Thu hoạch chè. |
Mở lối thoát nghèo
Chưa nhìn thấy mặt đã nghe tiếng nói, cười sảng khoái của bà Ka Hiên trên đồi chè xen canh với cây sầu riêng ở thôn Phước Trung (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). Ở nữ đảng viên dân tộc Mạ này vừa toát lên vẻ khỏe mạnh, rắn rỏi của một nông dân, vừa có uy lực và sự hoạt bát của cán bộ địa phương thâm niên, uy tín. Sau khi lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt và uống cạn cốc nước chè xanh, Ka Hiên bảo, mười mấy năm trước, gia đình bà thoát nghèo nhờ cây trồng này.
Trước kia, như bao người khác trong làng, bà chỉ biết độc canh cây điều và chăn nuôi nhỏ lẻ với vài ba con gà, con lợn. Tập quán sản xuất lạc hậu, thu nhập bấp bênh nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Đến khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, được đi giao lưu ở nhiều nơi, bà nhận ra giá trị của tư duy sản xuất hiện đại và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thấy mô hình trồng xen canh cây chè dưới tán điều cho kết quả khả quan, Ka Hiên liền làm theo. Ngày bà mang cây chè về trồng trong làng, ai nấy đều nhìn với ánh mắt ngờ vực, thế nhưng Ka Hiên vẫn không nhụt chí.
Bà Ka Hiên trong vườn sầu riêng. |
Đến khi bà thu được cả trăm triệu đồng từ vườn chè rộng 4 ha, người làng mới tin tưởng làm theo. Ka Hiên nhiệt tình chỉ cho họ chỗ mua cây giống tốt, đến từng nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân, phun thuốc và đặc biệt là tìm cách giúp bà con tiêu thụ lá chè. Dân làng dần thoát nghèo nhờ cây trồng này, tin tưởng bầu Ka Hiên làm Phó Chủ tịch xã thêm một nhiệm kỳ nữa cho đến khi về hưu, điều mà chưa người phụ nữ nào trong làng làm được.
Năm 2018, khi vợ chồng bà Ka Hiên cưa hạ toàn bộ vườn điều, dân làng vô cùng ngạc nhiên phát hiện dưới chân các gốc điều đã được trồng 700 cây sầu riêng từ lúc nào; trong đó hơn 500 gốc ghép giống MonThong. Hầu hết số cây sầu riêng này đã bắt đầu ra trái bói. Bà tiết lộ, mình đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng để lắp hệ thống tưới (hơn 150 triệu đồng) dài 3 km dẫn nước từ núi Lu Mu về vườn, đào hồ trữ nước mùa hạn nặng, lắp hệ thống tưới phun tự động đến từng gốc… Số tiền mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí ghép sầu riêng không nhỏ.
Thu nhập từ vườn cây của gia đình Ka Hiên tăng đều mỗi năm, từ 350 triệu đồng năm 2016 tăng lên 420 triệu đồng năm 2017. Đến năm 2019, nhờ được mùa, được giá, vợ chồng bà bán hàng chục tấn chè, mít, chôm chôm và sầu riêng, thu lợi cả tỷ đồng. Ka Hiên không chỉ sắm chiếc ô tô đẹp nhất làng với giá 900 triệu đồng mà còn trả ngay 400 triệu đồng cho ngân hàng. Năm 2020, ngoài nguồn thu từ vườn cây, bà vay thêm 500 triệu đồng của ngân hàng để xây căn nhà tiền tỷ khang trang khiến ai nấy trầm trồ.
Hỗ trợ dân làng đổi đời
Tuy rất bận rộn với công việc ở UBND xã Phước Lộc cũng như việc gia đình nhưng vốn nhiệt huyết, năng động, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng nên bà Ka Hiên thường đến thăm, tìm hiểu gia cảnh của các hộ trong làng, khuyên họ nên mạnh dạn thay đổi cách làm ăn để đổi đời chứ đừng giữ mãi thói quen trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước.
Ka Hiên tìm mọi cách vận động dân làng từ bỏ lối canh tác cũ, lạc hậu; ai không có vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà cùng các cán bộ xã hướng dẫn cách vay vốn ngân hàng chính sách, thậm chí Ka Hiên mang số tiền tích góp của gia đình ra cho vay không lãi suất. Từ sự hỗ trợ của UBND xã, đặc biệt là bà Ka Hiên, các hộ dân trong làng, trong xã đã chuyển đổi hàng chục héc-ta điều sang trồng sầu riêng, trên 80 ha diện tích điều được trồng xen canh cây chè đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2020, Ka Hiên là một trong 8 cá nhân và là đại biểu dân tộc thiểu số duy nhất của tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Bà từng tham dự Hội nghị toàn quốc về người dân tộc thiểu số uy tín tiêu biểu và cũng được Ban Dân vận Trung ương trao bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác dân vận. |
“Thấy cô Ka Hiên vừa có quả điều vừa có đọt chè để bán, mình rất nể, liền đến nhờ chỉ cho cách làm. Cô đến tận nhà mình bày cách trồng, bón phân, diệt sâu bọ… Nghe mình than không đủ tiền để trồng cây chè, cô cho mượn tiền mà không tính lãi. Bây giờ mình làm tốt rồi, vườn chè cũng xanh lắm. Chồng mình cũng được cô tìm giúp việc làm ở vựa trái cây nên không còn nghèo khổ như xưa nữa”, chị Ka Phượng thổ lộ.
Từng là du kích, được rừng bao bọc, chở che, cựu chiến binh Ka Hiên rất yêu những cánh rừng quê hương, cùng cán bộ lập dự án để 200 hộ người Mạ và K’Ho nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ka Hiên còn vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn để hàng hóa được thông thương.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều cán bộ trong xã Phước Lộc nhận xét, bà Ka Hiên rất năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên tạo được sự đột phá khi làm kinh tế vườn hộ. Mô hình trồng cây chè dưới tán điều và chuyển đổi diện tích cây điều giống cũ sang trồng sầu riêng của bà có sức lan tỏa rất lớn, được nhân rộng trong cộng đồng người thiểu số ở xã này. Nhờ học hỏi cách làm mới của những người như bà Ka Hiên, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, có cuộc sống khá giả. Tiêu biểu như các hộ K’Ghẹm, K’Rẹ, Ka Liên, K’Hùng… Khi mới thành lập, đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đạ Huoai với 85% dân số là người Mạ và K’Ho, số hộ nghèo chiếm tới 89%. Nay Phước Lộc trở thành điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn vài phần trăm.
Ka Hiên cho rằng, chừng nào chưa bước qua bóng tối của hủ tục thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khốn khó. Hàng tuần, bà đến nhà người dân thăm hỏi, giải thích về các quy định của pháp luật giúp bà con thay đổi nhận thức. Chẳng hạn, hay tin ông K’Brợt muốn cưới vợ cho đứa cháu nội mới 16 tuổi, Ka Hiên liền tìm đến nhà hỏi lý do. “Ngày trước mình cũng cưới vợ ở tuổi này, bây giờ cháu nội không đi học nữa thì cưới vợ cho nó để lo làm ăn”, ông K’Brợt trả lời. Nghe thế, Ka Hiên giảng giải: “Ông làm vậy là vi phạm pháp luật. Bây giờ con trai 20 tuổi mới được lấy vợ”. Hiểu được cái bụng tốt của Ka Hiên, ông K’Brợt đã hoãn đám cưới này.
Theo TP