Ký giả tương lai trong làn sóng AI

(CTG) Là những người trẻ theo đuổi công việc làm báo trong thời buổi bùng nổ công nghệ số, các bạn đã và đang từng bước tiếp cận, tận dụng những tiện ích mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến để tạo nên những sản phẩm báo chí sáng tạo, hấp dẫn mà vẫn đảm bảo tính chuẩn mực.

Các bạn sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông (BC&TT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã có những chia sẻ thú vị về chủ đề này.

Ký giả tương lai trong làn sóng AI ảnh 1

Các bạn sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh: HÀ THƯƠNG

Khi nào dùng AI?

Bạn Bùi Hà Thương (sinh viên khoa BC&TT) nói những khi “bí” ý tưởng, nội dung bài viết thì lại “nhờ” đến ChatGPT để nó gợi ý các ý tưởng kèm theo những điều kiện như có văn nói, văn viết phù hợp với sinh viên báo chí, sử dụng ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ truyền thông… Cô bạn cho hay, khi đó, công cụ này đưa ra những khía cạnh khá hay mà bản thân sinh viên chưa kịp nghĩ tới. Thương cũng khẳng định, với kết quả trả lại từ ChatGPT, bạn không copy nguyên xi mà sẽ dựa theo gợi ý đó và “xào nấu” và “bỏ cái tôi” của mình vào.

Còn Trần Thu Hà cho biết bạn nghi ngờ tính đúng đắn của ChatGPT nên ít dùng, có lúc dùng nó để khai mở đề tài nhưng cảm thấy nó gợi ý dữ liệu không hợp lý nên sau đó đã từ bỏ công cụ này.

Trong khi đó, Thùy Trang (sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện, Đại học Công nghệ TPHCM) tỏ ra dứt khoát khi cho hay chưa bao giờ dùng và không muốn dùng vì sợ sẽ lạm dụng nó, dẫn đến mất khả năng sáng tạo. Dù vậy, nữ sinh cũng cho rằng sau này khi hiểu hơn về AI thì cũng nên “mở lòng” với nó hơn. “Dù cho nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gây lười nhác, làm mất đi tính sáng tạo nhưng nếu mình biết sử dụng đúng cách thì nó vẫn là một công cụ tốt”, Trang bày tỏ.

Ký giả tương lai trong làn sóng AI ảnh 2

Sinh viên báo chí cùng trao đổi nghiệp vụ tại cơ quan báo Tiền Phong. Ảnh: Ngô Tùng

 

Với Nguyễn Ngọc Thùy Linh, AI hiện nay cũng là phương tiện tốt, nhưng bản thân sinh viên báo chí và cả những người làm báo cần chủ động chắt lọc thông tin.

“Khi mình đã có đủ lượng thông tin cần thiết, đã tạo được những cảm xúc trong bài viết của mình thì mình có thể nhờ ChatGPT xuất thành một bài hoàn chỉnh sẽ tốt hơn. Điều này cũng tựa như việc mình làm chủ AI, không để AI làm chủ mình”.

Nữ sinh Trần Thị Thanh Thảo

Sử dụng AI theo cách thông minh nhất

Nguyễn Như Khương cho biết cậu sử dụng AI để đọc biểu đồ, nhập số liệu và yêu cầu nó phân tích. Đối với những tài liệu dài và phức tạp, AI giúp bạn gạn lọc và tóm lược thông tin. Chàng sinh viên cho rằng AI hỗ trợ rất chính xác và đúng trọng tâm trong việc tính toán, phân tích và tổng hợp số liệu. Tuy nhiên, các nhận xét và kết luận cuối cùng vẫn do Khương thực hiện.

Hà Thương tin rằng AI có khả năng sáng tạo và hữu ích, nhưng cô bạn đánh giá mức độ tin tưởng chỉ ở khoảng 10 - 20%. Nữ sinh cho rằng sản phẩm do con người tạo ra chứa đựng cảm xúc và cái tôi, do đó việc chỉnh sửa và chắt lọc thông tin từ AI là cần thiết để đảm bảo sự chính xác và phù hợp với ý tưởng cá nhân. Bạn cũng cho rằng người biết sử dụng AI có lợi thế về tốc độ, với khả năng gợi ý chủ đề trending và chuẩn SEO nhanh chóng. Với nhà báo, điều này giúp tiết kiệm thời gian nghiên cứu và tập trung vào việc sáng tạo nội dung chất lượng.

Ký giả tương lai trong làn sóng AI ảnh 3

Bùi Hà Thương chia sẻ ý kiến tại buổi thảo luận về chủ đề báo chí với AI. Ảnh: NGÔ TÙNG

“Từ trải nghiệm của mình, việc nghĩ ra ý tưởng, content để đạt được độ lan tỏa cao đòi hỏi rất nhiều yếu tố và mất nhiều thời gian. Ưu thế của ChatGPT là nó có thể nắm bắt và phân tích rất nhanh thông tin, do đó những gợi ý từ nó sẽ giúp mình kha khá thời gian nghiên cứu. Về phần mình, tất nhiên sẽ kiểm chứng, đánh giá xem đâu là thông tin phù hợp, chính xác, có ích cho công việc”, nữ sinh nói.

