảm ơn các cô, các chị nhiều”.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thúy Hường, Phó chủ tịch Hội LHPN Kon Tum cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đến nay Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 20 mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo tiết kiệm” ở các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ những hũ gạo này, số gạo quyên góp được đã giúp hàng trăm chị em có hoàn cảnh khó khăn có lương thực để dùng trong những ngày giáp hạt. Ngoài ra, để giúp chị em phụ nữ có vốn sản xuất, Hội Phụ nữ các cấp còn triển khai mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm”. Theo định kỳ, vào ngày sinh hoạt hội (ngày 15 hằng tháng), mỗi hội viên bỏ vào lợn đất 5 ngàn đồng để giúp chị em nghèo mua sách bút tặng học sinh nghèo trong chi hội và những trường hợp bị tai nạn v.v... Điển hình như mô hình “Nuôi lợn đất tiết kiệm” của chị em phụ nữ huyện Kon Rẫy. Đây là việc làm thiết thực nhất trong việc triển khai “Làm theo” của chị em các cấp, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong tầng lớp chị em phụ nữ trên địa bàn...

Qua tìm hiểu thực tế phong trào hoạt động của Hội LHPN tỉnh Kon Tum, việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, hiện tại rất nhiều mô hình đã được chị em nhân rộng. Trong đó, từ mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo tiết kiệm” ở xã Văn Lem, huyện Đắk Tô, sau gần một năm hoạt động các chị đã nhân rộng ra rất nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một trong những việc làm thiết thực chuyển từ “học tập” sang “làm theo” của phụ nữ Kon Tum. Mong rằng từ những mô hình này, Hội LHPN nói riêng, các tổ chức trong xã hội ở Kon Tum nói chung tiếp tục nhân rộng ra, nhằm giúp đỡ những người đang còn nghèo khó.

Theo Văn hóa