Nặc danh, người hiền và...ai làm tổn thương ai?

(CTG) Thư mạo danh, nặc danh, ẩn danh những người hiền bất tử và ai đang làm tổn thương ai...là những chủ đề nổi bật mà Phát ngôn và Hành động muốn chia sẻ với bạn đọc tuần này.


"Nặc danh" và cha đẻ

Ngày 13-12 mới đây, VietNamNet đăng lá thư của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn chính thức gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội bác bỏ một lá thư mạo danh ông, trước đó lan truyền trên mạng Internet nhằm quy chụp, bôi nhọ một số tổ chức và lãnh đạo. Ông đề nghị làm rõ vụ việc và nhân đó, cảnh báo về hiện tượng mạo danh với những dụng ý xấu.

Không biết, trong lịch sử loài người, ai là kẻ đầu tiên nghĩ ra cái trò thư mạo danh nhỉ? Kẻ đó, hẳn phải là người vừa thông minh, vừa gian hùng, xảo quyệt. Lịch sử phát triển thì thư không chính danh cũng phát triển. Có thư mạo danh, thì cũng có thư nặc danh, thư ẩn danh, và khuyết danh. Loại hình nào cũng có chữ "danh", chỉ danh thực không chính, nên ngôn nhiều khi không thuận.

- Thư mạo danh: Ngay tên gọi của nó đã nói lên bản chất- đó là mạo danh người khác để viết nhằm thực hiện một mục đích riêng, như trường hợp Tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa nói trên. Thư mạo danh chắc chắn mang ý đồ xấu, để thực hiện ý đồ riêng của cá nhân, hoặc tổ chức nào đó.

- Thư nặc danh: Nghĩa của nặc danh là giấu tên, không có tên người viết. Trong thực tế, người ta thấy loại thư nặc danh là phổ biến trong các loại thư (đơn) không chính danh. Loại này phức tạp nhất, và có thể chia làm 2 loại. Loại nặc danh tử tế- là loại thư mang mục đích tốt, có ý nghĩa "chân chính", nhưng vì sự bất lợi tới bản thân, đề phòng sự trả thù, mà người viết phải "nặc danh".

Loại thứ 2, mang tính phổ biến không kém là loại thư nặc danh xuất phát từ sự bất đồng, mâu thuẫn cá nhân, ghen ghét, đố kỵ dùng để triệt hạ nhau trên con đường thăng tiến. Thư nặc danh loại này, thường xuất hiện nhiều vào trước kỳ họp có bầu bán, đại hội...liên quan đến nhân sự. Có những nội dung tích cực nhất định, nhưng cũng không ít nội dung tố cáo vu khống, dựng chuyện.

.....

Thư không chính danh có nhiều loại, thì xử lý cũng nhiều cách khác nhau. Nói cho công bằng, loại thư mạo danh như lấy tên của Tướng Đồng Sỹ Nguyên thì đơn giản hơn. Nhất là trong thế giới phẳng hiện nay, chỉ cần người chính danh- ở đây là Tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi thư khẳng định sự thật, giả, thì lá thư mạo danh kia, dù có viết tốn bao công sức, với bao mưu ma chước quỷ, cũng dễ bị vô hiệu hóa. Không ai còn tin ở lời lẽ của lá thư rởm đó nữa.

Nhưng khó nhất, xử lý phức tạp nhất là loại thư nặc danh. Khó bởi loại thư này lẫn lộn chính tà, lẫn lộn trắng đen, lẫn lộn thiện ác, lẫn lộn người và ma. Bởi sự lẫn lộn của các giá trị và mục đích, mà ngay các chuyên gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau, cho đến giờ hình như vẫn chưa ngã ngũ.

Thư nặc danh, vì thế, vẫn nhảy múa, vẫn rộn rịp lưu thông, và chung sống ngang nhiên với con người. Cho dù, có không ít người phải khốn đốn, thân bại danh liệt vì những con chữ bé tí xíu mà ác độc kia. Hoặc cũng có những kẻ bất nhân đã bị lôi ra ánh ngày.

Xã hội văn minh tiên tiến, hay lạc hậu chậm phát triển, thì thư nặc danh vẫn có đời sống riêng, có bầu trời riêng của nó. Bởi nó có nền tảng vững chắc là mối quan hệ con người với con người, là các mối quan hệ dân sự luôn nảy sinh.

