Những điều cần biết về HIV

(CTG) Xin mời độc giả tìm hiểu về HIV/AIDS nhé!

HIV là gì?          

HIV (Viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Human Immunodeficiency Virus) là tên gọi tắt của một loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Cũng có thể hiểu HIV là loại vi rút làm mất dần sức đề kháng (khả năng chống lại bệnh tật) của con người.

AIDS là gì?

AIDS (Viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Aquired Immunodeficiency Syndrome - là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra. AIDS cũng có nghĩa là giai đoạn suy giảm miễn dịch nặng do HIV gây ra. 

AIDS không phải là hội chứng bẩm sinh, hay di truyền mà là mắc phải do có các hành vi nguy cơ trong quá trình sống của con người, như dùng chung bơm kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không dùng bao cao su với người nhiễm HIV, dẫn đến bị lây nhiễm HIV và từ nhiễm HIV phát triển thành AIDS.

Lây truyền HIV qua những đường nào?

Lây truyền HIV qua đường máu

HIV có thể lây qua việc dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy

HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV. Có thể nói mọi trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu của người mà ta không biết chắc chắn là họ có nhiễm HIV hay không đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.

HIV có thể lây truyền từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như: Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; Dùng chung các loại kim xăm trổ, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu...; Dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt trùng đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh... có xuyên cắt qua da.

HIV lây truyền qua các vật dụng có thể dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng, khăn mùi xoa... hoặc lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây sát;

HIV cũng có thể lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng... bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu... không được tiệt trùng đúng cách.

 Lây truyền HIV qua đường tình dục

Do HIV có nhiều trong dịch sinh dục (tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ) với đủ lượng có thể làm lây truyền từ người này sang người khác, cho nên về nguyên tắc mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là người đó có nhiễm HIV hay không đều có nguy cơ bị nhiễm HIV.

Sử dụng bao cao su là biện pháp an toàn phòng tránh lây truyền HIV qua quan hệ tình dục

Ngoài ra, trong quan hệ tình dục HIV còn có thể lây truyền qua đường máu. Máu trong trường hợp này có thể là máu kinh nguyệt, máu từ các vết thương hoặc vết loét ở cơ quan sinh dục hay từ các vết xước do động tác giao hợp gây ra.

Từ các lý do nêu trên, tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.  Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau, xếp theo thứ tự các “kiểu” quan hệ tình dục có xâm nhập phổ biến thì nguy cơ từ cao đến thấp là: Qua đường hậu môn, qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Nhìn chung trong cả 03 kiểu quan hệ tình dục này thì người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con khi mang thai, khi sinh hoặc cho con bú.

Phòng tránh lây truyền HIV bằng cách nào

Dự phòng lây truyền HIV qua đường máu 

- Không dùng chung bơm kim tiêm và dùng chung dụng cụ pha thuốc khi tiêm chích. 

- Mọi dụng cụ xuyên chích qua da dùng trong tiêm, chích, trong thủ thuật, phẫu thuật chữa bệnh và sửa sắc đẹp v.v.. đều dùng riêng hoặc sau khi đã được tiệt trùng đúng cách.

- Dùng riêng mọi dụng cụ có khả năng dính máu như bàn chải đánh răng, dao cạo râu...

- Mang găng tay hoặc đồ lót tay, kính bảo vệ mắt, khẩu trang... để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu... khi cấp cứu bệnh nhân có chảy máu.

- Chỉ truyền máu khi thật cần thiết.

 - Xét nghiệm sàng lọc HIV cho tất cả người hiến máu, hiến tạng và các bộ phận cơ thể... để đảm bảo không bị lây nhiễm HIV cho người nhận.

Dự phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục

- Xét nghiệm HIV trước khi kết hôn để biết tình trạng nhiễm HIV của vợ/chồng để có biện pháp phòng, chống;

- Hạn chế quan hệ tình dục với nhiều người, giảm tối đa số bạn tình.

- Không quan hệ tình dục với người bán dâm, mua dâm.

- Sử dụng bao cao su đúng cách.

- Ngoài ra, việc dự phòng, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (hay còn gọi là bệnh hoa liễu) sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua “con đường” này. 

Mọi sự tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là người đó không nhiễm HIV đều có nguy cơ nhiễm HIV.

Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội, nghề nghiệp... đều có thể bị nhiễm HIV nếu có hành vi không an toàn dù chỉ một lần trong cuộc sống.