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Thùy Linh cho rằng việc sử dụng AI để viết bài và sau đó bản thân kiểm tra lại là giải pháp có thể giúp tiết kiệm thời gian nghiên cứu. Theo bạn, ChatGPT có thể nắm bắt và phân tích thông tin rất nhanh, từ đó cung cấp những gợi ý hữu ích. Tuy nhiên, việc kiểm chứng và đánh giá thông tin vẫn là trách nhiệm của người dùng. Bản thân thích thú với việc được tiếp cận và làm việc trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau như YouTube, TikTok… Nữ sinh kỳ vọng các cơ quan báo chí sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên báo chí phát triển kỹ năng trên đa nền tảng, từ đó có thêm nhiều chiều hướng mới để phát triển trong tương lai.

Hành trang “sống còn” trong thời đại AI

Trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, Hà Thị Thu nhìn nhận trong thời buổi làm báo theo xu hướng tích hợp hiện nay, người làm báo cũng cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng “tích hợp” như vừa viết, vừa dẫn, vừa biên tập. “Điều này có thể giúp các bạn sinh viên cạnh tranh hơn thay vì chỉ biết viết, chụp ảnh, hay chỉ dẫn chương trình”, Thu nêu ý kiến.

Ký giả tương lai trong làn sóng AI ảnh 4

Nguyễn Ngọc Thùy Linh góp ý kiến tại buổi trao đổi

 

Với Trần Thị Thanh Thảo, sinh viên và những nhà báo trẻ cũng phải bồi dưỡng thêm các nghiệp vụ của nghề như phỏng vấn, thu thập thông tin. Thảo cho rằng việc dùng ChatGPT cũng chỉ để giúp viết bài và sẽ không giúp mình phỏng vấn như thế nào và tạo “mood” ra sao trong lúc phỏng vấn. “Khi mình đã có đủ lượng thông tin cần thiết, đã tạo được những cảm xúc trong bài viết của mình thì mình có thể nhờ ChatGPT xuất thành một bài hoàn chỉnh sẽ tốt hơn. Điều này cũng tựa như việc mình làm chủ AI, không để AI làm chủ mình”, nữ sinh Trần Thị Thanh Thảo nêu quan điểm.

Cùng suy nghĩ, Trần Thu Hà cho rằng người làm báo phải nhạy cảm với cuộc sống, vì chung quy các đề tài được khai thác từ cuộc sống. Theo cô, AI dù sao cũng chỉ tổng hợp những dữ liệu con người đẩy lên để “xào nấu” và đưa lại cho chúng ta. Do đó, sinh viên cần tích lũy nhiều kiến thức để nhạy cảm với cuộc sống từ đó tìm ra được những đề tài mà AI chưa kịp biết đến, đồng thời cũng cần chăm chút nội dung theo hướng làm cho mình khác biệt so với những gì AI mang tới. “Chúng ta phải thâm nhập cuộc sống, len lách mọi thứ để tìm hiểu, có thể lúc đó chưa viết bài ngay nhưng những gì mình biết sẽ tích hợp dần để sau đó cho ra một đề tài tốt”, Thu Hà chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Hà Thương, trường học cần đưa AI vào giảng dạy như một kiến thức bổ ích bởi AI không xấu, tuy nhiên trường học cũng cần đi cùng kỹ năng, đạo đức như các em phải đặt ra ranh giới là nên sử dụng thế nào, không nên lạm dụng mà cần làm chủ ra sao để tránh mất đi sự sáng tạo của mình. “Nếu biết cách sử dụng thì sự sáng tạo của mình có thể nhân lên đôi ba lần và nếu làm chủ được nó thì chúng ta có thể phát triển thêm”, Hà Thương góp ý.

Rõ ràng, AI đang trở thành công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học và hoạt động báo chí, giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào AI vẫn là một vấn đề cần cân nhắc. Việc sử dụng AI một cách thông minh và có trách nhiệm sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực cho người sử dụng. Đồng thời, việc kết hợp giữa kỹ năng truyền thống và công nghệ mới sẽ giúp các sinh viên báo chí phát triển toàn diện và đáp ứng yêu cầu trong thời đại 4.0.

Vai trò quyết định vẫn nằm ở người làm báo

Trao đổi với Tiền Phong, ThS. Huỳnh Minh Tuấn, giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia TPHCM nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ AI vào lĩnh vực báo chí không phải là chuyện mới lạ trên thế giới. Nó cũng đặt ra nhiều trăn trở cho các nhà báo và người làm công tác giảng dạy báo chí ở Việt Nam. Theo thầy Tuấn, với từ khoá “AI trong báo chí”, chúng ta dễ dàng tìm thấy các bài viết phân tích chuyên sâu về vai trò, tầm quan trọng, ảnh hưởng và xu thế của AI trong hoạt động báo chí được nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí truyền thông ở Việt Nam đề cập tới.