 



Tướng Đồng Sĩ Nguyên


Tuy nhiên, nói cho cùng, thư nặc danh chân chính sinh sôi nảy nở nhiều hay bị "triệt sản" lại phụ thuộc vào tính chất xã hội dân sự: Dân chủ hay chưa dân chủ? Gần dân, vì dân hay quan liêu, vô cảm? Thiết chế quản lý và pháp luật công khai minh bạch hay tù mù? Có luật bảo vệ nhân chứng hay chưa?...

Nghĩa là nó phụ thuộc vào "cha đẻ"- xã hội chúng ta, chứ không thể sinh sản vô tính. Một khi cha đẻ nó chưa hoàn thiện, thư nặc danh còn tiếp tục sản sinh.

Hãy cứ thử hình dung, một lá thư tố cáo của cấp dưới với cấp trên, mà sau một đoạn dài chạy lòng vòng các cửa, cuối cùng, "em lại trở về với nỗi đau em" (mượn ý thơ Xuân Quỳnh)- trở về điểm xuất phát, rơi vào tay của vị cấp trên kia? Vậy thì số phận người tố cáo sẽ ra sao? Hay người tố cáo chỉ có nước xin nghỉ việc cho nhanh? Đó có phải là cá biệt, hay là tình trạng hiển nhiên? Sự quan liêu của các cơ quan chức năng, đã khiến người chính danh, tự nhiên thèm được ...vô danh.

Như vậy, thư nặc danh (chân chính) sinh ra hay mất đi, được quyết định bởi chất lượng quản lý một xã hội, bởi chất lượng đội ngũ lãnh đạo cốt cán các cấp, bởi thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp rành mạch, công bằng, công khai và minh bạch.

Và khi ấy, loại thư nặc danh (không chân chính) dùng để triệt hạ nhau, cản đường thăng tiến nhau, chỉ như thứ gia vị hỉ, nộ, ái, ố tầm thường mà con người ta phải sống chung, và không thể....ly hôn.

Những người hiền viết sử

Có 2 con người, trong tuần qua, khi "về trời" đã khiến tất cả người Việt, dù ở gần hay ở xa, dù ở trong nước hay ngoài nước, đều phải cúi đầu vì kính trọng và nể phục nhân cách lớn của họ. 2 người, cụ ông và cụ bà, đều sống trọn thế kỷ và hơn một thế kỷ. 2 cuộc đời, về tuổi thọ là hiếm và quý, nhưng câu chuyện về đời họ còn hiếm và quý hơn nhiều. Họ là những người mà tâm hồn cực kỳ trong trẻo, nhưng ý thức lẽ sống đời người cực kỳ sâu đậm, sắt son. Họ là những người biết yêu sâu sắc, mà yêu thương lớn nhất là dành cho Tổ quốc.

Người này, một trí thức lớn, con nhà giầu, quê xã An Lục Long (Châu Thành- Long An) đã từ bỏ tất cả để đi tìm lẽ sống trong sự dấn thân của mình cho lý tưởng yêu nước. Ông là GS Trần Văn Giàu, cái tên cũng nhung lụa như gia cảnh con người. Nhưng chí làm trai đã khiến ông chọn lựa cho mình "con đường đau khổ"- làm cách mạng, giữa thời cuộc đất nước thăng trầm, đồng hành với chí dân tộc.

Tâm hồn trong trẻo, bởi có lúc tham gia chính trường, ông đã là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ. Rồi Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Đứng dưới ít người, đứng trên vạn người.

Nhưng cách mạng cần, ông trở thành người đặt nền móng cho ngành GD đại học của đất nước, nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn uyên thâm nhiều lĩnh vực, nhưng đặc biệt là trong lĩnh vực sử học. Ông làm học thuật mà không hề vướng nợ trần ai. Với ông, mọi hư danh như của phù vân, được đó rồi mất đó...

Ông chọn sử học hay chính sử học chọn ông?

 



Giáo sư Trần Văn Giàu


Có lẽ chính sử học đã chọn ông. Bởi nếu không, làm sao ông được đánh giá "là một nhà sử học có số công trình nghiên cứu đồ sộ hiếm thấy, nằm trong danh mục trích dẫn của hầu hết công trình nghiên cứu sau này về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20".

