Những người chọn ở lại

(CTG) Khi TPHCM bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, mặc dù có thể chọn lựa về quê để tránh dịch nhưng nhiều người vẫn quyết định ở lại, đồng hành cùng thành phố với quyết tâm vượt qua đại dịch.

 

Bám trụ

Tôi gặp Võ Tài (35 tuổi, quê Gia Lai) khi anh đang tá túc trong dãy nhà trọ miễn phí dành cho người khó khăn tại quận 12 vào khoảng tháng 9/2021. Tôi cứ ấn tượng mãi với ông bố 2 con quyết định không về quê mà ở lại “cày” kiếm tiền nuôi gia đình trong những ngày thành phố “bão dịch”. Mãi không quên hình ảnh dòng người ồ ạt về quê và bị chặn lại, có người vật vờ cả một ngày đêm mới được qua chốt này nhưng lại bị chặn tiếp ở chốt khác, anh Tài nói quyết định không về quê của mình thời điểm ấy là đúng. “Vợ và 2 con đều ở Gia Lai, tôi còn cha mẹ già nhưng đã 2 năm qua, tôi chỉ được gặp người thân qua điện thoại” - Tài bộc bạch.

Những người chọn ở lại ảnh 1
Những người chọn ở lại ảnh 2

Chị Mỹ Uyên chọn ở lại thành phố để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân vượt dịch

Từng mắc F0 ngay trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, ở bệnh viện điều trị cả tháng trời; đến khi xuất viện thì Tài chẳng còn đồng nào để thuê nhà trọ nữa, đang lang thang thì được giới thiệu ở nhà trọ miễn phí, lại còn được cho gạo rau, thịt cá... “Trong khó khăn, người Sài Gòn vẫn nghĩa tình, vẫn cưu mang biết bao phận người cơ nhỡ. Đó là lý do tôi muốn ở lại thành phố làm việc. Thời điểm tháng 7, tháng 8 thành phố thực hiện giãn cách, rất cần tài xế giao thực phẩm nên tôi đăng ký chân giao hàng. Thấy nhiều người mừng rơn đặt mua thức ăn được giao tận tay, tôi thấy vui trong lòng và cố gắng chạy xe nhiều hơn. Điều quan trọng nữa khi ở lại TPHCM, nhiều cơ hội việc làm mới đến với tôi” - Tài khẳng định.

Tốt nghiệp đại học, chị Nguyễn Ngô Trúc Quỳnh (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú) chọn ở lại TPHCM - miền đất hứa để lập nghiệp. Tích cóp số tiền dành dụm được và vay thêm ngân hàng, bà mẹ đơn thân Trúc Quỳnh gầy dựng sự nghiệp với 2 trường mầm non với hơn trăm trẻ. Công việc đang dần ổn định thì đùng một cái, dịch bệnh ập đến, trường học đóng cửa... vô thời hạn. Ngay cả khi thành phố đã mở cửa hậu COVID-19 thì trường mầm non vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Số tiền thuê địa điểm, trả lương nhân viên mỗi tháng khiến Quỳnh muốn “tắt thở”.

Nhiều lúc chị định bỏ hết về quê Đà Lạt nhưng lại đắn đo, về không biết bao giờ mới có thể trở lại. Ở thành phố còn công việc, học hành của con…Sau cùng, chị vẫn tiếp tục bám trụ ở miền đất phương Nam, nỗ lực hơn để làm ăn kiếm sống và cố gắng để thích ứng với cuộc sống bình thường mới. “Động lực để tôi vượt qua giai đoạn khó khăn là biết mình không bị bỏ lại phía sau. Đó là chủ nhà miễn giảm tiền thuê mặt bằng; giáo viên, nhân viên chia sẻ từng đồng lương để duy trì trường; Nhà nước có những khoản hỗ trợ khẩn cấp… Hơn nữa, tôi luôn tin tưởng thành phố sẽ nhanh chóng kiểm soát dịch. Mình đã vượt qua 4 tháng tâm điểm của dịch, ráng vài tháng nữa có sao đâu. Ở lại cùng thành phố để vừa an toàn, vừa giảm áp lực phòng, chống dịch COVID-19 ở quê nếu chẳng may mình là F0” - chị Quỳnh tính toán thiệt hơn.

