Máu và nước mắt
Ngày ngày, căn nhà nhỏ cuối đường Trưng Nữ Vương (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đều đặn vang lên tiếng búa đóng đinh khiến nhiều người lầm tưởng đó là xưởng mộc của một người thợ nào đó. Thế nhưng, đây chính là nơi sáng tác tranh đinh chỉ của chàng trai 32 tuổi Nguyễn Đức Tín. Lúc tôi đến, Tín vẫn đang miệt mài đóng từng chiếc đinh trên tấm gỗ đã được sơn đen, chuẩn bị để "vẽ" một bức tranh sơn thủy.
"Làm tranh này phiền người khác ghê lắm, bởi vậy tôi phải chuyển ra đây để tiếng ồn không ảnh hưởng đến ai. Theo đuổi đam mê sáng tác tranh đinh chỉ, tôi cũng quen sống một mình rồi", Tín dừng búa, kể.
"Tôi kiên trì làm tranh đinh chỉ nên có bao nhiêu tiền công từ việc đi làm đều dốc hết vào đó. Cuối năm 2019, dịch Covid-19 ập đến, tôi thuê phòng trọ ở một mình để tiện cho việc sáng tác tranh, nhưng búa, đinh ồn ào quá nên bị nhiều người phàn nàn. Để không ảnh hưởng đến ai, sáng tôi ra bờ biển đóng đinh, sơn lên gỗ, chiều tối lại về phòng căng từng sợi chỉ lên khung. Có những ngày tôi chạy xe máy chở tranh đi bán dạo, chẳng ai ngó ngàng. Những hôm bán tranh không được, về đóng đinh lên khung thì trật búa, tay tứa máu, tự dưng ứa nước mắt. Rồi một hôm, có một khách sạn thấy tranh của tôi đã quyết định mua mấy tấm. Đó là động lực và cũng là nguồn tiền giúp tôi mua chất liệu tiếp tục sáng tác", Tín rưng rưng nhớ lại.
Về quy trình sáng tác một bức tranh, Tín cho biết, đầu tiên phải chuẩn bị khung gỗ đủ độ dày, sau đó dùng bút chì phác họa, lên mẫu bức tranh định thực hiện. Tiếp đó là công đoạn vất vả nhất: đóng đinh lên tấm gỗ. Tùy theo kích thước mỗi bức tranh mà có khi Tín phải đóng xuống hàng ngàn đến cả vạn chiếc đinh với độ dày mỏng khác nhau nhằm tạo độ sáng tối cho bức tranh.
"Xong công đoạn này, tôi sẽ phun sơn lên khung gỗ và đi từng sợi chỉ. Nền đen thì sẽ dùng chỉ trắng, còn nền trắng thì dùng chỉ đen để tạo độ tương phản. Đan đến khi nào ưng ý thì thôi. Nhìn chưa đã mắt thì có khi đan chỉ đã 10 ngày cũng tháo ra đan lại…", Tín nói.
"Tự làm đối thủ của chính mình"
Tín không phải là "dân" mỹ thuật, nên khi đứng trước căn phòng treo đầy tranh của anh, tôi đã không khỏi ngạc nhiên bởi tranh được vẽ bằng cọ đã khó, "vẽ" bằng đinh chỉ càng khó hơn. Những bức chân dung nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế, những bức tranh về đức Phật, về phụ nữ, về chủ đề tình mẫu tử, thậm chí cả tranh trừu tượng, được Tín khắc họa một cách sâu sắc, sinh động. Đứng từ xa, nhiều người sẽ nghĩ đó là những bức tranh được vẽ bởi 2 màu đen trắng, nhưng khi lại gần, thấy đinh và chỉ lộ ra uyển chuyển trong từng đường nét.
"Tranh đinh chỉ là nghệ thuật thị giác, có hấp dẫn người xem hay không là tùy thuộc vào khả năng của người làm tranh. Bức tranh đẹp được quyết định từ mỗi chiếc đinh không tán (dài
2 - 3 cm), là sợi chỉ không xù bông (được nhập từ Đức). Ngay từ khi nện búa xuống phải canh sao cho mỗi chiếc đinh đặt đúng vị trí của nó để tạo độ dày, thưa. Khi "đi" chỉ cũng cần làm sao cho lực tay vừa đủ, căng quá thì đứt mà nhẹ quá thì dễ bung", Tín chia sẻ.