![]() |
Ý tưởng của Đặng Lê Nguyên Vũ về triết lý cà phê Việt Nam
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận định rằng: "Tôi nghĩ ở Việt Nam, triết lý cà phê mới manh nha. Để có được triết lý ấy, cần dựa trên quan điểm của địa phương, dân tộc và thế giới về loại sản phẩm này. Nó sẽ được bồi đắp bởi những người uống và đam mê cà phê theo thời gian, ngay một lúc không thể hoàn tất được. Do vậy tôi kêu gọi các nhà văn hóa cần nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm túc và phải có công trình nghiên cứu cẩn thận. Cà phê là mẫu số chung để quy tụ 2 tỉ triệu tín đồ uống cà phê ở nhiều quốc gia, sắc tộc, màu da, quan điểm chính trị và tôn giáo khác nhau. Do đó, cần phải nghiên cứu nó với tư cách một công trình khoa học. Nếu có được triết lý ấy, Việt Nam sẽ có một cơ hội quá lớn. Lần đầu tiên Việt Nam sẽ trở thành nhà tư tưởng, có thể xuất khẩu và quy tụ được những người khác nhau trên thế giới.
Quyền lực mềm cho nông sản Việt Nam
Khi đã có một triết lý đúng đắn của cà phê Việt Nam, sẽ có một quyền lực mềm cho nông sản Việt Nam hiện đang ở vị trí chưa cao trên bản đồ về thị trường nông sản thế giới. Cũng theo ông Vũ, nếu có được quyền lực mềm phải bắt đầu từ vấn đề nhận thức. Trung Quốc có khẩu hiệu ngắn gọn: "Hàng hóa Trung Quốc ở đâu, văn hóa Trung Quốc ở đó". Nhìn sang Hàn Quốc, thông qua phim ảnh, họ gia tăng lượng bán hàng lên 10 tỷ USD/năm. Xin đặt câu hỏi: Việt Nam có ý thức được vấn đề đó không? Có nỗ lực không? Có xây dựng chiến lược dựa trên những thế mạnh như cà phê, tiêu, điều không? Có xây dựng được các chương trình đồng bộ mang tính quốc gia để quảng bá những ngành nghề đó không? Chúng ta vẫn chưa thực sự ý thức về vấn đề "quyền lực mềm", kể từ cấp quản lý đến cấp doanh nghiệp.
Việc tính toán để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản là rất khó. Có tham vọng xuất khẩu thông qua con đường văn hóa, hay nói cách khác là "gói văn hóa vào trong sản phẩm", chúng ta mới tạo ra được ngành công nghiệp từ design (thiết kế) cho đến các nhà văn hóa hoạt động có chủ đích các trung tâm đào tạo có chủ đích.
Thương mại không còn là thương mại nếu như hội nghị thương mại toàn quốc không có các nhà giáo dục, các nhà văn hóa. Phải có họ, chúng ta mới yên tâm nói rằng chúng ta đang nhận thức đúng vấn đề mà chúng ta đang "xê dịch". Nếu chỉ có các ông thương mại thuần túy thì xin lỗi, chúng ta vẫn là thương mại đơn thuần.
Việt Nam đang trên đường tìm kiếm thương hiệu
Trong mấy năm gần đây, chúng ta đều nói về thương hiệu này, thương hiệu kia. Thú thực tôi cũng rất tự hào rằng mấy năm trước tôi là người vận động cho chương trình đó ra Quốc hội, cho các nhóm tâm huyết và nhận được sự ủng hộ rất cao.
Thế nhưng, nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu là một chuyện. Vấn đề ở chỗ cần phải có một chiến lược xác định đâu là ưu thế nổi trội để phát triển. Hàn Quốc cũng từng mất một thời gian để tìm hiểu đâu là ưu thế của quốc gia họ. Họ không thể đi theo hướng chất lượng như Nhật, hay hướng giá rẻ như Trung Quốc, nên những sản phẩm của họ đi theo hướng thời trang. Lập tức, họ có chiến lược quốc gia để đào tạo những người thiết kế - design thích hợp, những nhà xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu ở mức độ nhất định. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này.
Đặng Lê Nguyên Vũ - xây dựng một Thiên đường cà phê tại Buôn Ma Thuột
Điều đáng ghi nhận ở đây là vị doanh nhân trẻ này không chí nói suông, mà thực sự trong nhiều năm qua cùng với xây dựng và khẳng định tầm vóc của thương hiệu cà phê Trung Nguyên của Việt Nam trên thế giới, Đặng Lê Nguyên Vũ đã cặm cụi, chắt chiu chất xám, tìm học rồi cùng với những người có cùng quan điểm xây lên một Thiên đường cà phê tại Buôn Ma Thuột. Đó cũng là một tiêu thức hùng hồn của triết lý cà phê Việt Nam.