Lịch sử đã chọn ông, để trao cho ông tất cả, hành trình thăng trầm và đau thương của dân tộc Việt từ thời cận đại, vắt sang hiện đại, trải qua những giông bão chiến tranh chống các loại đế quốc xâm lược để khẳng định chính nền độc lập tự do dân tộc trước nhân loại, hiện lên hùng tráng và bi tráng trong toàn bộ công trình về Lịch sử Việt Nam 5 bộ, 18 tập (1956-1957) với hàng vạn trang in.

Và lịch sử đã chọn ông, để trao cho ông sự đào sâu, nghiền ngẫm và đúc kết "Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám", khi ông vào tuổi 80, với tất cả cái minh triết và tất yếu của quy luật, cùng đặc điểm hoàn cảnh lịch sử khách quan của ý thức hệ tư tưởng một dân tộc.

Người kia, chỉ là một người mẹ nông dân Việt Nam bình thường. Mẹ là Nguyễn Thị Thứ- cái tên đã có nghĩa của lòng bao dung, đức hy sinh. Giá không có chiến tranh, hẳn mẹ Thứ cũng như muôn ngàn người mẹ Việt Nam khác, tần tảo chắt chiu nuôi chồng, nuôi con, tìm thấy hạnh phúc trong sự khôn lớn của bầy 9 đứa con yêu quý.

Nhưng chiến tranh xâm lược đã buộc người đàn bà bé nhỏ ở một góc trời xa của làng quêĐiện Thắng Trung (Điện Bàn- Quảng Nam) phải đứng lên, dâng hiến lần lượt 9 đứa con ruột thịt yêu quý cho Tổ quốc đang lâm nguy. Không chỉ thế, Mẹ còn dâng hiến cả một đứa con rể, 2 đứa cháu ngoại. Bỗng nhớ tới lời ca nghẹn ngào trong Đất nước (Phạm Minh Tuấn và Tạ Vĩnh Yên): "Ba lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ"...

Mẹ đã 11 lần tiễn các con, các cháu đi. Nước mắt chảy ngược, rồi không còn nổi cả nước mắt để khóc cho những núm ruột của mình

Vì thế, trong ngày Mẹ trở về "xum họp" với những đứa con, đứa cháu, nước mắt của biết bao người đã rơi. Mẹ Anh hùng lại sinh con Anh hùng. Con gái Mẹ- bà Lê Thị Trị, nay đã 80 tuổi, cũng là một bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Huyền thoại Mẹ (Trịnh Công Sơn) không ở lời ca bước ra cuộc đời, mà chính là từ cuộc đời, từ Mẹ Thứ, mẹ Trị và biết bao mẹ Việt Nam Anh hùng khác bước vào thi ca, âm nhạc.

Thế kỷ 20, 21 là thế kỷ may mắn bởi có những người tuyệt vời như GS Trần Văn Giàu, như Mẹ Nguyễn Thị Thứ. Họ là những Anh hùng. Một người là Anh hùng Lao động, một người là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng họ đều là những người hiền, "viết sử" Đất nước bằng chính cuộc đời mình. Một người viết bằng trí tuệ thông kim bác cổ, để ra đời những tác phẩm nghiên cứu đồ sộ, một người viết bằng những núm ruột máu thịt xót xa. Họ là tột đỉnh của lòng yêu nước, nghĩa Tổ Quốc, tình đồng bào. Họ đã về trời, vì thế họ thành bất tử.

 



Mẹ Nguyễn Thị Thứ


Ai làm tổn thương ai?

Liên tục suốt mấy tuần qua, báo chí tốn không ít giấy mực xung quanh câu chuyện quan hệ thầy trò của Trường THPT Bến Tre, (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ở đây là quan hệ thầy trò không bình thường giữa thầy hiệu phó và một nữ sinh. Mỗi ngày, vụ việc lại thêm những tình tiết mới rất ấn tượng, theo kiểu "thầy nói thầy phải, trò nói trò hay", khiến người đọc nhiều lúc phải nhăn mặt, lắc đầu thất vọng. Và những người thầy có nhân cách trong ngành giáo dục thấy xấu hổ.

Câu chuyện quan hệ thầy trò này mỗi lúc một phức tạp, đành phải chờ vào công tác điều tra, kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Xét về góc độ nhân văn, người thầy bao giờ cũng là thần tượng của học trò. Có những học trò, vì quá thần tượng thầy mà chọn nghề dạy học. Đó là những tình yêu của trò với thầy thật trong sáng.

