Với Bùi Thị Hương, tiếng gọi của núi rừng Yên Bái không chỉ đưa cô trở về khôi phục nghề dệt thổ cẩm, mà còn giữ lửa, “nuôi” nghề từ rác thải.
Hương (còn gọi là Hương Kim) vẫn nhớ như in tuổi thơ với hình ảnh các cô, các chị ngồi thêu, dệt thổ cẩm màu, đôi bàn tay của họ từ chỗ nuột nà dần chai sạn với cuộc sống mưu sinh. Lớn lên một chút, Hương cảm nhận rõ hơn công sức nhọc nhằn, mồ hôi và những đêm mất ngủ của người thân trong từng tấm áo cô mặc, từng chiếc khăn thổ cẩm cô đội trên đầu. Và khi được tiếp cận với các thông tin ô nhiễm môi trường từ rác thải, trong đó, có ngành nghề thời trang, cô đã chọn cho mình một con đường riêng: Về bản.
Với vốn liếng có được từ những ngày học Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, công việc đầu tiên của Hương khi trở về là vượt núi lên Suối Giàng thực hiện dự án “Khôi phục làng nghề thổ cẩm”.
Từ những ngày cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, người dân xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) thường xuyên chứng kiến một cô gái nhỏ nhắn cứ cuối tuần lại xuất hiện ở Yên Bái, rồi chiều chủ nhật lại từ Yên Bái “phi” xe máy một mình về Hà Nội. Ấy là Hương. Cô sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đi khảo sát địa bàn và tìm thêm những người bạn đồng hành. Niềm đam mê nghệ thuật, ý thức sống xanh vì cộng đồng và khát vọng giữ làng nghề truyền thống đã khiến họ đến được với nhau. Ban đầu, khoảng 20 người dân tộc Mông đã đăng ký tham gia dự án.
Bắt tay vào thực hiện dự án, Hương Kim đã dùng hết số tiền tích lũy được cho công tác khảo sát, sưu tầm các họa tiết hoa văn truyền thống, làm sơ thảo đề án bảo tồn họa tiết, lên thiết kế các sản phẩm mẫu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau đó mở các lớp học miễn phí dạy bà con cách phối màu, cách may sản phẩm. Hoạt động được bà con hưởng ứng tham gia.
Là người quan tâm tới môi trường, Hương Kim nhận thấy khối lượng rác thải từ ngành thời trang rất lớn, trong đó có quần áo cũ, nhiều chất liệu không thân thiện với môi trường, vì thế, cô đã nảy ra ý tưởng “nuôi” nghề thổ cẩm từ nguyên liệu tái chế. Những bộ quần áo cũ nhiều màu được họ tận dụng, giặt là cẩn thận. Từ những đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm thổ cẩm đã ra đời. Và, theo cách nói của cô chủ nhỏ cùng sự đồng tình của người dân, “sản phẩm khá lạ mắt và quan trọng là sử dụng được”.
Bên cạnh mục đích tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con từ bán sản phẩm thổ cẩm, Hương Kim cho biết, cô cũng sẽ trích 10% lợi nhuận từ mỗi chiếc túi bán ra để tạo quỹ hỗ trợ trẻ em và phụ nữ vùng cao. Quỹ này sẽ được dùng để giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh thực sự khó khăn, tổ chức các lớp học truyền dạy nghề mỹ thuật cho trẻ em và phụ nữ.
Cô gái nhỏ Hương Kim cùng những người bạn đồng hành hiện đang quảng bá sản phẩm ra thị trường rộng rãi trong nước và nước ngoài. Bởi một trong những mục tiêu quan trọng để cô thực hiện dự án đó là bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Theo cô, có nhiều cách để yêu quê hương, việc giữ lửa nghề dệt thổ cẩm kết hợp với bảo vệ môi trường mà dự án đang thực hiện là một việc làm xuất phát từ tình yêu ấy.
Theo Báo TNMT