Ngày 7/8/2023, chị Việt Hà (34 tuổi, Hà Nội) tham gia một giải chạy ở Jeju (Hàn Quốc), đây là lần đầu tiên chị chạy bộ tại một cung đường quốc tế.
"Sáng hôm đó trời mưa lâm thâm, tôi thấy hơi bồn chồn trước khi khởi hành, có lẽ vì buổi chạy này tôi chạy một mình, lại ở nước ngoài", chị Hà kể lại.
Nữ du khách người Hà Nội đăng ký cự ly 20km, đây là quãng đường an toàn cho một vận động viên nghiệp dư như chị. Trước đó ở Việt Nam, chị Hà đã tham gia rất nhiều giải chạy, nhưng ở cung đường mới này, chị muốn có thời gian tận hưởng cảnh sắc của "hòn đảo thiên đường" nên chọn cự ly vừa sức.
Khi chạy dọc theo con đường mòn băng qua cánh đồng của ngôi làng Pyeongdae-ri, chị Hà kể, không khí trong lành của thảm thực vật ở đây khiến các runner (người chạy bộ) "phải chậm lại một nhịp".
"Những hàng lau, hương thơm của cây hoa màu… mùa thu trên đảo Jeju giúp các runner tận hưởng đường chạy trọn vẹn hơn", chị Việt Hà nói.
Vài năm trở lại đây, race-cation, được ghép từ "race" (chạy bộ) và "vacation" (kỳ nghỉ) - một hình thức chạy bộ kết hợp du lịch phổ biến trên thế giới bắt đầu được nhiều du khách Việt ưa chuộng.
Khách du lịch sẵn sàng chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm để tham gia các giải chạy trong và ngoài nước, kết hợp cùng du lịch.
Mạnh tay chi tiền để "chạy" khắp thế giới
Tháng 9/2023 tham gia Vietnam Mountain Marathon 2023 ở Sa Pa (Lào Cai); tháng 1/2024 tham gia Vietnam Trail Marathon ở Mộc Châu (Sơn La), tháng 4 mua tour race-cation "chạy dưới tán hoa anh đào" ở Hàn Quốc… anh Quang Vinh (36 tuổi, Hà Nội) đúc kết: "Chạy bộ là bộ môn dễ "gây nghiện".
Từ năm 2023, anh Vinh bắt đầu mạnh tay chi tiền mua các tour kết hợp du lịch kết hợp chạy bộ, hoặc các giải chạy trail (chạy đường mòn, hình thức chạy bộ kết hợp leo núi).
Trung bình mỗi năm kinh phí dự kiến 50-70 triệu đồng riêng tiền mua tour. Trong đó, các giải chạy trail trong nước dao động 3-10 triệu đồng/giải. Tour nước ngoài kết hợp giải chạy và tham quan du lịch ở Hàn Quốc, Trung Quốc... khoảng 15-30 triệu đồng/tour.
Theo khảo sát của Outbox (công ty nghiên cứu thị trường du lịch) thực hiện tháng 8/2023, gần 45% số người được hỏi trả lời thường xuyên kết hợp du lịch khi tham gia các giải marathon ngoài nơi cư trú của họ.
Các chuyến race-cation kéo dài khoảng 2-3 ngày. Chi phí dao động từ 5 đến 10 triệu đồng, gồm các hạng mục như lưu trú tại điểm đến, phương tiện di chuyển, phụ kiện thể thao, đồ công nghệ, trang phục thể thao, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe và hoạt động giải trí ngoài thời gian thi đấu.
Lưu trú là hạng mục được chi tiêu nhiều nhất. Khách race-cation có xu hướng đi cùng gia đình hoặc theo nhóm. Điều này tạo sức lan tỏa trong việc chi tiêu, mang lại nguồn thu cho điểm đến.
Cũng theo Outbox, nhóm khách race-cation và khách du lịch thông thường có lựa chọn về điểm du lịch khác nhau".
Du khách thông thường muốn ghé thăm điểm đến để vui chơi, tham quan và nghỉ dưỡng. Trong khi đó, khách race-cation lại lựa chọn điểm đến vì sự kiện thể thao tại đó. Họ muốn tham dự giải thể thao để thử thách bản thân và rèn luyện sức khỏe, nhưng vẫn muốn tận hưởng thiên nhiên bằng hình thức vận động.
Sau Covid-19, các chuyên gia nhận định, một trong những đặc tính hành vi đáng chú ý của du khách Việt là tìm kiếm giá trị về sức khỏe và cân bằng về tinh thần khi đi du lịch. Từ năm 2023, du lịch sức khỏe đã được tiếp nhận rõ ràng và rộng rãi hơn, thậm chí nhờ việc xuất hiện các tour mới, khách Việt có động lực để vận động nhiều hơn.
