Làm vật liệu xây dựng từ vỏ hạt mắc ca để chống cháy

(CTG) Phát triển vỏ hạt mắc ca làm vật liệu nhẹ trong xây dựng công trình là dự án khởi nghiệp của nhóm sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi và học sinh Trường THPT Lương Văn Can, TP.HCM.

Lâm Thị Tú Anh, sinh viên lớp 63CX, Khoa Công trình, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi, trưởng nhóm cho biết dự án này sẽ sử dụng vỏ hạt mắc ca sấy khô để làm vật liệu nhẹ trong xây dựng. Cụ thể là tạo nên viên gạch rỗng, tấm bê tông.

Làm vật liệu xây dựng từ vỏ hạt mắc ca để chống cháy- Ảnh 1.

Nhóm tác giả của dự án phát triển vỏ hạt mắc ca làm vật liệu nhẹ trong xây dựng công trình

Ảnh: THANH NAM

Làm vật liệu xây dựng từ vỏ hạt mắc ca để chống cháy- Ảnh 2.

Những đoạn nhỏ của tấm bê tông chắn nắng làm từ hạt mắc ca

 

Theo Ngô Hữu Sơn, sinh viên lớp 63CX, Khoa Công trình, các thành phần chính của sản phẩm là vỏ hạt mắc ca, cát, nước, xi măng và một số chất phụ gia.Trước khi cho ra đời sản phẩm, nhóm đã dồn tâm sức nghiên cứu và thăm dò phản ứng của thị trường. Sau đó, liên tục thử nghiệm sản phẩm sao cho đáp ứng được các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng…

"May mắn là chúng mình đã thành công trong việc trình làng vật liệu xây dựng mới lạ, đồng thời có những tính năng vượt trội như: trọng lượng nhẹ, cường độ chịu lực và nhiệt, chống nóng tốt hơn gạch nung thông thường. Bên cạnh đó, còn cách âm tốt, có sức bền cao. Đặc biệt, có khả năng chống thấm, chống cháy cao...", Sơn cho biết thêm.

Võ Thị Thu Hiền, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Lương Văn Can, TP.HCM, chia sẻ: "Bê tông làm bằng vỏ hạt mắc ca đáp ứng được yêu cầu hiện nay của quy chuẩn PCCC cho công trình. Không chỉ vậy, sản phẩm sẽ làm tiêu hao ít tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, hạn chế những hệ lụy từ quá trình bê tông hóa như hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường".

Theo Nguyễn Viết Hy, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Lương Văn Can, qua sản phẩm này, nhóm mong góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho vỏ hạt mắc ca, xua đi nỗi lo của người dân và các cơ sở sản xuất. Vì từ trước đến nay, sản phẩm mắc ca chủ yếu được sản xuất từ nhân của hạt. Còn phần vỏ thì chưa được tận dụng nhiều, sản lượng vỏ hạt mắc ca dư thừa rất lớn. "Thế nên, sản phẩm của chúng mình đã và đang vạch ra một lối đi bền vững cho việc tiêu thụ vỏ hạt mắc ca, giúp bà con nông dân và các chủ doanh nghiệp nhẹ gánh lo âu, đôi bên đều có lợi", Hy chia sẻ.

"Với tính ứng dụng và khả thi cao, dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, công ty có uy tín về sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng tại TP.HCM. Đã có nhiều sản phẩm bán ra thị trường và nhận được những phản hồi tích cực, khách hàng bày tỏ mong muốn sử dụng lâu dài", Giáng My, một thành viên trong nhóm, kể.

Mới đây, dự án đã đoạt giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp "TLS - Innovation 2024" của Trường ĐH Thủy lợi.

Tiến sĩ Lê Trung Phong, Phó trưởng bộ môn kỹ thuật công trình, Khoa Công trình, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi, cho biết: "Dự án này chứa đựng nhiều tiềm năng theo định hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Sản phẩm giải quyết được các bài toán tăng lợi ích cho xã hội và giảm thiểu tác động môi trường. Qua đó, sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn phát triển nhanh và bền vững".

Theo TN