Tốt nghiệp ngành Tự động hóa của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2013, Hoàng Anh Tuấn bắt đầu công việc với một cơ quan nhà nước. Vốn là người luôn tìm tòi những thứ mới mẻ, yêu thích nghệ thuật, sau một thời gian ngắn làm việc, anh Tuấn đã quyết định nghỉ việc và theo đuổi đam mê của riêng mình.
Thừa nhận sự liều lĩnh của bản thân khi quyết định nghỉ việc, Hoàng Anh Tuấn dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi 30 triệu đồng của mình, bắt tay cùng nhóm bạn mở một cửa hàng thủy sinh nhằm thỏa mãn đam mê và sở thích cá nhân.
|
Những mô hình có giá hàng trăm triệu đồng mà anh Hoàng cùng đội nhóm chế tác - Ảnh: Ngọc Vũ |
Đi lên từ con số 0, việc khởi nghiệp với lĩnh vực hoàn toàn mới, kinh nghiệm non trẻ, làm việc theo lối mòn, khiến Tuấn liên tiếp gặp thất bại. Nhận thấy những nhược điểm của sản phẩm thủy sinh vốn cồng kềnh, giá trị mặt hàng cao, không tiếp cận được đối tượng khách hàng, chàng trai 9x quyết định chuyển hướng sáng tạo sản phẩm của riêng mình.
“Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu tôi có nhiều cảm hứng xuất phát từ những thứ đời thường như ánh đèn soi xuống mặt hồ, kiến trúc cổ mái đình Việt Nam... và tiểu cảnh 3D ra đời từ đó. Tôi quyết định mày mò công nghệ để tối ưu chi phí sản xuất sản phẩm, từ đó tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Để có được những sản phẩm hoàn hảo đem được ra thị trường, anh đã mất 2 năm nghiên cứu. Vì là dự án khởi nghiệp với số vốn ít ỏi nên Hoàng phải tự mày mò học hỏi và làm tất cả mọi thứ như đồ hoạ, sử dụng thiết bị in 3D, thiết kế,... Để trang trải cho đam mê, chàng trai phải làm thêm các nghề phụ để có chi phí thử nghiệm.
Thời điểm khó khăn nhất chính là thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Anh không thể bán hàng, không còn tiền để duy trì cửa hàng. Áp lực “cơm áo gạo tiền” khiến anh mất ăn mất ngủ, sụt cân nghiêm trọng, thậm chí có lúc phải nhập viện. Vượt lên những khó khăn của bản thân, Hoàng đã khắc phục những sai lầm cũ và mang tới những sản phẩm chất lượng được nhiều người ưa chuộng.
“Trái ngọt" từ những nỗ lực không ngừng nghỉ
“Nhìn lại quá trình mình đã đi, tôi nhận ra nếu muốn thành công mình cần có sản phẩm của riêng mình và không nên đi theo lối mòn và copy mô hình nào có sẵn”, Đó là những bộc bạch của anh Hoàng về cảm xúc khi sản phẩm tiểu cảnh 3D đầu tiên được ra mắt vào tháng 6-2022 và được rất nhiều người yêu thích. Đến nay, nhóm của anh làm đã có hàng chục thành viên và xuất ra thị trường nhiều sản phẩm với các thiết kế sinh động, và có tính ứng dụng cao.
“Đối với các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện một tiểu cảnh nhiều chi tiết phức tạp. Nhưng công nghệ in 3D đã giải quyết được hết vấn đề đó và tạo ra những sản phẩm đẹp, nhẹ, nhanh nhất. Để hoàn thiện một sản phẩm mất khoảng 5 ngày nhưng cần một đội ngũ 10 người cùng nhau làm việc”, anh Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Nguyên liệu chính làm mô hình tiểu cảnh này chủ yếu là nhựa PLA, nhựa Resin với ưu điểm bền và nhẹ. Bên cạnh đó, anh ưu tiên sử dụng những loại chất liệu như gốm sứ Bát Tràng Hà Nội, đá sỏi cuội... để mang tới một sản phẩm mang dấu ấn riêng của Việt Nam.
Việc sản xuất các mô hình tiểu cảnh này đã tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ, đồng thời truyền động lực cho họ để có thể tiếp tục theo đuổi con đường thiết kế nghệ thuật. Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh mong muốn sản phẩm mô hình tiểu cảnh 3D của mình có thể ổn định và phát triển mở rộng ra thị trường quốc tế. Những thiết kế với dấu ấn của riêng Việt Nam sẽ giúp hình ảnh con người, đất nước Việt Nam vươn xa hơn và được nhiều bạn bè trên thế giới biết đến.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Theo TP