Nghề công tác xã hội có nguy hiểm không?

(CTG) Trong buổi tọa đàm "Công tác xã hội - chung tay lấp đầy những khiếm khuyết", mọi người vô cùng thích thú khi được lắng nghe lý giải của người trong cuộc về thắc mắc "Nghề công tác xã hội có nguy hiểm không?".

Thời gian qua, người khuyết tật luôn được nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện để có môi trường làm việc an toàn và thu nhập ổn định, từng bước hòa nhập cộng đồng. Mặc dù những người không may có khiếm khuyết đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm công việc phù hợp để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội, tuy nhiên, thực tế hành trình tiếp cận việc làm của họ vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp về mặt chính sách và sự chung tay của toàn xã hội, giúp họ vượt qua sự tự ti để có thể chứng tỏ khả năng của mình, trong đó không thể thiếu sự trợ giúp đắc lực của những người làm công tác xã hội.

Anh Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam, tặng hoa và thư cảm ơn cho các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm

Anh Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam, tặng hoa và thư cảm ơn cho các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm

NỮ VƯƠNG

Bạn trẻ đặt câu hỏi tại toạ đàm

Bạn trẻ đặt câu hỏi tại toạ đàm

NỮ VƯƠNG

Tọa đàm "Công tác xã hội – chung tay lấp đầy những khiếm khuyết" (do Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức vào chiều 12.4) có sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia, người có ảnh hưởng trong lĩnh vực công tác xã hội trợ giúp người khuyết tật. Các đại biểu đã cùng chia sẻ, giao lưu cung cấp cho mọi người thông tin để hiểu rõ hơn về những "điều chưa nói" của nghề công tác xã hội trợ giúp người khuyết tật, một công việc ý nghĩa, nhân văn nhưng cũng đầy những khó khăn.

TikToker Phú Thịnh, chủ nhân kênh TikTok Vẽ Hạnh Phúc - dự án Vẽ biển hiệu hỗ trợ các hàng quán của các trường hợp đặc biệt khó khăn, chia sẻ tại chương trình

TikToker Phú Thịnh, chủ nhân kênh TikTok Vẽ Hạnh Phúc - dự án Vẽ biển hiệu hỗ trợ các hàng quán của các trường hợp đặc biệt khó khăn, chia sẻ tại chương trình

NỮ VƯƠNG

 

Tại buổi tọa đàm, anh Ngô Hoàng Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Q.Bình Tân, cho biết Hội Liên hiệp thanh niên Q.Bình Tân có mô hình hội thao dành cho thanh niên khuyết tật để giúp các bạn hòa nhập với cộng đồng, cũng như rèn luyện sức khỏe.

Anh Định cho biết tại ngày hội, sẽ tổ chức các trò chơi như chạy bộ, cờ tướng, vẽ tranh; tổ chức hội thi ca nhạc cho các bạn ở trường chuyên biệt… Sau ngày hội, sẽ có những phần thưởng và quà dành cho thanh niên khuyết tật.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp thanh niên Q.Bình Tân vừa qua cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức những lớp học nghề dành cho thanh niên khuyết tật, đến hiện tại đã đào tạo được 10 lớp. Ngoài ra, nắm bắt được nhu cầu hiện nay nên Hội đã hỗ trợ vay vốn cho thanh niên khuyết tật an tâm khởi nghiệp.

Gian hàng trưng bày sản phẩm của các đơn vị công tác xã hội tiêu biểu

Gian hàng trưng bày sản phẩm của các đơn vị công tác xã hội tiêu biểu

NỮ VƯƠNG

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác hỗ trợ, đào tạo nghề cho người khuyết tật hiện nay, chị Đoàn Thị Bích Hợp, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, cho biết đầu tiên là việc tuyển sinh còn khó khăn, vì hiện nay hầu hết các em đều là người ở các tỉnh đến với trung tâm chủ yếu thông qua việc giới thiệu của bạn bè; cộng với việc do bị khuyết tật, khả năng tiếp thu chậm hơn các em bình thường nên thời gian dạy nghề các em phải tăng gấp đôi thời gian.Tiếp theo là việc vận động nguồn lực để duy trì và nâng cao chất lượng dạy nghề và bữa ăn hàng ngày cho các con tại trung tâm cũng gặp khó trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, làm sao để giới thiệu được các mặt hàng, sản phẩm do các em làm ra; kết nối giới thiệu giúp cho các em có việc làm là vấn đề cũng rất khó khăn.

