Nguyễn Ảnh Cường, Đồng sáng lập Fundiin |
Hai yếu tố quan trọng
Covid-19 đã “quật” cộng đồng khởi nghiệp tơi tả, khá nhiều start-up “phông bạt” ra đi, các quỹ đầu tư cũng đang đỏ mắt tìm start-up tốt để rót vốn. Việc nền tảng tài chính Fundiin vừa chốt phi vụ gọi vốn thành công đã phần nào khẳng định vị thế của start-up này trong mắt các nhà đầu tư. Lần gọi vốn đầu tiên này của Fundiin có sự tham gia của Zone Startups Ventures, 1982 Ventures và các nhà đầu tư “thiên thần” người Việt.
Thị trường mua trả sau vốn được rất nhiều quỹ đầu tư quan tâm vì tiềm năng rất lớn và đã được chứng minh ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Australia. Giá trị ước tính của thị trường khoảng 7,3 tỷ USD và có thể tăng lên 33,6 tỷ USD vào năm 2027, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm có thể đạt 21,2%.
Kinh nghiệm sống còn của tôi với start-up giai đoạn đầu là không nên mở rộng quá sớm trước khi tìm ra được sản phẩm phù hợp với thị trường, mà phải được chứng minh bởi mô hình hiệu quả theo đơn vị. |
Tại Đông Nam Á, nhiều công ty đã khai phá thị trường này. Có thể kể đến Akulaku, start-up có trụ sở tại Indonesia, từng nhận 40 triệu USD vốn đầu tư của Ant Group; hay Hoolah, một nền tảng từng nhận vốn đầu tư 8 con số ngay tại vòng Serie A, được dẫn dắt bởi Allectus Capital.
Việt Nam là thị trường tiềm năm khi sở hữu nền kinh tế Internet tăng trưởng hàng năm với tốc độ trung bình 40%, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng mới chỉ đạt mức 4%. Mặc dù vậy, một nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có những rủi ro cao với khả năng thanh toán sau của người tiêu dùng.
“Chúng tôi đã may mắn bắt đầu nghiên cứu bài toán rủi ro trong các giao dịch mua sắm trả sau này từ rất sớm để có được sản phẩm phù hợp với thị trường. Fundiin đảm bảo đủ hai yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết để tiến tới giai đoạn mở rộng kinh doanh là trải nghiệm người dùng rất tốt và rủi ro thanh toán rất thấp”, Nguyễn Ảnh Cường, đồng sáng lập Fundiin cho biết.
Sau vòng gọi vốn thành công này, Fundiin kỳ vọng tiếp tục dẫn dắt làn sóng mua trả sau miễn phí tại Việt Nam và có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao từ các đối tác và từ người tiêu dùng. Một số đối tác hiện nay của Fundiin là DHC Việt Nam, LUG.vn, Elsa Speak, Curnon Watch, Thanh Hùng Futsal, The Wolf, Happy Skin Vietnam, Ồ Láng Viện, Zune ZX...
Cường tiết lộ, Fundiin tập trung vào các đối tác bán lẻ có hoạt động mạnh trên nền tảng trực tuyến thuộc các lĩnh vực chính như thời trang, mỹ phẩm, giáo dục. Ngoài ra, Fundiin cũng sẽ mở rộng thêm các lĩnh vực mới như mẹ và bé, du lịch và nội thất trong thời gian tới. Hiện tại, một phần khá lớn các đối tác của Fundiin xuất phát từ kênh giới thiệu. Tuy nhiên, sắp tới, Fundiin sẽ hợp tác với một vài đối tác quan trọng để có thể nhân rộng giải pháp này đến với người tiêu dùng và các đối tác bán lẻ ở tốc độ nhanh hơn.
