Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ

(CTG) Tròn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn, với sức trẻ, nhiệt huyết, chị Lương Nga (SN 1991), Bí thư Đoàn xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng bước trở thành “cánh chim đầu đàn” đưa phong trào ở xã miền núi ngày một đi lên.

Cháy hết mình với công tác Đoàn

Tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 2014, cô gái dân tộc Thái Lương Nga trở về quê hương với mong muốn gieo con chữ nơi bản làng nghèo, nhưng rồi cơ duyên đưa chị gắn bó với công tác Đoàn. Nhiệt huyết, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, chị được bầu vào Ban chấp hành Đoàn xã Châu Hạnh và giữ cương vị Bí thư Đoàn xã từ năm 2022 đến nay.

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 1

Chị Lương Nga (thứ 2 từ trái qua) tặng quà cho thanh niên khuyết tật. Đây là nguồn quỹ dành cho thanh niên khuyết tật và trẻ em mồ côi do Đoàn xã Châu Hạnh vận động.

Với vai trò thủ lĩnh, chị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, sáng tạo nhằm khơi dậy được tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ tại địa phương như: tổ chức ngày cao điểm “chiến sĩ tình nguyện vì đàn em thân yêu”, tổ chức sinh nhật và tặng quà cho trẻ em nghèo, mồ côi; hỗ trợ người dân làm đường, cấy lúa, dẫn nước về ruộng; tổ chức hội thi nữ thanh niên thanh lịch kết nối, gây quỹ hỗ trợ học sinh, trẻ em mồ côi, thanh niên khuyết tật; xây dựng tủ quần áo miễn phí cho người dân vùng cao; mô hình góp gỗ tạp làm đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo, trường học; tổ chức hội thi bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ địa phương trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái,...

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 2

Tổ chức sinh nhật và tặng quà cho trẻ em nghèo, mồ côi trên địa bàn

“Châu Hạnh có 11 bản với 1.800 hộ dân, trong đó hơn 80% là đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống của phần lớn người dân vẫn còn khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Là Bí thư Đoàn xã, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở, tìm cách phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, để đoàn viên, thanh niên ra sức làm ăn sản xuất, xây dựng quê hương giàu mạnh”, Lương Nga chia sẻ.

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 3Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 4

Chị Nga cùng các đoàn viên làm đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo từ gỗ tạp.

Nữ Bí thư Đoàn còn đi đầu trong các phong trào thiện nguyện tại địa phương, nâng đỡ nhiều mảnh đời khó khăn. Điển hình như trường hợp của em Lim Văn Hòa (trú bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh) mồ côi bố mẹ, sống một mình trong căn lều tre tạm bợ. Sau khi chị Nga viết bài, kêu gọi các mạnh thường quân, một căn nhà tình nghĩa từ sự chung tay của cộng đồng đã giúp cậu bé có cuộc sống tốt hơn để sinh hoạt và học tập. Hay hoàn cảnh của em Lương Văn Thảo bị gãy đốt sống lưng sau một tai nạn, chị Nga vừa hỗ trợ, vừa kêu gọi giúp đỡ số tiền 130 triệu đồng, giúp gia đình trang trải viện phí,…

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 5

Hoạt động bán dứa gây quỹ, tiếp sức các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

“Suốt 10 năm qua, tôi tự hào, vinh dự khi có Đoàn luôn đồng hành, dẫn bước để tôi trưởng thành hơn và có những kỷ niệm mãi mãi không thể nào quên. Tháng 8/2019, tôi vinh dự là 1 trong 7 Đảng viên trẻ của tỉnh Nghệ An được ra Thủ đô Hà Nội tham dự chương trình “Gặp gỡ Đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc”. Tại đây, tôi và gần 400 Đảng viên trẻ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc vinh dự khi được gặp mặt bác Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Những lời chia sẻ, căn dặn của Bác dành cho thế hệ trẻ thật gần gũi biết bao, đã tiếp thêm niềm tin, ý chí, sức mạnh để tôi một lần nữa khẳng định con đường mình đã chọn là đúng đắn”, Lương Nga chia sẻ.

Khởi nghiệp từ hương trầm, tạo việc làm cho bà con đồng bào dân tộc Thái

Không chỉ làm tốt công tác Đoàn, Lương Nga còn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê mình với nghề làm hương trầm, tạo việc làm cho bà con đồng bào dân tộc Thái. Hiện, cơ sở sản xuất hương trầm của nữ Bí thư Đoàn xã tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó có 2 đoàn viên, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

“Đặc thù của nghề làm hương là theo mùa vụ. Đặc biệt là những tháng cuối năm, việc làm không xuể, đây cũng là thời điểm tôi thuê nhiều nhân công nhất. Những tháng còn lại trong năm, số đơn hàng giảm, nhưng vì không muốn bà con thiếu việc, mất thu nhập nên tôi vẫn tiếp tục thuê mọi người trồng cây rễ hương làm nguyên liệu”, chị Nga cho hay.

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 6

Không chỉ làm tốt công tác Đoàn, Lương Nga còn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê mình với nghề làm hương trầm.

Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Nga cho biết, gặp rất nhiều khó khăn nhưng với phương châm chất lượng đặt lên hàng đầu, các khâu từ tuyển chọn nguyên liệu, quy trình phơi, sấy, xay bột, cuốn hương hay đóng gói đều được chị thực hiện chỉn chu trước khi đến tay khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, công việc sản xuất, kinh doanh cũng dần đi vào quỹ đạo. Năm 2023, cơ sở sản xuất hương trầm của chị đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP).

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 7

Bán hương trầm gây quỹ chương trình "Mùa đông ấm, Xuân tình nguyện"

“Quỳ Châu được xem là “thủ phủ” hương trầm của xứ Nghệ. Từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã mang hương trầm Quỳ Châu ra Hà Nội để kinh doanh, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa lan tỏa, quảng bá sản phẩm quê hương. Ra trường, nhận thấy đời sống của bà con ở quê còn nhiều khó khăn, người dân quanh năm chỉ cặm cụi làm nương rẫy, chăn nuôi nhưng thu nhập bấp bênh. Nhiều gia đình phải chấp nhận để con ở nhà vào Nam ra Bắc làm công nhân. Do đó, tôi mở cơ sở sản xuất hương trầm để đưa bà con vào làm, vừa giữ nghề truyền thống, vừa giúp bà con có thêm thu nhập”, chị Nga tâm sự.

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 8

Năm 2023, Lương Nga (váy vàng) vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Nữ Bí thư Đoàn mê thiện nguyện, khởi nghiệp với hương trầm xứ Nghệ ảnh 9

Lương Nga là 1 trong 14 cán bộ Đoàn đạt giải thưởng Lý Tự Trọng cấp tỉnh năm 2024.

Với sự nỗ lực không ngừng, Lương Nga được cấp ủy Đảng, Đoàn cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2023, chị vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn Nghệ An vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An; giải thưởng Lý Tự Trọng cấp tỉnh năm 2024.

Theo TP