Du khách thưởng ngoạn mùa hoa sơn tra Nậm Nghẹp. |
Hết một đêm lắc lư trên chiếc xe khách hai tầng xuất phát từ bến Mỹ Đình (Hà Nội) qua quãng đường hơn 300 km, 6 giờ sáng, chúng tôi đến ngã ba Kim của huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), rồi đổi sang xe ô-tô bốn chỗ đi vào địa phận xã Ngọc Chiến. Từ bản Lướt, chúng tôi bắt đầu ngược núi lên “thủ phủ” của sơn tra trên những chiếc xe ôm do thanh niên bản địa am hiểu địa hình cầm lái.
Ở độ cao hơn 2.000 m...
Nậm Nghẹp cách trung tâm xã Ngọc Chiến khoảng 10km, nhưng đường lên chỉ có một đoạn ngắn được trải bê-tông, còn lại là đất đá gồ ghề do đang thi công. Khi lao dốc, chúng tôi phải gồng tay giữ chặt đuôi xe để không xô vào người thanh niên đang cầm lái, rồi lại vội vàng bám chặt thắt lưng họ để không bật ngửa ra sau khi xe bất chợt về số tăng ga vượt đèo.
Sau gần một giờ đồng hồ chỉ thấy đường đi ngày càng xấu, nhiều đoạn sạt lở, tất thảy đều tê rần, mặt mũi bơ phờ bởi gió bụi và những cú xóc nảy người trên các cung đường ngoằn ngoèo đầy những dốc cua “tay áo”. Hai bên đường chỉ lác đác vài cây táo mèo phủ đầy bụi đỏ, chưa thấy cảnh sắc thơ mộng như những bức ảnh chia sẻ đầy trên mạng xã hội.
Tranh thủ những đoạn đường bằng phẳng, khi có được trạng thái ngồi xe thăng bằng không phải bám víu, phóng mắt ra xa, chúng tôi chỉ thấy một bên là vực thẳm, một bên là điệp trùng núi...
Khi trong đầu vẫn còn mải mường tượng về cảnh bạt ngàn hoa trắng thì đoàn xe máy đã lao vút qua cổng chào có dòng chữ “Bản Nậm Nghẹp kính chào quý khách!”. Vừa được thả lỏng người trong giây lát thì đã thấy ngập tràn những cành, những tán táo mèo hoa trắng xóa vun vút, loang loáng qua trước mặt. Chúng tôi nhanh chóng lọt vào biển hoa trắng muốt bồng bềnh và rực rỡ.
Nằm ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, Nậm Nghẹp với hơn 130 hộ dân, toàn bộ là người H’Mông-là bản heo hút nhất, rẻo cao nhất của xã Ngọc Chiến. Dù đã có điện, có nước sạch và cả internet, Nậm Nghẹp vẫn rất nghèo nàn và lạc hậu.
Bù lại, tạo hóa đã ban tặng nơi này không khí mát mẻ trong lành, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng với bạt ngàn rừng sơn tra cổ thụ. Cứ vào tháng 3 hằng năm, hoa sơn tra bung nở từng chùm, phủ trắng núi đồi, như “thắp sáng” bản nghèo khiến Nậm Nghẹp đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Dăm năm trước, Nậm Nghẹp từng được cộng đồng yêu du lịch khám phá, trải nghiệm miền núi rừng Tây Bắc nhắc đến, nhưng do đường sá đi lại khó khăn, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu ăn ở, nên dù nằm trong danh sách những điểm phải đến một lần trong đời của nhiều người, Nậm Nghẹp vẫn chỉ là một địa danh xa ngái! Thời gian gần đây, khi phong trào du lịch leo núi (trekking) phát triển, thay vì leo đỉnh Tà Chì Nhù từ huyện Trạm Tấu (Yên Bái), du khách có thêm cung đường khám phá đỉnh núi này từ bản Nậm Nghẹp.
Khi hoa đỗ quyên rực rỡ trên đỉnh Tà Chì Nhù thì ở Nậm Nghẹp, du khách cũng mê mải đắm chìm giữa những cánh rừng sơn tra hoa trắng tinh khôi. Với độ cao lý tưởng, phong cảnh núi rừng hoang sơ, du khách đến Nậm Nghẹp vào mùa hoa sơn tra hay mùa thu hoạch quả, thậm chí bất kỳ thời điểm nào trong năm, đều dễ dàng “săn” mây, ngắm hoàng hôn thành công.
Nơi chúng tôi dừng nghỉ là nhà anh Thào A Vạng, chủ homestay A Vạng - một trong những cơ sở lưu trú ở bản Nậm Nghẹp. Người H’Mông đầu tiên làm du lịch cộng đồng trong bản là anh Kháng A Lệnh, chủ homestay Ánh Sáng. Bây giờ trong bản có thêm nhà A Lự, A Thành, A Trống, A Sử… cùng làm. Vì mới làm du lịch cộng đồng ở giai đoạn khởi đầu nên cung cách làm du lịch của người dân còn hết sức mộc mạc, giản dị.
Đưa đặc trưng sơn tra vào sản phẩm du lịch
Chuyến dạo chơi quanh bản Nậm Nghẹp và vào rừng sơn tra của chúng tôi kết thúc bằng buổi chiều ngắm hoàng hôn đỏ rực tại quán cà-phê có cái tên rất tây nhưng ý nghĩa thì cực kỳ lãng mạn: The Lover Hill (Ngọn đồi của người đang yêu). Giữa lưng chừng trời mây, ngồi dưới tán cây sơn tra được treo đầy những dây ruy-băng đỏ đu đưa theo gió, thưởng thức trà ướp hoa sơn tra, phóng tầm mắt tới dãy núi xa xa cùng những bản làng yên ả trong ánh chiều tà Tây Bắc là một trải nghiệm đầy xúc cảm.