Những người chọn ở lại ảnh 3

Anh Nguyễn Chí Tâm ở lại TPHCM, chạy xe cứu thương tiếp oxy cho F0 suốt mùa dịch

Còn công việc là còn hy vọng

Ngược với làn sóng ùn ùn rời TPHCM về quê hậu giãn cách, vợ chồng anh Nguyễn Văn An - Hoàng Thị Thủy (quê Nghệ An) cùng những đồng nghiệp trong Công ty in số 7 (quận Bình Tân) đã và đang bám trụ lại thành phố, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Ngày cuối tuần trong căn phòng trọ nhỏ nhưng gọn gàng, ấm cúng tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, anh An vừa dạy con viết chữ vừa tranh thủ nhẩm lại môn tiếng Anh; trong bếp, chị Thủy nhanh chóng nấu bữa cơm cho gia đình. “Thật sự, chúng tôi không nghĩ gia đình vẫn có thể quây quần bên nhau như thế này khi dịch bệnh xảy ra. Vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn gặp nhau tại thành phố là niềm hạnh phúc quá lớn” - anh An xúc động nói.

Anh nhớ lại, từ tháng 6 đến tháng 9/2021, anh vào công ty thực hiện “3 tại chỗ”, còn vợ ở nhà chăm 2 con nhỏ. Hỏi An sao không chọn về quê cho an toàn? Không chần chừ, anh nói ngay: “Cũng có nhiều đồng hương rủ về quê nhưng Thành phố cần mình, doanh nghiệp cần mình nên chúng tôi chọn ở lại. Khi công ty thông báo cần công nhân tự nguyện vào nhà máy, tôi đã không đắn đo mà đăng ký ngay. Lúc đó cũng dự đoán chắc vào nhà máy dăm bữa, nửa tháng, không ngờ tới hơn 3 tháng… Anh em công nhân động viên nhau cố gắng tự bảo vệ sức khỏe, đồng thời đảm bảo không đứt gãy mạch sản xuất”.

Có những ngày đọc báo, lướt mạng xã hội thấy người ta ùn ùn kéo nhau về miền Trung, anh An thoáng chút chạnh lòng. Dẫu vậy, cứ nghĩ đến chuyện lỡ chẳng may làm lây lan dịch bệnh cho người thân, anh lại phải tự dặn lòng “không đi đâu nữa”.

Chỉ về xóm trọ đa số là công nhân khu công nghiệp Tân Tạo, anh An khẳng định: “Cuộc sống đã hồi sinh”. Quả thật, cách đây mấy tháng thôi, nơi đây là “vùng đỏ” khi có nhiều người mắc COVID-19. Xóm trọ im lìm, ngay cả trẻ con cũng chẳng dám ra ngoài đùa vui. Vậy mà nay, không khí đã nhộn nhịp hơn. Mỗi sáng, công nhân khẩn trương đến nhà máy, tiếng người gọi nhau í ới, từng dòng người nối nhau vào ca kíp… là tín hiệu lạc quan, minh chứng cho việc TPHCM đang vươn mình đứng dậy sau giông bão.

Không chỉ có công nhân đang bám trụ ở TPHCM, lao động tại nhiều địa phương khác cũng dần dà trở lại làm việc sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Vợ chồng chị Lê Thị Thành (40 tuổi) bồng bế con, vượt cả trăm cây số từ Tây Ninh về thành phố khi nhà máy mời gọi trở lại. Theo chia sẻ của anh chị, dù biết trở lại TPHCM thời gian này sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn vì dịch bệnh, song đôi vợ chồng vẫn quyết tâm quay lại để làm việc, cùng sống trong không khí “bình thường mới”, cùng khôi phục kinh tế. “Gia đình tôi về quê trước dịch do người thân ốm nặng, sau đó kẹt lại luôn. Nay thành phố kêu gọi lao động tỉnh quay về, chúng tôi liền lên đường. Khi vừa đến thành phố, chúng tôi được tạo điều kiện tiêm ngừa vắc xin COVID-19, được hỗ trợ tiền nhà trọ, ăn uống… Càng bất ngờ hơn khi đồng nghiệp ở xóm trọ cũng ở lại hoặc đang trên đường vào thành phố” - chị Thành nhoẻn cười hạnh phúc.

Những ngày không quên

Giữa những ngày nắng đẹp trong tiết trời tháng Tư, TPHCM đã trở lại nhịp sống “bình thường mới” sau bao thăng trầm, khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19. Tôi có duyên được gặp Nguyễn Chí Tâm (27 tuổi, quê Kiên Giang) trong một quán nước nhỏ ở quận 11. Tâm là người mà anh bạn tôi giới thiệu với vài thông tin ngắn gọn: “Không về quê, chạy tiếp oxy suốt mùa dịch cho F0”.

Khác với hình dung của tôi, Tâm đậm chất hotboy và thư sinh hơn rất nhiều. Nở nụ cười tươi, chàng trai 9X liền phân trần: “Nhìn vậy chứ em khỏe lắm, những bình oxy cỡ đại cả chục kg, một mình em bốc lên xuống xe tải… ngon lành; vác bình vào tận nhà cấp cứu người dân mắc COVID-19 suốt gần 5 tháng trời trong mùa dịch”.

