Làm giàu từ nông nghiệp xanh

(CTG) Tận dụng được những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng… ở chính mảnh đất quê hương, 32 thanh niên nhận giải thưởng Lương Ðịnh Của năm nay đã làm giàu thành công, có nhiều đóng góp cho địa phương và cộng đồng.

Mang nông nghiệp công nghệ cao về với người dân

Sinh ra và lớn lên ở xứ sở sương mù, khí hậu quanh năm mát mẻ, Nguyễn Đăng Thiên Phi Long (SN 1992, ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng) luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những vườn rau củ quả xanh tươi của gia đình và người dân nơi đây.

Phi Long tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, làm việc trong một công ty liên quan đến xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp, nông sản. Đây là giai đoạn anh có nhiều cơ hội tìm hiểu những giải pháp thị trường khi tham gia các hội chợ nông nghiệp ở nước ngoài.

Năm 2017, sau khi tham gia một hội chợ ở Băng Cốc (Thái Lan), Phi Long sang Malaysia tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao được tự động hóa. Tận mắt chứng kiến những mô hình hiện đại, Long nghĩ đến những người nông dân ở quê quanh năm vất vả và muốn mang giải pháp công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Nghĩ là làm, năm 2018, Phi Long thành lập Công ty TNHH Finom với chức năng chính là cung cấp các giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao cho các nhà sản xuất và các giải pháp liên quan tới bảo quản, phân loại nông sản.

Thời gian đầu, Finom chỉ tập trung vào lắp đặt, thi công hệ thống tưới, nhà lưới, nhà kính, các giải pháp tự động. Vừa làm, vừa khảo sát và tìm hiểu thị trường, Long nhận ra chính mảnh đất quê hương Lâm Đồng có nhiều cơ hội và tiềm năng cho doanh nghiệp phát triển. Anh quyết định lập nghiệp lâu dài ngay tại quê hương.

Năm 2021, công ty của Phi Long triển khai mô hình giá thể cho hơn 150 hộ dân, với diện tích hơn 5 ha tại tỉnh Lâm Đồng và hơn 40 hộ sản xuất tại các tỉnh, thành khác. Hiện Công ty Finom không chỉ cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Malaysia. Mô hình đã mang lại doanh thu đạt 11,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 18 thanh niên.

“Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp là phải đủ đam mê để dấn thân, có ý chí để vượt qua khó khăn, sáng tạo để đột phá, tạo dấu ấn riêng. Khi quyết định về quê lập nghiệp, tôi mong muốn được tạo điều kiện để những người trẻ như tôi có môi trường phát triển ngay tại chính quê hương của mình”, Phi Long chia sẻ.

 
Làm giàu từ nông nghiệp xanh ảnh 1
Anh Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Finom (thứ 2 từ phải qua) và khách tham quan tại nông trại thực nghiệm Finom

Mô hình không thuốc hóa học của chàng thạc sĩ người Tày

Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương có tiềm năng với các loại cây rau màu, củ quả, chàng thạc sĩ người Tày Lục Vân Anh (SN 1987, Phó Bí thư chi đoàn khuyến nông huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình trang trại giáo dục nông nghiệp sản xuất rau củ quả theo hướng hữu cơ và trải nghiệm.

Năm 2017, Lục Vân Anh bắt tay triển khai mô hình trên diện tích 5.000 m2. Những ngày đầu hiện thực hóa ý tưởng là chặng đường gian nan. Ngôi nhà tre dựng lên bị bão cuốn bay khi mới trồng được 1 vụ. Nguồn nước, đất đai không đạt tiêu chuẩn khiến nhiều vụ thu hoạch không đủ bù vốn.

Sau thời gian học hỏi, mày mò tìm hiểu trên mạng internet, năm 2019, Lục Vân Anh quyết định đầu tư xây dựng nhà kính chắc chắn, khung kim loại, mái lợp bằng màng nilon trong suốt, xung quanh bao bọc bằng lưới chắn côn trùng. Bên trong có hệ thống điện thắp sáng, hệ thống tưới nhỏ giọt… đáp ứng đúng quy chuẩn.

Làm giàu từ nông nghiệp xanh ảnh 2
Anh Lục Vân Anh (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc

Lục Vân Anh cho biết, để cây phát triển nhanh, hiệu quả cao và giảm được tối đa chi phí, anh sử dụng ong mật để thụ phấn cho hoa. Khi thiếu nắng, anh thắp bóng đèn. Nếu có sâu bệnh, anh dùng các loại thảo mộc tự chế hoặc chế phẩm vi sinh để phòng trừ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. 100% cây trồng được sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh.

Thành công bước đầu, Lục Vân Anh quyết định thành lập Hợp tác xã Sáu Không Farm. Hợp tác xã chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm rau màu, củ, quả đạt tiêu chuẩn chất lượng. Anh liên kết với các hộ dân ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên để trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, anh phát triển Hợp tác xã theo hướng mô hình trang trại giáo dục nông nghiệp: sản xuất rau, củ quả theo hướng hữu cơ và trải nghiệm.

Lục Vân Anh cho hay, sản lượng trung bình của hợp tác xã thu hoạch hàng năm đạt 60-80 tấn rau, củ, quả. Mô hình mang lại doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 25 thanh niên.

“Được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 là một vinh dự lớn đối với tôi. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục phát triển, tìm những hướng đi mới cho Hợp tác xã”, Lục Vân Anh chia sẻ. Dịp này, anh còn được trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi năm 2022.

Trao giải cho 32 cá nhân tiêu biểu

Tối 4/11, tại Ðà Lạt, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tỉnh Lâm Ðồng tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Ðịnh Của lần thứ XVII năm 2022 cho 32 cá nhân tiêu biểu được xét chọn từ 81 hồ sơ trên cả nước. Dự lễ có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Ðoàn; anh Ngô Văn Cương, Bí thư BCH Trung ương Ðoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ðoàn; đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng.

Dịp này, ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc tại cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022.

Theo TP