Những chàng trai ở vườn sâm Ngọc Linh

(CTG) Họ là những chàng trai người Xê Đăng đã gắn thanh xuân đời mình ở vườn sâm Ngọc Linh gốc quý giá của tỉnh Quảng Nam.

 

Vườn ươm sâm giống Ngọc Linh...

Với nhiệm vụ canh giữ, trồng và nhân giống loại sâm quý hiếm này, nhiều lúc họ phải ăn núi ngủ rừng, trải qua cái lạnh thấu xương ở đỉnh Ngọc Linh độ cao 1.800m để làm tốt việc của mình.

 

Được giữ vườn sâm Ngọc Linh, trồng và chăm sóc thứ cây quý này, đó không chỉ là trách nhiệm, công việc hưởng lương, mà còn có sự đam mê và tình yêu.

Anh Hồ Văn Chính

"Ăn ngủ" cùng sâm

Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam nằm chót vót trên đỉnh núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Nơi đây có vườn sâm Ngọc Linh hàng chục hecta. Dưới những tán cổ thụ rừng già, giữa trưa nắng hè mà nơi đây lạnh ngắt, sương mù vắt kín ngọn cây.

Ở trạm, đội nhân viên với 15 chàng trai đang tất bật cho vụ gieo giống sâm mới. Mỗi người một việc, người hái những hạt sâm chín mọng đỏ chót, người làm đất, người gieo hạt vào những khuôn đất... Một nhóm khác ở ngoài vườn sâm chăm sóc những cây sâm mới được trồng, bọc chùm quả sâm chín đỏ, sợ chúng rơi xuống đất hoặc chẳng may bị lũ chuột nghịch ngợm phá phách.

Chẳng ai nói ai, họ cặm cụi với công việc được giao của mình như một lập trình sẵn có. Cần mẫn, tỉ mỉ từng li từng tí. "Đang vào vụ trồng sâm mới nên anh em ở trạm bận bịu lắm" - anh Trần Xuân Huấn (37 tuổi, trạm phó Trạm dược liệu Trà Linh) nói, quệt mồ hôi trên trán. Huấn là chàng trai người Xê Đăng 13 năm gắn bó ở vườn sâm này.

Anh kể lúc mới chập chững làm nhân viên ở trạm từ năm 2006, điều kiện ở đây quá khó khăn. Đường sá chưa có, mỗi lần từ nhà lên trạm cũng mất hơn vài giờ lội bộ băng rừng. "Hồi đó nói là trạm nhưng chỉ là một căn lều nhỏ giữa rừng già, điện không có, đêm về anh em phải chống chọi với cái lạnh thấu xương" - Huấn nhớ lại.

Công việc đầu tiên của anh là làm công nhân, canh gác vườn sâm không để bị mất một cây sâm quý nào, rồi trồng và chăm sóc sâm, lúc đó lương mỗi tháng chỉ 200.000-300.000 đồng. "Suốt ngày ở vườn sâm riết rồi cũng quen, ăn núi ngủ rừng là chuyện cơm bữa. Vì nhiệm vụ bảo vệ vườn sâm nên mình rất ít khi về nhà, có khi một tháng mới về một lần" - Huấn cho biết.

Người ở vườn sâm này lâu nhất có lẽ là anh Hồ Văn Dêm, người Xê Đăng, ở nóc Con Pin, xã Trà Linh. 26 năm gắn bó với vườn sâm, anh xem vườn sâm như là ngôi nhà thứ hai của mình. Suốt ngày quanh quẩn bảo vệ, trồng, chăm sâm, anh bảo nếu không yêu rừng, yêu sâm thì không thể nào ở lâu vậy.

"Hồi xưa, anh em ở đây khốn khó lắm. Căn lều phải làm bằng lồ ô, mùa mưa bão xiêu vẹo, dột nát. Những đêm đi tuần tra vườn sâm, mệt quá nằm ngủ giữa rừng. Đang ngủ trời đổ mưa phải bật dậy tìm chỗ núp" - Dêm nhớ lại.

Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh, Trạm dược liệu Trà Linh có nhiệm vụ phát triển nguồn giống cung ứng cho người dân và doanh nghiệp trồng mới. Ngoài ra, trạm cũng thử nghiệm việc áp dụng một số phương pháp mới vào khâu nhân giống nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cây giống.

Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ cây sâm và trồng, nhân giống là hết sức nặng nề với các nhân viên. Họ nói ở đây quanh năm lạnh buốt nên chỉ có những chàng trai sức vóc như họ mới chịu thấu, phụ nữ thì không thể ở được.

Anh Hồ Văn Đêm (28 tuổi, nhân viên của trạm) kể rằng lúc mới nhận nhiệm vụ lên vườn sâm, sống chung với cái lạnh giá suốt ngày, đến khi về nhà ở trung tâm huyện thì bị sốc nhiệt. "Người mới lên đây ở chừng năm ngày mà xuống núi thì bị sốc nhiệt liền. Ở đây lạnh lắm, có khi nhiệt độ xuống còn 5-6 độ C, ai không quen ở không nổi đâu" - anh Đêm nói.

