Bởi ngay khi xác định rời công việc đang làm, Linh hiểu đang bắt đầu chặng đường mới với tinh thần tình nguyện là chính và không nhận lương.
Nguồn động lực mạnh mẽ khi ấy có chăng là cảm xúc được kết nối với tầm nhìn, sứ mệnh và ý nghĩa mà LTC hướng đến, cống hiến vì mục tiêu tạo tác động cộng đồng. Từ những bước đi đầu tiên, sau 7 năm nhìn lại, mọi người thấy được động viên với những con số.
Linh cùng đội ngũ đã chia sẻ kiến thức đến khoảng 72.000 người trẻ đang theo dõi và là thành viên của LTC, 250 sự kiện khác nhau giúp truyền cảm hứng đến hơn 15.000 bạn khắp cả nước.
Một mạng lưới 500 người cố vấn hình thành đã hỗ trợ cho cả ngàn bạn trẻ khác, cùng chia sẻ trong các hoạt động cộng đồng như trồng cây, tặng thư viện, trang bị lớp học trực tuyến cho trẻ em vùng sâu vùng xa...
Nữ thủ lĩnh ấy còn tham gia ban điều hành Women Will Hồ Chí Minh - sáng kiến toàn cầu thuộc chương trình "Grow with Google" với mục tiêu truyền cảm hứng, phát triển năng lực lãnh đạo, tạo cơ hội kinh doanh và trao quyền cho phụ nữ.
Bước ra thế giới, tiếp xúc tại nhiều quốc gia khác nhau, tôi nhận ra người Việt đủ khả năng và có thể đứng vững, góp phần vào đa dạng lĩnh vực như công nghệ, kinh doanh, giáo dục, cả các lĩnh vực khác của quốc tế.
LINH HOÀNG
Thúc người trẻ bước tới
Có thể kể ra những dự án LTC đang thực hiện gồm: Give it back - dự án gây quỹ cộng đồng mô hình cố vấn 1-1 kết nối các bạn trẻ với chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm và thực hiện các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cho các cộng đồng yếu thế, Ready to lead - học bổng phát triển nhân tài dành cho các bạn 20-25 tuổi, Lead the change exchange trip - chương trình đưa bạn trẻ Việt Nam đi đào tạo tại Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Khát khao lớn nhất của Linh và cũng là của LTC không gì khác ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động tương lai. Bởi báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016 - 2017, Việt Nam tụt lại đằng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0, chỉ xếp trên Lào và Campuchia.
Những người sáng lập LTC muốn tạo ra môi trường học tập và trải nghiệm, nơi các doanh nhân, chuyên gia tham gia trực tiếp hỗ trợ các bạn trẻ, từ đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Xa hơn sẽ tạo ra một thế hệ trẻ có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, tham gia vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
5 năm đầu, LTC hoạt động với mô hình không vì lợi nhuận, 90% hoạt động đều miễn phí, nguồn ngân sách từ các cá nhân cùng một số công ty tài trợ.
Nhưng thời điểm Linh nhận vai trò giám đốc điều hành cũng chính là lúc dịch COVID-19 ập đến, hoạt động kinh doanh gần như tê liệt, tài chính vận hành LTC cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. "Quyết định đầu tiên trong vai trò mới của mình là chuyển LTC thành doanh nghiệp tạo tác động xã hội để vận hành độc lập, bền vững trên đôi chân chính mình", Linh kể.
LTC đã khá tốn công tìm tòi, thử nghiệm mô hình "Lãnh đạo trẻ tiên phong". Qua khảo sát cả ngàn bạn trẻ cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước, LTC có bức tranh rõ hơn về các thách thức người trẻ Việt Nam đang đối mặt, cả những điều doanh nghiệp thực sự mong muốn từ đội ngũ trẻ.
Kết quả chỉ ra các bạn trẻ trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng chỉ lo tập trung vào thế giới bên ngoài mà quên khám phá thế giới bên trong mình.
Điều này lý giải cho các nhận định của nhà tuyển dụng về thế hệ của trầm cảm, chán nản, nhiều lo lắng, thiếu bền bỉ, chịu áp lực kém, dễ dàng nghỉ việc... khi nhắc đến các bạn trẻ hiện nay.
Mà ngay chính các bạn trẻ cũng không thực sự hiểu về bản thân họ, ít được hướng dẫn cách quản trị bản thân, chưa kể còn bị chi phối nhiều từ bên ngoài.
Mô hình "Lãnh đạo trẻ tiên phong" hình thành với tham khảo từ nhiều mô hình, học thuyết khác nhau từ chuyên gia, nhà khoa học, tác giả lĩnh vực đào tạo lãnh đạo để phát triển với bốn trụ cột: kỹ năng, kiến thức, tư duy, nhân cách. Đồng thời phát triển ở ba cấp độ: tự lãnh đạo, lãnh đạo người khác và lãnh đạo tạo ra sự thay đổi.
Theo TT