Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, công tác nhân sự và bầu Chủ tịch nước

CTG - Đúng 9 giờ sáng nay (21-10), dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tám tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quốc tế…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Về phía Quốc hội có: Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên họp.

Về phía Quân đội, dự phiên họp có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đại biểu Quốc hội trong Quân đội.

Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày

* Sau khi làm lễ chào cờ, Quốc hội tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc kỳ họp; trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cử tri cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc tốt đẹp nhất.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công rất tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp.

Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày; từ ngày 21-10 đến ngày 30-11-2024; chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21-10 đến ngày 13-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng 30-11.

Đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.

Để tạo tiền đề chuẩn bị ngay về mọi mặt để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế dự phiên khai mạc kỳ họp và toàn thể cử tri, nhân dân, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời chào, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công, chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, vừa qua, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công rất tốt đẹp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đến cấp cơ sở quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao, Hội nghị Trung ương 10 đã thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, thống nhất nhận thức, hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII, chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao, thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu rõ, trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Cùng với đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát lãng phí các nguồn lực…

Nhấn mạnh những tồn tại hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và của Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27 ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; trong đó, tập trung nhấn mạnh 3 vấn đề.

Thứ nhất là đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Thứ hai là thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn, tránh trùng với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác, gây lãng phí.

Thứ ba là đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội; coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao, gương mẫu đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng trong xây dựng thể chế, phát triển đất nước, với tinh thần đổi mới, cải cách hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết; nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, phấn đấu, sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

Kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại kỳ họp này,Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Thứ nhất, về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận; trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.

"Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm. Vì vậy, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật; bảo đảm khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XV.

Thứ hai, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức sớm hơn thường lệ, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thời gian nhiều hơn để nghiên cứu, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027); tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu dự phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung...; nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ ba, về giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước và một số nội dung công tác nhân sự khác

Thứ tư, về công tác nhân sự, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ tám là rất lớn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

* Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng.

Nguồn: Truyền hình Quốc hội

* Sau phần khai mạc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo Baomoi