...là kết quả của những ngày miệt mài làm đất, gieo hạt sâm Ngọc Linh - Ảnh: L.TR.

Nối nghiệp cha

Ở vườn sâm lâu ngày, những chàng trai Xê Đăng coi nhau như một gia đình, họ luôn quan tâm, lo lắng cho nhau. Hồ Duy Linh (22 tuổi) là chàng trai nhỏ tuổi nhất trong đội nhân viên của trạm. Tốt nghiệp ngành lâm nghiệp Trường CĐ kinh tế kỹ thuật Quảng Nam năm 2018, Linh về với núi rừng, bản làng và xin vào trạm làm nhân viên.

"Lúc mới lên ở đây toàn rừng núi, sương mù bao phủ, buồn thúi ruột, nhớ nhà lắm. Cũng nhờ có mấy anh trong trạm động viên, an ủi và hay giúp đỡ nên dần dà mình quen dần, giờ muốn ở đây chẳng thèm về nhà" - Linh cười.

Một câu chuyện thú vị ở vườn sâm này: có cậu con trai suốt ngày theo cha lẽo đẽo lên vườn sâm, yêu sâm, quý sâm, rồi cũng theo nghiệp cha, gắn bó với vườn sâm này luôn. Anh Hồ Văn Chính (29 tuổi, tổ trưởng tổ 2 của trạm) đã có 9 năm gắn bó với nơi này. Chính nói cha mình là ông Hồ Văn Dề (75 tuổi) khi xưa cũng là nhân viên của trạm. Cha làm nhân viên từ những năm sau giải phóng (năm 1978).

"Hồi xưa cha hay dẫn lên vườn chơi, rồi mình yêu cây sâm lúc nào không hay. Tới khi cha về hưu rồi, mình nốt gót cha làm nhân viên ở đây. Được giữ vườn sâm Ngọc Linh, trồng và chăm sóc thứ cây quý này, đó không chỉ là trách nhiệm, công việc hưởng lương, mà còn có sự đam mê và tình yêu" - anh Chính tâm sự.

Tối đến, núi Ngọc Linh chìm trong màn mưa đêm rả rích. Cái lạnh về đêm càng buốt người hơn, mặc ba lớp áo trong người vẫn cảm thấy chưa đủ. Anh Chính nói anh em sợ nhất là vườn sâm bị trộm, kẻ trộm không phải chỉ là người mà còn là lũ chuột ăn quả sâm, củ sâm. Bởi vậy, đêm nào anh em cũng thay phiên nhau đi tuần tra từ tối đến rạng sáng mới về ngủ.

"Mất một cây nào thì bọn mình thấy áy náy với lãnh đạo tỉnh, bà con mình lắm vì vườn sâm này là nơi cung cấp nguồn giống cho bà con Xê Đăng trồng làm giàu, thoát khỏi cái nghèo dai dẳng bám lâu nay" - Chính thổ lộ.

Bỏ dỡ những chén trà nóng giữa đêm lạnh, một tốp thanh niên đứng phắt dậy cầm đèn pin, mặc áo mưa đi về phía khu vườn, nơi có những cây sâm Ngọc Linh quý giá đang vươn mình trong mưa rét. Họ bắt đầu một đêm tuần tra, lầm lũi trong màn mưa nặng hạt.

Giữ gìn 250.000 cây sâm

Ông Trần Út - giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam - cho biết tổng diện tích vườn sâm này khoảng 50ha với 250.000 cây. Vườn sâm quý này sẽ cung cấp giống cho người dân, doanh nghiệp trồng, chế biến các sản phẩm từ sâm. Công tác bảo vệ vườn sâm được tăng cường, bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ.

Cây sâm Ngọc Linh cho chùm quả đỏ - Ảnh: L.TRUNG

Theo ông Út, hồi xưa cuộc sống còn thiếu thốn, anh em ở trạm gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trạm đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, đường sá khang trang, anh em ai cũng yên tâm công tác. Mặc dù sâm Ngọc Linh hiện nay giá cao ngất ngưởng, hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi ký, tuy nhiên có một điều đáng mừng là từ xưa đến nay đội ngũ nhân viên không ai lấy một củ sâm bỏ vào túi riêng của mình mà họ hết lòng bảo vệ, chăm sóc, vun vén "gia sản" này của tỉnh.

"Có những khi gặp thời tiết bất lợi, sâm chết nhiều, mấy đứa nó cay đắng, có đứa ngồi khóc luôn nữa. 250.000 cây sâm được giữ cẩn thận, chăm sóc chu đáo, chúng tôi phải cảm ơn họ" - ông Út nói.

 

Theo TT