Anh Nguyễn Đồng Long, Bí thư Đoàn TNCSHCM của VNPT, cho biết, chương trình “1 triệu giờ đồng hành” đã đào tạo cho nhiều nhân viên điểm bưu điện xã văn hóa, thanh thiếu niên, học sinh ở nông thôn, miền núi xa xôi làm quen với Internet.
Qua theo dõi cho thấy, nhiều người chưa biết tìm kiếm thông tin trên Internet nhưng nhờ có chương trình, họ đã biết cách vào các trang web tìm kiếm thông tin kinh tế - xã hội, về chăn nuôi, trồng trọt, thông tin phục vụ cho học tập như toán, lý, hóa, học tiếng Anh trực tuyến…
Tới thời điểm này, giai đoạn 1 của chương trình “1 triệu giờ đồng hành” đã có tổng số 200.458 giờ truy cập Internet, trong đó hơn 3.840 lượt truy cập Internet qua dial-up và gần 7,2 triệu phút truy cập qua Internet tốc độ MegaVNN tại các điểm truy cập Internet miễn phí.
Tính đến nay, chương trình được triển khai tại tất cả 64 tỉnh, thành, tới hơn 2.200 điểm bưu điện văn hóa xã có Internet.
Đặc biệt, giai đoạn 2 “1 triệu giờ đồng hành” đã tạo cơ hội cho hơn 200.000 người dân, thanh thiếu niên vùng sâu, vùng xa có cơ hội được làm quen và sử dụng Internet qua 1 triệu giờ truy cập miễn phí (sáng thứ ba và chiều thứ năm hàng tuần) tại 2.353 điểm bưu điện văn hóa xã của VNPT nhằm tìm kiếm các thông tin liên quan tới lao động và học tập, sản xuất, giữ gìn sức khỏe, tiếp nhận các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước…
Hiện nay, chương trình đang đi vào giai đoạn 3, triển khai tốt hơn trước qua mô hình ““Vườn tri thức”. Nói về việc xây dựng “Vườn tri thức”, ông Nguyễn Đồng Long cho biết, việc triển khai chương trình “1 triệu giờ đồng hành” sau khi tiến hành một thời gian cũng gặp nhiều khó khăn như một số điểm truy nhập qua giao thức dial-up chất lượng đường truyền không tốt. Bên cạnh đó, nhiều điểm chỉ có một máy tính cũ, có nhiều nơi máy hay bị hỏng. Mặt khác, giờ truy cập miễn phí lại trùng với thời gian đi học, đi làm của thanh niên nên cũng ảnh hưởng tới hiệu quả. Vì thế ý tưởng xây dựng khu “Vườn tri thức” với các thiết bị đồng bộ đã được hình hành.
Được sự chung tay góp sức của ngành, của Trung ương Đoàn cũng như nỗ lực của đoàn viên thanh niên, mô hình thí điểm đã đem tới cho chương trình “1 triệu giờ đồng hành” một bước tiến mới. Với diện tích khoảng 500m², “Vườn tri thức” được thiết kế gồm phòng đọc sách, sân giao lưu văn hóa, thể thao, CLB Internet giao lưu... với 10 máy tính, 1 máy in, webcam và tổ chức các đợt phổ cập tin học, Internet (miễn phí truy cập mạng 6 tiếng/tuần vào các buổi sáng thứ ba, chiều thứ năm hàng tuần)…
Để điều hành, duy trì hoạt động các “Vườn tri thức” là hơn 2.000 lượt đoàn viên, thanh niên VNPT và các thanh niên trí thức địa phương cùng phối hợp thực hiện. Nhiều hình thức phổ cập kiến thức tin học đã được tổ chức tạo được sự quan tâm của bạn trẻ như dạy trực quan, dạy thông qua webcam...
Theo đó, “Vườn tri thức” đã lần lượt được xây dựng tại các điểm như bưu điện văn hóa xã, doanh trại lực lượng vũ trang, trường học, hải đảo, xã đoàn. Tính cho tới thời điểm này đã có 5 “Vườn tri thức” được xây dựng tại đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương, Ninh Thuận, Gia Lai. Riêng trong năm 2009 sẽ có 13 “Vườn tri thức” được xây dựng tiếp dự kiến tại Côn Đảo, Lai Châu...
Với chương trình “1 triệu giờ đồng hành” đưa tri thức cũng như mạng Internet về nông thôn của VNPT, thanh niên sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với mạng lưới thông tin toàn cầu.