Anh Đoàn Trung Nam (25 tuổi, Hà Nội), cho biết: "Nếu tôi không chi tiền mua BIB (vé vào cửa giải chạy) hoặc mua tour race-cation, tôi không có động lực tập luyện. Nên với cá nhân tôi, việc bỏ số tiền lớn để mua tour là hoàn toàn xứng đáng".
Anh Nam đặc biệt thích chạy trail, bởi khi tham gia các giải chạy hình thức này, anh được khám phá những vùng đất mới, con người mới.
"Giải chạy trail thường đổi cung đường chạy, lúc này "đặc quyền" riêng của các runner là được chạy qua những con đường mòn mà ít người ghé đến, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ núi rừng, thưởng thức ẩm thực ẩm thực địa phương…", Trung Nam chia sẻ.
Phát triển race-cation theo mô hình "sự kiện trong sự kiện"
Năm 2023, có khoảng 37 giải chạy bộ đã được tổ chức ở Việt Nam. Các giải chạy thường được diễn ra ở những vùng đất sở hữu nét đẹp đặc trưng, với cung đường ít người ghé qua.
Tiêu biểu có thể kể đến như Vietnam Trail Marathon diễn ra vào tháng 1 ở Mộc Châu (Sơn La); giải Mu Cang Chai Ultra Trail tháng 9 ở Yên Bái, Vietnam Mountain Marathon ở Sapa (Lào Cai)…
Đầu năm nay, các công ty lữ hành Việt Nam cũng tung ra nhiều sản phẩm với các đường chạy nước ngoài, phát triển theo mô hình "sự kiện trong sự kiện".
Theo đó, giải chạy có thể được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ du lịch, có nhiều hoạt động, lễ hội khác xoay quanh. Du khách tham gia chạy có thể ở lại vui chơi, trải nghiệm.
Đơn cử như tour Busan - Gyeongju Marathon; tour Busan - Daegu Marathon (4-5 ngày) khởi hành duy nhất đầu tháng 4. Đây là tour du lịch được tổ chức trong khuân khổ tuần lễ có giải chạy ở Busan.
Hành trình được thiết kế dự trên các tiêu chí đảm bảo sức khỏe cả về thể trạng và tinh thần cho các vận động viên. Giá tour khoảng 20 triệu đồng/người.
"Với giải chạy lần này, chúng tôi hy vọng có thể giới thiệu về Hàn Quốc ở nhiều khía cạnh hơn tới khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách Việt Nam. Những năm gần đây, loại hình du lịch thể thao được chúng tôi tập trung quảng bá mạnh hơn thông qua nhiều hoạt động.
Không chỉ về các giải chạy, chúng tôi cũng tập trung vào quảng bá các hoạt động trải nghiệm khác như đánh golf hay trượt tuyết...", ông Lee Jae Hoon, Trưởng đại diện Tổng cục du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết.
Về việc xây dựng một sản phẩm tour du lịch thể thao chuyên nghiệp, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours là rất cần thiết.
"Khi bỏ tiền mua tour, du khách chỉ cần tập trung rèn luyện sức khỏe, tinh thần thật tốt để có thành tích tốt trong giải Marathon mà không cần lo lắng về các dịch vụ tour bởi đã có các đơn vị lữ hành lo trọn gói từ A đến Z", ông Hoan nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Flamingo Redtours cũng cho biết, du lịch thể thao là một dòng tour chuyên đề. Do vậy so với các tour thông thường sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Thứ nhất: Đơn vị tổ chức cần phải có chuyên môn. Bên cạnh yếu tố chuyên môn về lữ hành thì đơn vị tổ chức cần phải có kiến thức nhất định về thể thao ví dụ điều lệ quy định của giải, cách thức đăng ký, tư vấn cho khách tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe...
Thứ hai: Thông thường các giải thể thao là những sự kiện đông người do vậy việc đặt dịch vụ trong thời kỳ cao điểm đó thường gặp khó khăn. Do vậy công tác tổ chức, chuẩn bị dịch vụ cho đoàn khách cũng đòi hỏi công ty du lịch có kinh nghiệm từ việc tính toán lịch trình di chuyển cho phù hợp, công tác điều hành và tổ chức dẫn đoàn tham gia các sự kiện
"Do vậy, để tổ chức một tour du lịch thể thao thì đơn vị tổ chức cần phải hội tụ các yếu tố kiến thức; kinh nghiệm và sự trải nghiệm. Không phải đơn vị nào cũng có thể tổ chức được sản phẩm đặc biệt này", ông Hoan nhận định.
Theo Dân Trí |