Việc đưa nội dung AI vào chương trình đào tạo hay có các khoá học cụ thể có sự khác biệt tuỳ vào chính sách cũng như mục tiêu đào tạo của các trường, viện hay trung tâm nghiên cứu… Riêng đối với chương trình đào tạo cử nhân ngành Báo chí của Khoa BC&TT, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM thì hiện đã có môn học Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động báo chí và truyền thông. Đây là môn học trực tiếp đề cập tới AI trong hoạt động báo chí. “Đây mới là môn học mang tính chất tự chọn, mở rộng kiến thức cho sinh viên trong việc tận dụng các công cụ AI hỗ trợ hoạt động tác nghiệp báo chí truyền thông, nhưng rất được các bạn sinh viên hứng thú và nhà trường quan tâm tạo điều kiện sớm triển khai”, ThS. Minh Tuấn cho hay.

Trao đổi về việc liệu AI có làm cho chương trình giáo dục báo chí chính thống trở nên “lỗi thời”, ThS. Tuấn cho rằng điều này là không thể. Theo vị giảng viên, chương trình đào tạo báo chí hay bất kỳ ngành học nào khác cũng đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc logic, với hệ thống các kiến thức từ đại cương tới chuyên ngành kết hợp chặt chẽ nhằm đạt được các chuẩn đầu ra phù hợp. Do vậy, việc công nghệ AI xuất hiện và có ảnh hưởng tới một số mặt của đời sống thì cũng không thể làm đảo lộn hay thay thế được chương trình đào tạo hiện có - vốn được đúc kết và xây dựng từ thực tiễn lâu dài.

Mặt khác, suy cho cùng AI chỉ là công cụ nên việc sinh viên sử dụng AI phục vụ việc học tập hay các công việc khác là điều nên khuyến khích. Tuy nhiên, công cụ là để hỗ trợ chứ không phải để thay thế, làm thay chúng ta, nhất là trong việc học tập và rèn luyện kỹ năng. Sản phẩm báo chí đòi hỏi nhiều yếu tố cấu thành như định hướng chính trị, tính chính xác, tính nhân văn, sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm…, trong khi AI đơn thuần chỉ sắp xếp dữ liệu, diễn đạt theo khuôn mẫu.

ThS. Huỳnh Minh Tuấn cũng thông tin, từ khi internet và truyền thông xã hội xuất hiện thì câu chuyện bất kỳ ai cũng có khả năng đưa tin, sản xuất nội dung đã được đề cập đến. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tin tức báo chí vẫn là kênh chính thống, có vai trò quan trọng, định hướng dư luận, tạo ra bối cảnh truyền thông chính ở Việt Nam.

Vì vậy, dù hiện nay có thêm công cụ AI hỗ trợ sản xuất nội dung nhanh hơn, tiện hơn thì cũng không hẳn là bất lợi cho sinh viên báo chí. “Bởi các bạn được đào tạo một cách bài bản trong lĩnh vực báo chí và sẽ tham gia môi trường truyền thông với tâm thế là một chuyên gia/ một người “chuyên nghiệp” cùng trách nhiệm rõ ràng chứ không phải “nghiệp dư” phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ hỗ trợ”, nam giảng viên lý giải. Thầy giáo này cũng minh chứng bằng một ví dụ thực tế: “Khi nghe tin tức trên sóng phát thanh, với vai trò là công chúng, bạn thích nghe giọng đọc của phát thanh viên, của MC, bình luận viên hay giọng đọc tự động của chị Google?”.

AI liệu có biết vấn đề đó đáng lên án hay cần được tuyên dương?

Nói về khả năng thay thế của AI đối với người làm báo, Cao Thị Hiền Linh cho rằng đối với môi trường ở Việt Nam thì điều này khá khó xảy ra, bởi ngôn ngữ phát ra và văn nói của chúng ta khác biệt so với nước ngoài, như hay thêm vào những hư từ, những từ ngữ đem đến cho người đọc cảm xúc. Chẳng hạn như với những người dẫn chương trình truyền hình, họ thường dùng một số từ cho biết là mình đang vui, đang buồn, đang giận hay cũng có thể cho khán thính giả biết đó là một bản tin buồn hay tin vui. Trong khi đó, AI rõ ràng không thể ra hiện trường để lấy tin được. Mặt khác, AI hỗ trợ cho việc biên tập nhưng với một số thông tin, AI đang còn sai thông tin, dữ liệu. “Trong tương lai, không biết các nhà sản xuất có khắc phục được hay không, nhưng để làm báo thì mình nghĩ AI khó có thể đào thải chúng ta, không thể thay thế những người làm báo. Bởi lẽ dù nó khách quan nhưng trong hoạt động báo chí luôn cần một chút chủ quan của mình để nhận dạng xem đó là đúng hay là sai, hay vấn đề đó đáng lên án hay cần được tuyên dương”, Hiền Linh bày tỏ và khẳng định AI khó có thể thay thế được những thực thể người làm báo.

Theo TP