Ngã rẽ khởi nghiệp

(CTG) “Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO” số thứ 29 đã lên sóng lúc 9h45 ngày 8/9/2019.

CEO Nguyễn Thái Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào tạo BE .

Nhân vật chính của chương trình là CEO Nguyễn Thái Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào tạo BE .

CEO Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark.

Hai khách mời là CEO Trần Quốc Việt - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark và ông Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Tài chính- ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.

Ông Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Tài chính- ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.

Anh Duy là người đầu tiên trong làng mình đỗ đại học. Với anh, học là con đường duy nhất để thoát nghèo.

Từ Khánh Hoà lên TP Hồ Chí Minh, anh Duy vừa học vừa bươn trải đủ nghề để mưu sinh. Tốt nghiệp đại học, anh đầu quân cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên xuất khẩu đồ gỗ. Ở đây anh được tiếp cận những đơn hàng nước ngoài, hiểu về thị trường gỗ, tạo dựng quan hệ với các đơn vị gia công. Giấc mơ kinh doanh đồ gỗ của anh Duy dần hình thành và lớn dần theo những kiến thức anh chắt chiu được.

Năm 1998, anh Duy bắt đầu tập kinh doanh ngoài giờ làm. Anh Duy dồn toàn bộ vốn liếng, lấy nước mắm giá rẻ từ quê lên Thành phố bán; nhưng suốt 3 tháng kinh doanh, chỉ dậm chân tại chỗ, phòng trọ của anh chất đầy nước mắm.

Anh bỏ công tìm hiểu sâu hơn về thị trường mới nhận ra, nước mắm giá rẻ phần lớn chỉ bán được các quán ăn bình dân, nơi anh không thể cạnh tranh về giá. Muốn thành công, anh phải nhắm đến phân khúc thị trường có biên độ lợi nhuận cao hơn, những hộ gia đình, những người thích nước mắm ngon để ăn và để biếu.

Anh Duy chấp nhận bán lỗ vốn toàn bộ hàng tồn, chuyển sang buôn nước mắm nhĩ cao cấp. Đúng nhu cầu thị trường, lượng tiêu thụ sản phẩm của anh tăng lên nhanh chóng, có những giai đoạn anh bán được hơn 5.000l nước mắm mỗi tháng. Đặc biệt anh có được bài học thị trường sâu sắc.

Sau 3 năm, anh Duy đã mua được nhà, được xe. Thời điểm đó, anh Duy có một cuộc sống khá ổn định, vừa đi làm, lại vừa kinh doanh “tay trái” phát đạt.

Vì vậy khi quyết định từ bỏ tất cả để khởi nghiệp, anh phải đối mặt với áp lực từ gia đình và người thân. Vượt qua tất cả, năm 2005, anh nghỉ việc và mở doanh nghiệp đồ gỗ. Anh Duy nhận các đơn hàng nước ngoài, đặt gia công đầu vào, chịu trách nhiệm công đoạn cuối: đánh bóng và đóng gói sản phẩm.

Vốn có sẵn kiến thức, mối quan hệ trong ngành nên công việc của anh khởi đầu thuận lợi. Sau gần 1 năm, công ty anh Duy dần được khách hàng tin cậy, có chỗ đứng trên thị trường. Mở đầu thành công, anh Duy quyết định chơi lớn. Năm 2006, anh Duy dồn toàn bộ vốn liếng mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, nhân sự để chủ động toàn bộ khâu sản xuất. Anh huy động anh em làm việc ngày đêm để kịp tiến độ các đơn hàng. Những lô hàng đầu tiên rời bến trong tâm trạng vô cùng hân hoan của mọi người. Anh Duy bắt đầu nghĩ đến việc xây nên xưởng thứ hai, thứ ba,.. giấc mơ về một doanh nghiệp hàng đầu thị trường dường như đang ngay trước mắt.

Nhưng .. ngày hàng cập cảng khách, thay vì trái ngọt, công ty lại nhận hàng loạt thư, điện khiếu nại và từ chối nhận hàng do sản phẩm không đạt chất lượng. Anh Duy choáng váng, tối tăm mặt mày.

Hàng phải quay đầu, tiền hàng không được thanh toán lại phải bồi thường hợp đồng, uy tín vừa gây dựng được bỗng chốc mất hết. Anh rơi vào cảnh nợ ngập đầu trong khi hàng chất cao như núi, khách hàng quay lưng, nhân sự hoang mang. Công ty chưa tròn 2 tuổi, lẽ nào anh sẽ phải đóng cửa, còn nhà xưởng, máy móc, bao nhiêu nhân sự và còn giấc mơ của anh? Nhưng nếu đi tiếp anh phải làm thế nào? Hàng tồn kho kém chất lượng không bán được. Tài chính về số âm, tiền đâu để tiếp tục sản xuất, nuôi nhân sự, duy trì nhà xưởng? Trên hết, còn khách hàng nào tin công ty anh và đặt hàng nữa không? Anh Duy thực sự rơi vào bế tắc.

Trong hoàn cảnh đó, CEO sẽ làm gì để vượt qua?

Theo TTXVN