Hiện là CEO của Dat Bike, anh từng có giai đoạn làm việc hầu như không có ngày nghỉ, đi ngược ước muốn của gia đình và công ty khởi nghiệp của anh đã gọi được quỹ đầu tư 16,5 triệu USD.
Ba năm khởi nghiệp có quá nhiều sóng gió nhưng tôi đã học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, những điều mà vài năm trước chỉ là con số 0. NGUYỄN BÁ CẢNH SƠN |
Luôn vững tin vào lựa chọn bản thân
Thời phổ thông tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Cảnh Sơn là cái tên gắn với rất nhiều giải thưởng các cấp liên quan đến tin học dành cho học sinh. Thành tựu học hành đáng tự hào nhất anh vẫn nhắc là huy chương bạc Olympic tin học quốc tế lần thứ 20 ở Ai Cập. Chính giải thưởng này góp phần giúp anh giành được suất học bổng toàn phần tại ĐH Illinois (Hoa Kỳ).
Nhưng toán mới là lựa chọn đầu tiên của anh khi vào trường chuyên. Học được một học kỳ, anh xin chuyển từ lớp chuyên toán qua lớp chuyên tin, điều đến giờ chưa ai làm vậy ở trường này. Cảnh Sơn cảm nhận tin học, lập trình hay thiết kế phần mềm góp phần giúp tạo ra những điều có ảnh hưởng lớn hơn cho cuộc sống khi nhìn vào các "ông lớn" công nghệ như Google, Facebook.
Tốt nghiệp đại học lẫn cao học ngành khoa học máy tính ở Mỹ, Cảnh Sơn đầu quân vào một tập đoàn công nghệ lớn tại Thung lũng Silicon (Mỹ) với mức lương ngất ngưởng. Dẫu lương cao nhưng công việc mỗi ngày đi qua đều như nhau nên anh bắt đầu chán. Anh nhận ra bản thân khát khao được làm điều gì đó lớn lao hơn, tạo được tác động đáng kể cho xã hội.
Anh về thăm nhà sau chục năm ở xứ người, thấy Đà Nẵng khá hiện đại nhưng cũng bụi bặm hơn hẳn do lượng xe cộ dày đặc trên đường. Bài toán về một phương tiện giao thông không gây ô nhiễm môi trường lóe lên, theo anh về lại Mỹ, bắt đầu cho chặng đường tìm kiếm thông tin, nghiên cứu chế tạo xe máy điện.
Với sự hỗ trợ, cố vấn từ nhiều chuyên gia, bạn bè… chiếc xe máy điện đầu tiên ra đời khá hoàn chỉnh, đạt các tiêu chí "gọn nhẹ, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành" sau cả năm ròng rã với vô số thất bại. Anh tự chạy xe khắp TP San Francisco để giới thiệu sản phẩm, "gõ cửa" nhà đầu tư.
Đầu năm 2019, Cảnh Sơn quyết định về nước, thành lập Công ty Dat Bike cùng một người bạn Mỹ, ra mắt mẫu xe điện Weaver (đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam). Nhưng hành trình khởi nghiệp của CEO 9X lúc đó không được gia đình ủng hộ. Vốn dân kinh doanh, cha Sơn nói con đường này đầy bôn ba, ông chỉ muốn các con ăn học rồi có một công việc an nhàn là đủ. Không ủng hộ, thấy con trai suốt ngày lấm lem trong xưởng hàn, lắp ráp chả khác gì lao động phổ thông lại càng xót.
Khởi nghiệp với quyết tâm chinh phục thị trường quốc tế
"Cũng sợ thất bại chứ vì vốn dĩ khởi nghiệp công nghệ tỉ lệ thành công luôn rất thấp, rồi cũng sợ cha mẹ buồn. Nhưng đã bắt tay, phải làm điều gì đó đáng kể, chấp nhận luôn "được ăn cả ngã về không" chứ đừng nhàn nhạt qua ngày. Tôi cũng chưa vợ con gì nên cũng không quá nghiêm trọng", Cảnh Sơn chia sẻ.
Và khi đã xác định rõ con đường, anh cùng các cộng sự làm việc không ngơi nghỉ. Thời gian đầu, Cảnh Sơn làm việc 14 tiếng mỗi ngày, xuyên suốt cả tuần. Còn hiện tại đã "điều chỉnh" chủ nhật làm 8 tiếng thôi. Ra đời ba năm, Dat Bike đã gọi được nhiều khoản đầu tư với tổng số tiền 16,5 triệu USD, có cửa hàng ở cả ba miền đất nước, sản phẩm luôn trong tình trạng "cháy hàng".
"Ngay cả thời điểm cả nước phải giãn cách vì đại dịch, lượng xe của chúng tôi vẫn tiêu thụ tăng gấp ba lần trước đó. Đúng là có cái dở khi bắt khách hàng chờ đợi nên đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về nhân sự, sản xuất, vận hành. Nhân sự hiện đã tăng gấp ba và xây dựng thêm nhà máy để phần nào giải quyết các thách thức trên", anh nói.
Không giấu tham vọng về một tương lai gần, "đứa con tinh thần" Dat Bike trở thành hãng xe điện dẫn đầu trong nước và dần chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong 10 năm tới. "Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là Indonesia, sau đó vươn lên dẫn đầu Đông Nam Á. Chúng tôi vững tin "đứa con tinh thần" là sản phẩm trí tuệ Việt của mình sẽ làm được điều này", Cảnh Sơn chia sẻ.
Theo TT