Nữ giáo viên người Bố Y 20 năm “cắm” miền biên viễn

(CTG) Từ vượt qua định kiến quyết học thành tài, cô giáo dân tộc Bố Y Vương Thị Tuyên (SN 1978, Trường tiểu học xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã hơn 20 năm “gieo chữ” ở miền biên viễn Quản Bạ.

Tuổi thơ hiếu học vượt qua định kiến

Sinh ra và lớn lên ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, cô giáo Vương Thị Tuyên cũng trải qua tuổi thơ cơ cực như nhiều bạn đồng trang lứa.

Cô giáo Vương Thị Tuyên làm việc tại Trường tiểu học xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Người dân nơi cô sống đều là dân tộc thiểu số Bố Y, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hán và làm nghề thuần nông, vất vả vật lộn với công cuộc mưu sinh. Bố mẹ cô cũng chỉ được học hết lớp hai, suốt ngày chỉ quanh quẩn với ruộng vườn đồng áng, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm. Nhiều bạn cùng tuổi cũng chẳng được đến trường mà ngày nào cũng chỉ mặc manh áo rách, chạy theo bố mẹ lên nương, lên rẫy.

Từ nỗi vất vả đó, ngay từ nhỏ, cô Tuyên đã ước mơ trở thành cô giáo, được về bản dạy chính con em quê hương mình. Thế nhưng đối với người dân nơi đây, việc đi học là quá đỗi xa vời, chứ chưa nói gì đến học lên sau cấp 3 bởi “học cũng phải ăn cơm, không học cũng ăn cơm”. Bản thân bố cô cũng ra sức ngăn cản bởi quan điểm cho rằng con gái Bố Y học hết lớp 12 là đã học nhiều rồi, phải ở nhà lấy chồng. Tưởng chừng như giấc mơ của cô sẽ không thể thành hiện thực thì may thay, mẹ thấu hiểu ước mơ và khát khao đi học của cô nên đã thuyết phục bố cho cô đi học tiếp.

Miệt mài nghiệp “gieo chữ trên nương”

Sau khi tốt nghiệp sư phạm hệ 12+2 khóa 1997 – 1999, cô Tuyên được phân công đi dạy tại nhiều trường, điểm trường khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Đến năm 2012, cô được Ban giám hiệu Trường tiểu học Quyết Tiến phân về dạy tại điểm trường thôn Nậm Lương, nơi cô sinh ra và lớn lên.

Lúc mới ra trường, cô mang theo nhiệt huyết thanh xuân muốn cống hiến cho công tác giáo dục tại quê hương. Nhưng giữa ước mơ và thực tại là một khoảng cách mà đến chính cô cũng không nghĩ tới nó có lúc mình muốn chán nản bỏ nghề.

Cô Vương Thị Tuyên chụp ảnh kỷ niệm với các học sinh trong một hoạt động tại Trường tiểu học xã Quyết Tiến

Những vùng cô công tác đều là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, không điện lưới, đường sá đi lại cũng toàn đi bộ vượt đồi, leo núi. Đã vậy, thật không dễ để duy trì sĩ số học sinh bởi người dân quê cô vẫn còn thành kiến với việc cho con đi học. Đi mòn gót chân đến tận nhà vận động mà cha mẹ các em còn chẳng muốn gặp, học sinh thấy cô thì chạy trốn…

Vậy nhưng, với ý chí quyết tâm đã trui rèn từ tuổi thơ gian khó, cô Tuyên không hề dễ dàng bỏ cuộc. Với ưu thế là người con của thôn bản, có thể nói được nhiều thứ tiếng và quen với việc nhà nông, hàng ngày, ngoài giờ lên lớp hoặc những ngày nghỉ, cô thường tham gia lao động, sinh hoạt, nói chuyện song ngữ cùng bà con dân bản. “Bằng cách đó có thể tìm hiểu, thay đổi suy nghĩ của bà con. Dần dần việc duy trì sĩ số học sinh cũng được cải thiện. Học sinh dần đi học đều, đó cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng và phấn đấu.” – cô Tuyên chia sẻ.

Từ thành công bước đầu ở công tác “dân vận”, dưới sự giúp đỡ của BGH nhà trường, cô Tuyên tiếp tục tìm kiếm, học hỏi từ đồng nghiệp và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Cứ thế, cô Tuyên đã gắn bó với nghiệp “gieo chữ trên nương” suốt hơn 20 năm ròng. Nhờ những nỗ lực không ngừng của bản thân và những đóng góp hiệu quả cho công tác giáo dục của địa phương, cô đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, UBND tỉnh Hà Giang, Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, “Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh” cùng nhiều giấy khen của ngành và công đoàn.

Đặc biệt, dịp này, cô Tuyên vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các đơn vị phối hợp nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.