Anh Võ Văn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam, Chủ nhiệm Hội Thanh niên khuyết tật TP.HCM, cho biết bản thân anh vừa là nhân viên công tác xã hội nhưng cũng là người thụ hưởng những hoạt động công tác xã hội của mọi người.

Tọa đàm "Công tác xã hội - chung tay lấp đầy những khiếm khuyết" nằm trong khuôn khổ của chương trình kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam (16.4.1994 – 16.4.2024), và kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam; 26 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18.4.1998 – 18.4.2024)

Theo anh Vân Anh,người khuyết tật luôn phấn đấu vươn lên, nhưng vì lý do sức khỏe nên không thể học được những ngành nghề như mong muốn. Anh Vân Anh cho biết mong muốn của người khuyết tật là các trung tâm, đơn vị đào tạo nghề nên tạo ra nghề thích hợp với sức khỏe, điều kiện và khả năng của người khuyết tật, chứ đừng nên dạy những nghề mà cơ sở mình có. Hơn nữa, khi tìm kiếm nghề để theo học, người khuyết tật rất hoang mang, mông lung, không biết nên theo học nghề nào, chính vì vậy rất cần những định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Tại tọa đàm, Bùi Thị Hòa, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt câu hỏi: "Thuận lợi và khó khăn khi theo ngành công tác xã hội của thế hệ trẻ hiện nay là gì?"

 

Tiến sĩ Đỗ Thị Nga, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho người trẻ theo nghề công tác xã hội hiện nay có rất nhiều thuận lợi.

"Hiện nay phương tiện truyền thông hiện đại, nên việc kêu gọi và kết nối nguồn hỗ trợ vô cùng thuận lợi, và bản thân các bạn có lợi thế về sử dụng công nghệ, nhạy bén, nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên, các bạn cần phải luyện nội tâm của mình nhiều hơn, tức là khai thác chính bản thân mình nhiều hơn; các bạn cần lắng lại để có sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương con người, cũng như cần có sự kiên trì nhiều hơn nữa", tiến sĩ Nga nhắn gửi.

Anh Vân Anh cũng cho rằng với người khuyết tật vấn đề tâm lý cũng không được ổn như người bình thường, nên quan trọng là sự tìm hiểu, quan sát, lắng nghe và thấu hiểu. Anh Vân Anh khuyên các bạn trẻ khi làm công tác xã hội đừng theo công thức, vì ra ngoài thực tế xã hội sẽ không giống như việc học trên sách vở, nên cần quan sát để hiểu rõ tâm lý của từng người khuyết tật.

Trả lời cho câu hỏi: "Nghề công tác xã hội có nguy hiểm hay không?", anh Vân Anh hài hước bày tỏ: "Trải qua bao nhiêu năm nên rút ra một điều, làm công tác xã hội quan trọng là phải có cái tâm, như giúp đỡ cho người thân trong gia đình. Cũng chính vì thế, nên… rất nguy hiểm (cười). Vì có rất nhiều người đã quên mình, hiến dâng cả trái tim cho người khuyết tật, và chính từ đó mà có nhiều mối tình đẹp của nhân viên công tác xã hội với người khuyết tật. Dù "nguy hiểm" là vậy nhưng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được nảy nở những chuyện tình đẹp".

Tọa đàm còn củng cố kiến thức, hiểu rõ vai trò của người làm công tác xã hội đối với người khuyết tật trên thực tế hiện nay dành cho mọi người đặc biệt là sinh viên chuyên ngành công tác xã hội. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về công tác người khuyết tật, kết nối trách nhiệm và tăng cường đối thoại giữa các tổ chức, cá nhân; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích về trợ giúp người khuyết tật. Thông qua tọa đàm, Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam mong muốn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động các nguồn lực xã hội kết hợp nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng đến các chính sách an sinh xã hội, và triển khai hiệu quả các chính sách cho người khuyết tật nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội hòa nhập, tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Theo TN