Lúc mặt trời xuống thấp khuất sau khoảnh rừng, cũng là lúc rộ ran tiếng gà lục tục lên chuồng. Chúng tôi về đến homestay A Vạng thì màn đêm cũng vừa buông xuống. Cả bản tĩnh lặng, chỉ có gió hú và ánh lửa bập bùng nhảy nhót trên chảo củi. Bữa tối của chúng tôi tươm tất hơn nhờ món lẩu gà bản, thêm ít rau cải và sẵn một chai rượu ngâm quả sơn tra trên bàn.
Thào A Vạng là một trung niên người H’Mông với tư duy nhanh nhẹn, thích ứng xu hướng chuyển đổi làm du lịch cộng đồng. Nắm bắt được lợi thế của cây sơn tra và không gian thiên nhiên lãng mạn, A Vạng tham khảo, học hỏi mô hình làm du lịch cộng đồng của người đi trước trong bản và một số địa phương, trong đó có mô hình homestay A Chu của anh Tráng A Chu (một người H’Mông ở bản Hua Tát, huyện láng giềng Vân Hồ). Từ đó cả gia đình anh bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, vừa làm vừa học hỏi, tham khảo ý kiến du khách lưu trú để điều chỉnh và bổ sung dần dần.
Khu homestay của A Vạng có hai căn nhà gỗ và một nhà cộng đồng phục vụ du khách. Nằm trên đỉnh đồi, khu homestay của A Vạng có vị trí đắc địa, từ đây có thể quan sát, ngắm toàn cảnh bản làng từ trên cao. Quanh nhà, góc nào cũng có cây sơn tra tạo nên bối cảnh thiên nhiên gần gũi và đẹp đến mê dụ với du khách vốn thích chụp ảnh. Ngoài điểm nhấn là những ngôi nhà mái lợp gỗ truyền thống nép dưới tán sơn tra, anh Vạng còn treo một chiếc xích đu phục vụ du khách.
Được thưởng thức bữa tối với nhiều món ẩm thực bản địa ngay dưới tán cây sơn tra hơn trăm tuổi, thân gốc xù xì bám đầy địa y và dây tầm gửi thật sự là một trải nghiệm thật khó quên. Mỗi đợt gió ào qua giật tung những cành táo, A Vạng lại nhanh tay lật đảo thanh củi to để lửa cháy âm ỉ giúp chúng tôi giữ ấm. Thân thiện bắt tay chào hỏi, mời thực khách chén rượu táo mèo thanh nhẹ, chỉ vào gốc cây sơn tra, anh Vạng kể: “Cây táo này có từ đời ông tôi. Cây sơn tra gắn bó với người H’Mông chúng tôi bao đời rồi, đó là một biểu tượng cho sức sống bền bỉ của tộc người. Sơn tra cùng thảo quả là hai sản vật chính mang lại nguồn thu nhập ổn định của dân bản mỗi mùa thu hái. Ba năm gần đây, mỗi mùa sơn tra nở hoa, khách du lịch kéo đến bản rất đông, nhờ đó homestay của tôi thường xuyên đông khách”.
Sự hồn hậu, chất phác, thân thiện và lòng hiếu khách của gia đình anh chị khiến chúng tôi rất cảm mến. Các con của anh Vạng cũng rất thân thiện cùng ngồi trò chuyện với chúng tôi. Sáng hôm trước, họ đã đón chúng tôi lên bản bằng xe máy. Nghề xe ôm giúp họ có thêm thu nhập, ngoài ra họ còn tham gia làm hướng dẫn viên đưa đường, dẫn lối cho những du khách thích trải nghiệm leo núi ở đây. Họ luôn cầu thị lắng nghe và bày tỏ mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất.
Khai thác thế mạnh từ cây sơn tra, với sức hút của điểm đến, sự lan tỏa mạnh trên mạng xã hội như hiện nay, nếu đường lên bản đang nâng cấp được hoàn thiện vào cuối năm nay, chắc chắn lượng du khách đến Nậm Nghẹp sẽ rất đông. Song, nếu cách làm du lịch của người dân nơi đây vẫn cứ đơn giản, có gì dùng nấy như hiện nay, Nậm Nghẹp khó mà giữ chân được du khách.
Nơi đây nhiều lợi thế để có thể xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng từ cây sơn tra, như: Cắm trại ngắm hoa sơn tra, ngủ lều trong rừng táo, xây dựng các điểm kết nối du lịch leo núi (Tà Rông, Háng Coa Đề), liên kết các dịch vụ chung quanh như tắm khoáng nóng tự nhiên bản Lướt, leo thác, lội suối bắt cá, hái quả sơn tra...; đồng thời gia tăng nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm nghề truyền thống, tìm hiểu văn hóa, phong tục và cuộc sống của đồng bào H’Mông; phát triển các sản phẩm đặc sắc từ cây sơn tra như mật ong, trà, rượu vang...
Thế nhưng, Nậm Nghẹp cũng rất cần một lộ trình để đầu tư, hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng cư dân nơi này cung cách làm du lịch thật sự bài bản, để trong tương lai gần, bản rẻo cao này sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng kết hợp thưởng thức âm nhạc, trại sáng tác mỹ thuật, văn học, điêu khắc… hấp dẫn của khu vực Tây Bắc.
Theo Nhân Dân |