Nhấp ngụm cà phê, Tâm thừa nhận, mình vốn là người chẳng chịu “ngồi yên”, nhất là khi thấy thành phố “bệnh”, người dân khó khăn… anh lại càng muốn làm gì đó hơn cho đồng bào. Là nhân viên văn phòng Công ty AZONE (quận Bình Thạnh), trong mùa dịch, Tâm nhận nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm do công ty mua để tặng cho bà con ở nơi phong tỏa, những xóm lao động nghèo. Từ đây, Tâm cảm nhận được rõ hơn những khó khăn, thiếu thốn của người dân; những tin nhắn xin hỗ trợ thực phẩm đã đưa anh gắn bó với việc làm mà chính mình cũng không ngờ.

“Trong lúc công ty tạm ngừng hoạt động để phòng dịch, mình liền liên hệ với các hội nhóm để tham gia hỗ trợ thành phố. Hôm ấy đã tối muộn, một bạn trong đội tiêm chủng ở quận 11 liên lạc và rủ đi “cấp cứu oxy”. Nghe là lạ và cũng không biết công việc là gì nhưng một ngày được xem công việc của các bạn làm, mình về nhà trọ lấy ít đồ dùng cá nhân rồi bắt đầu công việc. Lúc đầu cũng nghĩ chắc làm vài ngày rồi về, không ngờ lại gắn suốt mùa dịch” - Tâm bồi hồi nhớ lại.

Suốt thời gian dịch bùng phát, Tâm và nhóm bạn của mình đều ăn ngủ trên xe. Chỉ cần nhận được thông tin người dân cần oxy ở bất cứ nơi đâu, Tâm liền nhanh chóng đến nơi bất kể ngày đêm, gần xa. “Thật hạnh phúc khi mình tiếp oxy kịp thời, cứu được nhiều bệnh nhân F0 khỏi tay tử thần; nhưng cũng lắm lúc vừa đến nơi, người bệnh đã ra đi… Lúc đó, cả nhóm đều thẫn thờ, buồn và bất lực… Với từng trường hợp bệnh nhân, chúng mình đều cố gắng có mặt sớm nhất và làm hết khả năng có thể” - Tâm tâm sự.

“Mình giấu mẹ chuyện ở lại thành phố để hỗ trợ người dân trong mùa dịch” - Trần Lâm Mỹ Uyên (quê Vũng Tàu) tiết lộ khi tôi bất ngờ nhận ra chị mồ hôi nhễ nhại, hì hụi nhặt rau, nấu nướng tại bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố (quận 1). Trong mùa dịch, bếp ăn này phục vụ gần 5.000 phần ăn/ngày cho các khu phong tỏa, cách ly, đơn vị y tế trong địa bàn TPHCM. Lần khác, tôi lại thấy chị lái xe chở hàng trăm ký rau củ, mì gạo… đưa đến tận gia đình có F0; tham gia nhóm đi chợ hộ cho các gia đình trong những ngày giãn cách…

“Thời điểm đó dịch bùng mạnh, lại chưa có vắc xin nên nguy cơ trở thành F0 luôn chực chờ. Vậy mà khi thấy các y bác sĩ quên mình để cứu người, xung quanh có biết bao người khốn khó tôi chẳng nghĩ gì nhiều, miễn sao giúp được ai trong khả năng là làm hết sức. Tuy tôi không sinh ra ở TPHCM nhưng đây là nơi tôi thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Tôi mong góp chút sức lực nhỏ bé của mình để cùng thành phố vượt qua đại dịch, mang lại mùa xuân, hy vọng mới trong những ngày không xa”. Chị Trần Lâm Mỹ Uyên trải lòng

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, mong người lao động an tâm khi quay lại TPHCM vì các DN khi hoạt động trở lại đều đã đáp ứng các tiêu chí phòng dịch; người lao động cũng được tiêm đầy đủ vắc xin trước khi đi làm nên cũng đảm bảo. Theo ông Lâm, lao động muốn quay trở lại TPHCM chỉ cần thông báo với Sở LĐ-TB&XH tại nơi mình đang sinh sống sẽ được hỗ trợ ngay. Khi vào đến TPHCM, thành phố sẽ tổ chức nhiều lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để dễ dàng tham gia vào thị trường lao động, nâng cao tay nghề.

Ông Nguyễn Quang Cường , Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM chia sẻ: “Hiện chúng tôi kết nối với hàng trăm DN với hàng ngàn vị trí việc làm. Người lao động chỉ cần gọi đến Trung tâm, họ sẽ lập tức được tư vấn, kết nối, thậm chí phỏng vấn online trước với nhà tuyển dụng rồi mới lên TPHCM. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức tìm việc mà còn có sự lựa chọn tốt hơn cho công việc của mình” - ông Cường nói.

Theo TP