"Quyền lực mềm" của cà phê Việt Nam, một chuyên gia kinh tế đã khẳng định về dự án thiên đường cà phê toàn cầu: Thiên đường cà phê toàn cầu là một nội dung quan trọng của triết lý sống mới về cà phê, chính là mô hình minh chứng quan trọng nhất cho triết lý. Nếu nhìn triết lý cà phê dưới góc độ như một tôn giáo, thì việc xây dựng thiên đường cà phê toàn cầu chính là việc tạo ra một thánh địa cho tôn giáo cà phê, để quy tụ và phát triển những người sử dụng, yêu thích và đam mê cà phê trên toàn cầu theo hai giá trị sáng tạo và hài hòa. Thiên đường cà phê toàn cầu là một dự án tổng thể nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu lãnh thổ, chỉ dẫn địa lý ngành cà phê cho Việt Nam. Nhóm hành động góp phần đưa Tây Nguyên thành một địa bàn hấp dẫn toàn thế giới, một điển hình cho phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới. Mang lại sự hài hòa lợi ích cho mọi đối tượng có liên quan.
Còn Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận định rằng: Hiện nay trên thế giới, cà phê với hơn 2 tỉ tín đồ trên toàn thế giới có thể xem như là một tôn giáo. Một tôn giáo đặc biệt mà ở đó bao gồm những con người đến từ khắp nơi trên toàn thế giới. Cho dù họ là ai, giàu hay nghèo, bao nhiêu tuổi, thuộc màu da, sắc tộc hay tôn giáo nào nhưng tựu chung lại đều có cùng một ngôn ngữ: Ngôn ngữ cà phê. Chính thứ ngôn ngữ này sẽ làm cho họ gắn kết, dãi bày những sẻ chia, thăng hoa những ý tưởng sáng tạo nhằm hướng thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn, một thế giới trong an bình, phát triển hài hòa, bền vững. Cà phê sẽ không chỉ đơn thuần chỉ là một thức uống mà nó thực sự trở thành một nguồn cung cấp năng lượng sáng tạo cho nhân loại. Và cũng chính doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã khẳng định những suy nghĩ, hành động của mình trong cuốn "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ". Để cho một quốc gia trở thành vĩ đại, trước hết mỗi công dân của quốc gia đó phải có Khát Vọng Lớn.
Bài học từ khát vọng lớn của Đặng Lê Nguyên Vũ
Từ khát vọng đó mới thôi thúc con người trau dồi niềm tin tri thức, đạo đức; mới có kế hoạch và hành động một cách kiên định, sáng tạo, để vượt qua mọi thử thách; nắm bắt mọi cơ hội để có thể vươn tới khát vọng của mình. Khát vọng đó xuất phát từ lòng ái quốc mạnh mẽ thiên về phát triển, khám phá và chinh phục, luôn vươn lên. Mọi thành quả về mặt vật chất là hệ quả của một khát vọng lớn lao. Chỉ cần sở hữu được những khát vọng, những tinh thần mạnh mẽ như vậy, một quốc gia có thể ngay lập tức có được sự kính trọng bởi thế giới biết họ đã sở hữu những phẩm chất vĩ đại, và vậy nên họ sẽ trở thành vĩ đại trong một thời gian không xa.
Lòng ái quốc là ý thức về sự tự chủ thực sự của quốc gia mình (tự chủ về các loại biên giới) và thể hiện vị thế của quốc gia mình so với thế giới thông qua việc đóng góp giá trị của quốc gia mình vào giá trị nhân loại, là việc phải đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, vì một lợi ích cá nhân chỉ bền vững khi nó nằm trong lợi ích quốc gia. Một quốc gia vĩ đại phải có giá trị văn hóa cao và có tính cộng đồng, nó phải hướng về lòng mong muốn chinh phục và khám phá, tôn thờ lòng chính nghĩa, chính trực, cao thượng; coi trọng lòng tự trọng, danh dự và trách nhiệm; không ngường củng cố đạo đức và các nguyên tắc đạo đức xã hội. Đó chính là những tố chất vĩ đại. Tinh thần đó được nhất quán từ mỗi công dân, mỗi tổ chức, tới Nhà nước, tới toàn thể kiều báo của quốc gia đó.
Cần khẳng định rằng sự giàu có và quyền lực không phải là thước đo của sự vĩ đại. Giàu có và quyền lực chỉ là hệ quả của những tố chất vĩ đại được hun đúc và bồ dưỡng liên tục mà thôi. Thực tiễn cho thấy, nếu một quốc gia chỉ hướng đến làm giầu về mặt kinh tế thi sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu và ngày càng tụt hậu so với thế giới. Nhưng, một quốc gia dù có xuất phát điểm thấp đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu sở hữu được lòng ái quốc, có được những tố chất nói trên, thì sớm muộn gì cũng trở nên giàu mạnh và được các quốc gia khác kính nể.
Và, khát vọng lớn cho một đấy nước mình để các nước khác phải kính nể. Những việc làm của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là một đều đáng để cho chúng ta phải nghĩ và phải hành động cho đất nước ta "không nhỏ".
Theo Doanh Nhân 360