Những người lúc nào cũng cười nhưng bị... trầm cảm
02/08/2024
CTG - Thực tế hiện nay có những người trẻ bên ngoài lúc nào cũng cười tươi vui vẻ; nhưng khi về đến phòng, họ gục xuống khóc, gào thét với sự đau khổ, một số người có cảm giác dữ dội hơn. Những biểu hiện trầm cảm rất đáng lo ngại.
Vừa cười nói vui vẻ, hôm sau đã chọn... kết thúc cuộc đời
Tại một chương trình truyền hình, diễn viên, người mẫu Diệp Lâm Anh chia sẻ cô đang mắc căn bệnh... trầm cảm cười. Cô cho biết trầm cảm cười có biểu hiện là lúc nào đối mặt với thế giới xung quanh, mình cũng muốn bản thân thật mạnh mẽ, phải cười, phải vui nhưng khi tự đối diện với chính mình thì ngược lại hoàn toàn. Chia sẻ của nữ người mẫu được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Đặng Khánh An, cố vấn phòng khám TestSGN, tâm lý gia tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trầm cảm cười không phải tên gọi chính thức trong y văn mà là tên gọi nói về một số người có triệu chứng trầm cảm nhưng sự xáo trộn về chức năng sống không rõ nét. Họ vẫn trong cơn trầm cảm nhưng duy trì chức năng tương tác xã hội như thông thường, người khác khó nhận ra họ đang trong trạng thái trầm cảm cho đến khi những vấn đề xấu hơn xảy đến như tự sát.
Thạc sĩ, bác sĩ tâm thần học Nguyễn Trung Nghĩa, tác giả sách Câu chuyện đằng sau một bác sĩ tâm thần, công tác tại Trung tâm tâm lý Touching Soul Center, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội), cho biết cần lưu tâm đến dạng thức biểu hiện của trầm cảm cười, vì các triệu chứng có vẻ "ẩn", khó phát hiện nên có thể chúng ta sẽ không kịp thời hỗ trợ cho chính mình hoặc những người xung quanh. Mọi người thấy rằng không phải người trầm cảm nào cũng liên tục ở trong trạng thái trầm buồn, đau khổ, mệt mỏi, bế tắc, tuyệt vọng muốn chết và bi quan với mọi thứ.
Bác sĩ Trung Nghĩa kể: "Từng có một bạn trẻ đã chọn chấm dứt cuộc sống của mình. Dường như mọi người đến dự đám tang đều ngơ ngác, bất ngờ và thảng thốt bởi chưa tin được chuyện đang xảy ra là thật. Những người quen biết đều thấy rằng cuộc sống trước đó của bạn hoàn toàn bình thường. Mới ngày hôm qua, ở chỗ làm người ta còn thấy bạn cười nói vui vẻ, thậm chí còn hứng thú bàn bạc về những dự tính cho tương lai. Ấy thế mà bạn lại chọn kết thúc. Qua một lá thư và những trang nhật ký để lại, mọi người mới biết rằng bạn đã ở trong tình trạng trầm cảm một thời gian dài trước đó nhưng không ai hay biết".
Rất nguy hiểm
Nói về những nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, thạc sĩ Đặng Khánh An cho biết về mặt sinh học, họ có những gien tiềm ẩn nguy cơ mắc trầm cảm. Về tâm lý cá nhân, người trẻ bị áp lực đồng trang lứa, xu hướng chạy theo thành tích học tập. Các bạn thiếu kỹ năng để hóa giải stress và định hình lại giá trị cá nhân. Việc có hệ giá trị tiêu cực thì cũng dễ góp phần tạo nên trầm cảm. Về khía cạnh xã hội, công nghệ chi phối đời sống, làm cho những kết nối giữa con người thật càng ngày càng giảm về chất lượng, lệ thuộc vào kênh truyền thông gián tiếp như mạng xã hội. Khi chúng ta rơi vào tình trạng khó khăn, mối quan hệ kém chất lượng thì cũng làm giảm nguồn lực ứng phó với trầm cảm.