Tú Nhi cho biết hiện nhu cầu chơi lan cảnh ngày càng tăng, tuy nhiên lan thường mắc nhiều dịch bệnh ảnh hưởng đến mỹ quan và giá trị kinh tế. Vì vậy, nhóm đã tiến hành phân lập chủng Trichoderma asperellum và nghiên cứu thành công kỹ thuật cố định nấm trên đá. “Chủng này có khả năng tiêu diệt các loại vi sinh vật gây hại trên cây lan và thích hợp với điều kiện khí hậu tại miền Trung - Tây nguyên. Chế phẩm sẽ đem lại lợi ích và kinh tế cho người dân cũng như doanh nghiệp”, Nhi nói.
Dự án khởi nghiệp của hai cô gái được đánh giá cao với các mục tiêu giảm thiểu khả năng hư hại, cũng như dịch bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra trên cây lan, tăng hiệu quả và năng suất trồng lan cảnh, cây cảnh. Đặc biệt, Trichoderma sẽ cung cấp chủng vi sinh vật có lợi, góp phần thay thế các dạng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Theo nhóm dự án, kỹ thuật này đã được triển khai tại trại thực nghiệm của Khoa Sinh - môi trường, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). “Nhóm tính toán sản phẩm đá nấm cung cấp ra thị trường sẽ có giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại đá. Giá khá cạnh tranh với các loại đất nén tiệt trùng đang bán trên thị trường, vì đá nấm không chỉ giúp cây duy trì dinh dưỡng mà còn kháng lại các loại bệnh hại cây. Sau thời gian dùng, chỉ cần phun bổ sung chế phẩm lỏng để tái sử dụng”, Tú Nhi diễn giải.
Hai cô gái rất hào hứng với dự án khởi nghiệp ngay tại giảng đường ĐH, với sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật của các giảng viên giàu kinh nghiệm. “Điều các bạn trẻ trăn trở khi khởi nghiệp, ngoài chuyên môn thì cần có vốn. Nếu các trường ĐH có quỹ khởi nghiệp dành cho sinh viên thì tin chắc các bạn sẽ tự tin thử sức bằng chính năng lực của bản thân”, Nhi chia sẻ.
Theo TNO