Ngoáy tai có gây điếc?

(CTG) Mọi người thường ngoáy tai để lấy ráy, giảm ngứa, nhưng ngoáy tai có ảnh hưởng đến thính giác không? (Dũng, 33 tuổi, Hà Nội)

Trả lời:

Ngứa tai do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như ống tai ngoài không tiết đủ chất nhầy, da sẽ trở nên khô và ngứa. Lúc này, ngoáy tai sẽ là động tác kích thích làm cho tai khô thêm. Ngoài ra, ráy tai là một phần của cơ thể, được tạo ra bởi các tuyến ráy tai, tuyến bã nhờn trong ống tai.

Do đó, sử dụng dụng cụ như tăm bông, que sắt, dùng đầu ngón tay... rất cứng đều gây hại cho tai. Ngoáy tai quá nhiều sẽ làm đau tai, chảy dịch tai, đôi khi lẫn máu kèm sưng tấy tai hoặc thậm chí lan ra nửa mặt.

Dùng tăm bông ngoáy tai còn đẩy ráy tai vào sâu hơn và nút chặt lấy ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn cũng như bụi bẩn xâm nhập, gây khó cho bác sĩ khi điều trị.

Tăm bông còn có thể làm thủng màng nhĩ, ảnh hưởng thính giác, làm tổn thương nhiều cấu trúc thành trong hòm tai như cửa sổ tròn, cửa sổ bầu dục, chấn thương chuỗi xương con và gây điếc hoàn toàn. Nhiều trường hợp chóng mặt kéo dài kèm theo buồn nôn và nôn, mất chức năng vị giác, thậm chí liệt mặt. Vùng da ống tai rất mỏng, có thể rách, xước, nhiễm trùng nếu tác động mạnh.

Vì vậy, bạn nên hạn chế ngoáy tai theo thói quen. Sau khi tắm, gội, bạn có thể chấm nhẹ tai bằng khăn tắm để vệ sinh. Khi bị khô da, nên nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng tăm bông vệ sinh vùng ngoài vành lỗ tai, không ngoáy sâu vào trong. Khi có triệu chứng đau, chảy nước, ù tai, cần điều trị ngay.

Theo Vnexpress