Kết nối người Việt ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia

(CTG) Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thông qua các hoạt động kết nối mạng lưới người Việt ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia sẽ giúp bạn trẻ nói chung, các bạn sinh viên nói riêng trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, thực hiện các mục tiêu, ước mơ của mình.

 

Sáng 9/10, Thành Đoàn Hà Nội, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và công nghệ đồng tổ chức Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia và Chung kết trực tuyến Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge 2020.

Dự chương trình, có: anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị.

Khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dấn thân trong mỗi bạn trẻ

Chương trình nhằm kết nối các cá nhân, nhà đầu tư và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với các cơ hội đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo trong nước. Đây cũng là dịp để các chuyên gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước (như Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư; Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ) có dịp trao đổi kinh nghiệm về các mô hình mạng lưới, nền tảng kết nối nhằm thiết kế một “cuộc chơi” thiết thực và hiệu quả cho cộng đồng đầu tư và doanh nhân Việt Nam toàn cầu. Mục tiêu của Hội nghị là huy động sức sáng tạo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết với đồng bào ở trong nước để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia giúp các doanh nghiệp tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao ý tưởng của Thành Đoàn Hà Nội trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia. Thứ trưởng Tùng cho biết, cùng với Đề án 844, các hoạt động của Thành Đoàn Hà Nội, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức như Khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge góp phần phát triển mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Theo Thứ trưởng Tùng, thông qua các hoạt động kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp bạn trẻ nói chung, các bạn sinh viên nói riêng trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, thực hiện các mục tiêu, ước mơ của mình.

Xây dựng mạng lưới người Việt ở nước ngoài chung tay phát triển đất nước

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao, anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Khát vọng của những người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu là xây dựng được một mạng lưới người Việt trên khắp thế giới, cùng hành động vì một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng. Điều này có thể kỳ vọng việc tạo ra những bước tiến nhảy vọt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam nếu tận dụng tốt tiềm năng”.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Liên minh Quốc tế Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô giữa Thành Đoàn Hà Nội - Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội - Công ty cổ phần VietChallenge.

Anh Hưng thông tin, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5,4 triệu kiều bào đang phân bố ở trên 100 quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, lượng kiều hối tăng mạnh, mỗi năm tăng 12 - 15%. Năm 2019 đã đạt 16,5 tỷ USD, cao hơn số vốn đầu tư được giải ngân mỗi năm. Tổng kiều hối từ trước tới nay đạt 112 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Đặc biệt, nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài đang có sự trẻ hóa mạnh mẽ do số lượng du học sinh tăng nhanh nên xu hướng gắn bó và chọn Việt Nam là nơi khởi nghiệp khá mạnh.

Theo anh Hưng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng của dân tộc Việt Nam. Với trên 5 triệu người, bộ phận này hội nhập tốt với đất nước sở tại; đã và đang phát huy vai trò của mình. Hiện nay, thế hệ trẻ, sinh viên ra nước ngoài học tập gia tăng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước cho dù ở lại hay trở về quê hương. Trung bình hàng năm có khoảng 200 nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu chung cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư phát triển doanh nghiệp. Đây là nguồn chất xám rất đáng kể và quý báu của đất nước nếu được thu hút, phát huy thích đáng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.”

Trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia cũng diễn ra lễ Phát động Cuộc thi Lập trình AI Hackathon 1010 RESET do Bộ Khoa học và công nghệ cùng Thành Đoàn Hà Nội tổ chức với sự thực hiện của AngelHack. Cuộc thi sẽ chính thức diễn ra từ 29/10 tới đầu tháng 11; các đội lọt vào vòng Chung kết sẽ tham gia cuộc thi tại sự kiện AI4VN vào ngày 27/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị cũng diễn ra toạ đàm về chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây chính là một trong những lĩnh vực thách thức nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19. Tham gia Hội thảo có đại diện của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội, Công ty cổ phần BASE và Tập đoàn FPT.

Theo TP