Điểm thú vị của mô hình Fundiin nằm ở chỗ không thu phí từ người tiêu dùng như không thu lãi, không có phí thường niên hay phí duy trì. Nguồn thu chính của Fundiin đến từ ngân sách marketing của các đối tác bán lẻ khi hỗ trợ các đơn vị này tăng doanh số lên đến 30% thông qua tăng tỷ lệ chuyển đổi, tăng giá trị đơn hàng trung bình và tăng tập khách hàng mới.
Tầm của đội ngũ lãnh đạo
Dù trải qua nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng Fundiin vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 4 lần chỉ trong 6 tháng vừa qua và đã chứng minh giá trị của giải pháp mang lại cho cả đối tác lẫn người tiêu dùng trẻ tuổi.
Là một quỹ chuyên đầu tư vào giai đoạn hạt giống, quyết định đầu tư của Zone Startups Ventures dựa vào nhiều yếu tố: vấn đề mà công ty đang giải quyết, độ lớn của thị trường, lợi thế cạnh tranh..., song quan trọng nhất là đội ngũ sáng lập và tiềm năng của đội ngũ này. Zone Startups Ventures dẫn dắt vòng gọi vốn này vì đội ngũ đầu tư rất tin tưởng vào tầm nhìn của nhà sáng lập cùng tương lai thị trường mua sắm trả sau và Fundiin.
Trong khi đó, ông Scott Krivokopich, đại diện Quỹ 1982 Ventures chia sẻ, việc mang đến trải nghiệm khách hàng tốt nhất và hợp tác với nhiều thương hiệu được các bạn trẻ yêu thích, đội ngũ Fundiin rất tập trung vào thực thi để hiện thực hóa tầm nhìn, nhờ đó Fundiin đã đi đầu thị trường mua sắm trả sau còn non trẻ tại Việt Nam.
Năm 2019, Nguyễn Ảnh Cường (CEO), cựu Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Holding và ông Võ Hoàng Nam (CTO), cựu Trưởng bộ phận Công nghệ các dự án ngân hàng số của TPBank đã quyết định đặt tên cho Fundiin.
Ngay sau khi rời quỹ đầu tư, Cường bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực mua trả sau, với sản phẩm xe máy. Sau khoảng 18 tháng vận hành, dự án này thất bại. Sau đó, Fundiin được thành lập dựa trên những bài học và những vấn đề gặp phải từ mô hình cũ đã thất bại.
Dù rất yêu thích công việc phân tích và đầu tư tại quỹ đầu tư, nhưng Cường vẫn nhảy ra làm start-up vì nhiều mong muốn. Đó là tạo ra giá trị lớn hơn cho xã hội, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến hàng triệu người tiêu dùng Việt, mong muốn được nhìn thấy người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình một cách hạnh phúc.
Một trong những lý do thất bại với dự án đầu chính là thiếu ứng dụng công nghệ. Do đó, Cường đã bắt tay với Võ Hoàng Nam, người bạn thời cấp 3 có kinh nghiệm xây dựng nền tảng công nghệ cho ngân hàng số.
Theo Cường, ngoài các yếu tố như tính đúng đắn của mô hình kinh doanh, giá trị thật sự mà giải pháp tạo ra cho người tiêu dùng và các đối tác bán lẻ, thì yếu tố vô cùng quan trọng để các nhà đầu tư rót vốn, đồng hành cùng Fundiin là họ có niềm tin rằng, đội ngũ sáng lập sẽ không bỏ cuộc, sẽ luôn kiên trì để vượt qua nhiều khó khăn trên chặng đường vô cùng thử thách sắp tới.
“Các nhà đầu tư biết chúng tôi từng thất bại, học được bài học quý giá và đã đứng dậy để tiếp tục tiến về phía trước. Họ cũng theo dõi và chứng kiến cách chúng tôi đối mặt với khó khăn do Covid-19, cách chúng tôi giải quyết vấn đề và nhanh chóng thay đổi sản phẩm, thị trường mục tiêu để ứng phó và đạt được sự tăng trưởng đầy bất ngờ”, Cường chia sẻ.
Nguồn: BĐT