Đa số máy lọc nước trên thị trường chưa có thiết bị hiển thị được độ sạch của nước đã lọc và việc thay lõi lọc chưa có sự chủ động của người dùng. Bên cạnh đó, cũng chưa có máy lọc nước nào giám sát được lượng nước đã uống trong ngày của một người, đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi chặt chẽ lượng nước uống hằng ngày như: người già, trẻ nhỏ, người có bệnh lý đặc biệt… vì việc uống đủ nước là rất quan trọng. Đó là lý do nhóm sinh viên này có ý tưởng tạo ra máy lọc nước thông minh giám sát hành vi và sức khỏe con người.
Chủ nhân của dự án trên là 5 sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bao gồm: Ngô Nhật Anh (khoa Kỹ thuật cơ khí); Định Minh Trí (khoa Kỹ thuật máy tính); Trần Thái Đức Duy, Nguyễn Quang Thịnh, Mạch Ngọc Hân (cùng khoa Kỹ thuật cơ điện tử). Sau khi có ý tưởng, nhóm đã mất 5 tháng để hoàn thiện máy lọc nước và dự án đã đạt giải nhất tại cuộc thi phát triển ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2022.
Nhật Anh chia sẻ: "Theo như tìm hiểu của chúng mình thì hiện nay chưa có mô hình nghiên cứu sâu nào về máy lọc nước tích hợp IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet). Những máy lọc nước có thể coi là tối ưu trên thị trường hiện nay là loại máy có thể điều chỉnh độ pH; nồng độ FE, Amoni, Clo; vi sinh…, nhưng có giá thành rất cao, khoảng 100 triệu đồng và chưa được sản xuất ở VN. Do đó, chúng mình đã và đang cố gắng để biến một thứ quen thuộc trong hộ gia đình, nơi làm việc thành một thiết bị thông minh giúp theo dõi sức khỏe người dùng; và quan trọng hơn hết là giá thành hợp lý".
Tính năng ưu việt của sản phẩm này so với các dòng máy lọc nước khác trên thị trường là cung cấp thông tin về chất lượng nước và cập nhật theo thời gian thực. Từ đó, đảm bảo người dùng luôn biết được nguồn nước họ uống có an toàn và đảm bảo chất lượng hay không, đồng thời giúp người dùng biết được khi nào cần thay lõi lọc, một tính năng mà các máy lọc nước trên thị trường hiện chưa làm tốt. Hơn nữa, máy có chức năng lưu trữ và xuất dữ liệu về lượng nước mỗi người đã uống trong ngày, giúp người dùng tiện theo dõi hơn thay vì phải tự đong đếm và ghi nhớ một cách thủ công.
Chia sẻ về quá trình thực hiện, Nhật Anh cho biết: "Đầu tiên, chúng mình thu thập dữ liệu về WISE-PaaS và tìm hiểu các cảm biến có thể dùng. Tiếp theo là lắp đặt thiết bị vào những vị trí cần thiết và kết nối chúng với mô đun của Advantech qua wifi. Cuối cùng là hoàn thành vỏ ngoài của sản phẩm và lắp đặt chúng lên thiết bị. Để nhận diện người dùng, nhóm đã sử dụng cảm biến quang học để ghi lại các đường vân và rãnh của dấu vân tay. Về chất lượng nước, nhóm đã sử dụng cảm biến nồng độ tổng chất rắn hòa tan bởi vì nó cung cấp các phép đo chính xác và đáng tin cậy theo thời gian, có thể cung cấp đầu ra tương tự hoặc kỹ thuật số".
Đánh giá về tính khả thi cũng như hiệu quả của máy lọc nước thông minh này, ông Nguyễn Bảo Lâm, kỹ sư hệ thống, Công ty Advantech Việt Nam, nhận xét: "Sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, dữ liệu đánh giá thường xuyên chất lượng nguồn nước, cho dù đó là nguồn nước từ bình nước tinh khiết, nước qua hệ thống lọc trực tiếp hay từ nguồn nước máy thì khi đủ chất lượng đều có thể sử dụng trực tiếp mà không cần khử trùng hay đun sôi. Nó làm tăng sự an toàn với người sử dụng trực tiếp, vừa hỗ trợ cho việc giám sát chất lượng nguồn nước đầu vào. Tuy nhiên, việc nhắc nhở người dùng uống đủ nước thì chức năng này không được rõ nét lắm, vì người sử dụng phải di chuyển chứ không chỉ sử dụng một nguồn cấp nước cố định".
Nhật Anh cho biết sắp tới nhóm tiếp tục cải tiến sản phẩm, kết nối với kỹ thuật viên bên WISE-PaaS để hoàn thành các vấn đề liên quan đến kết nối dữ liệu, trực quan hóa, phát triển các App Mobile để thông báo tình trạng sức khỏe và đưa ra nhận định trong tương lai gần về sức khỏe người dùng và tình trạng máy móc. Nhóm cũng sẽ liên hệ với các cơ quan, tổ chức y dược để có thể đưa ra lượng nước cần thiết trong ngày cho từng người, dựa trên cân nặng, giới tính, độ tuổi...; đồng thời kiểm nghiệm các tiêu chuẩn về chất lượng nước theo quy định được ban hành.
THEO TN