Ở độ tuổi học trò cấp trung học, cũng rất dễ hiểu khi một nữ sinh có tình cảm với thầy. Ở đó, do tâm sinh lý lứa tuổi phát triển, ngay trong tình cảm dành cho thầy, đã có chút ít bản năng giới. Thế nhưng giá như người thầy, ở đây là thầy hiệu phó nhà trường có được kỹ năng ứng xử sư phạm tốt, và có được sự "tự giáo dục"- một tiêu chí phải có của người làm sư phạm, chắc chắn cả 2 thầy trò không rơi vào tình thế "ma dẫn lối, quỷ đưa đường".

Tuy nhiên, câu chuyện đó không phải là giọt nước tràn ly. Bởi cái ly giáo dục đã tràn tự rất lâu rồi. Tự lâu rồi, xã hội không còn sốc nữa, trước những thông tin "thầy gạ tình trò, đổi lấy điểm", "sàm sỡ trò", không còn sốc nữa trước thông tin "hiệu trưởng mua dâm nữ sinh", không sốc nữa trước những clip nữ sinh đánh hội đồng, không sốc nữa trước những clip thầy tát trò, cô giáo chửi trò, xưng mày tao...theo kiểu chợ búa.

Bởi tự lâu rồi, có phải giáo dục cũng là một thị trường tấp nập? Ở đó, một chỗ học, một cái bằng cấp cũng phải bán, mua. Điểm số "đắt, rẻ" và nhân cách người thầy cũng "rẻ, đắt" theo đồng tiền trao tay. Ở đó, giáo dục được xếp hạng tham nhũng nổi cộm (ý kiến của ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ ở phiên họp toàn thể của Hội nghị cấp cao khai mạc 20/9 tại New York). Khi tham nhũng nổi cộm thì sự thiêng liêng của đạo học, đạo thầy trò... bẹp gí.

Cách đây ít năm, trên báo chí đưa ra những bài viết phê phán chương trình giáo dục, sách giáo khoa nhiều điều bất cập, một vụ trưởng vụ chức năng của ngành đã bất bình: "Ở nước ngoài, người ta không bao giờ đưa việc mổ xẻ chương trình, SGK lên mặt báo. Vì làm như thế là giáo dục mất thiêng"

Nhưng rốt cuộc, chất lượng chương trình, SGK trở thành nỗi lo cho cả xã hội đến tận bây giờ, dù đã qua biết bao lần giảm tải, điều chỉnh, viết sách, chỉnh sửa.... Sự mất thiêng của giáo dục không phải do chính giáo dục, thì do ai đây?

Khi gia đình học trò cô bé H, vượt qua cả lễ nghĩa thông thường của sự tôn sư trọng đạo, dám đánh đập, hành hung, dọa nạt và xúc phạm thầy hiệu phó Trường THPT Bến Tre, ấy là khi, đáng buồn thay, ngành giáo dục trong con mắt người dân, đã không còn mảnh áo che thân.

 


Thầy và trò ai làm tổn thương ai? 

Khi mới lên nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT hiện nay có một câu trả lời phỏng vẫn khá ấn tượng, đại ý: "Tôi không muốn tạo dấu ấn cá nhân!". Có thể câu nói đó hàm ý sự khiêm nhường của ông, có thể ông muốn lặng lẽ để gắng làm tốt hơn trọng trách mới mà một Bộ trưởng phải gánh, giữa bộn bề thách thức.

Nhưng ông không muốn tạo dấu ấn cá nhân thì ngành giáo dục của ông, ở cơ sở, các nhà trường, thầy, cô, trò nam, trò nữ thi nhau tạo dấu ấn cá nhân bằng những vụ việc gây sốc. Đến nỗi có ai đó đã thốt lên: Đến bao giờ thì ngành ra ngành, thầy ra thầy, trò ra trò?

Ngành giáo dục từng bất bình, cho rằng xã hội làm ngành bị tổn thương. Nhưng xét cho cùng, bằng những vụ việc, từ chương trình, sách giáo khoa, cho tới chuyện thương trường giáo dục, chuyện đạo lý thầy trò băng hoại, chính ngành tự làm tổn thương mình, và làm tổn thương xã hội.

Giáo dục hôm nay, dân tộc ngày mai. Nhìn vào giáo dục mà thấy lo quá cho tương lai.




Theo Tuần Việt Nam